Trang chủ » Doanh nhân » Mỗi kết thúc là một sự khởi đầu mới

Mỗi kết thúc là một sự khởi đầu mới

Tác giả:

“Chỉ có duy nhất các doanh nghiệp nhỏ là biết cách tận dụng cơ hội mà mình có”

Khu chợ cá Marino & Sons ra mắt trên đại lộ 30 tại Astoria, Queens vào năm 1932. Thời điểm đó, khu chợ này là giấc mơ trở thành sự thực đối với một cậu thanh niên gầy nhẳng đến từ Sicily, người vốn quen bán cá rong trên các con phố của Manhattan.

Baldasarra Marino – người bán cá, đã cùng với con trai, cháu và cả chắt của mình – tất cả đều mang tên Charles – giữ cho khu chợ hoạt động qua thời kỳ của Đại Khủng hoảng 1929, khủng hoảng tài chính vào những năm 1970, và cả cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2006. Tuy nhiên cuộc đại suy thoái đã vượt quá khả năng chịu đựng của khu chợ, và vào tháng Bảy, chợ cá này đã phải đóng cửa. Đây cũng là điều mà nhiều doanh nghiệp nhỏ ở khu vực lân cận phải trải qua, như một quán rượu của một người Ireland hay một cửa hàng bán thảm của một ông chủ Hy Lạp.

Charlie Marino, chắt của người sáng lập ra khu chợ cá nói “Chẳng có loại bảo hiểm nào có thể chống lại được một nền kinh tế suy thoái”.

Tuy nhiên đi kèm với sự kết thúc lại là những khởi đầu mới. Vào tháng trước, một cửa hiệu kính mắt đã được mở ra tại vị trí mà trước đây từng là cửa hàng bán thảm. Một nhà hàng theo kiểu Louisiana, nằm không xa khu chợ cá, cũng chuẩn bị được ra mắt. Bên kia con phố, một nhà hàng Latinh mới đã xuất hiện.

Sự hồi sinh trở lại của việc làm ăn buôn bán trong tám khu nhà trên đại lộ 30 tượng trưng cho cách mà các doanh nghiệp nhỏ đang tìm cách để kiếm tiền trong giai đoạn kinh tế khó khăn này.

Sự hồi sinh trở lại của việc làm ăn buôn bán trong tám khu nhà trên đại lộ 30, TP New York tượng trưng cho cách mà các doanh nghiệp nhỏ đang tìm cách để kiếm tiền trong giai đoạn kinh tế khó khăn này (Ảnh: NY Times)

Con phố buôn bán từ lâu đã được coi như nơi nuôi dưỡng khát vọng làm giàu cho những người dân nhập cư đã lâm vào cảnh khó khăn bởi giá thuê nhà đắt đỏ và khách hàng ngày càng thưa thớt. Tuy nhiên điều đó cũng mang đến cho khu phố này những con người mới với sự quyết tâm và sẵn sàng chấp nhận thử thách.

Phố Wall thường được xem như động mạch của nền kinh tế New York, nhưng chính những doanh nghiệp nhỏ, những doanh nghiệp chỉ với trên dưới 100 lao động, lại là xương sống của nền kinh tế ấy. Theo thống kê của Cục lao động liên bang, các doanh nghiệp nhỏ chiếm đến 98% trong số khoảng 233.000 doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ.

Tại đỉnh điểm của cuộc suy thoái năm 2008, các doanh nghiệp nhỏ tạo ra gần một nửa số việc làm trong khu vực kinh tế tư nhân của thành phố. Đó là kết luận được đưa ra bởi Trung tâm nghiên cứu vì một tương lai đô thị. Ông Jonathan Bowles, giám đốc trung tâm, cho biết: “Chỉ có duy nhất các doanh nghiệp nhỏ là biết cách tận dụng cơ hội mà mình có”.

Sự nỗ lực và cố gắng của các doanh nghiệp tại Astoria chưa đủ để cải thiện thực trạng không tốt về tỉ lệ những cửa hàng để cho thuê nhưng không được sử dụng. Vấn đề này dường như dễ nhận thấy nhất tại Queens, nơi mà tỉ lệ này lên đến 13% trong quý Ba của năm nay. Trong thành phố, Manhattan là nơi có tỉ lệ cửa hàng cho thuê nhưng không được sử dụng thấp nhất, khoảng 7%. Cũng trong quý Ba hai năm trước, tỉ lệ này là 4% tại Queens và 2,8% tại Manhattan.

Mùa hè năm nay, Anthony D. Weiner đã thực hiện một cuộc điều tra cho thấy thực trạng đáng buồn tại một số khu vực buôn bán của Queens. Trên đại lộ Jamaica, cứ mỗi năm cửa hàng thì có một cửa hàng đóng cửa. Tại Glendale, tỉ lệ cửa hàng đóng cửa là 1/10. Và tại đường Woodhaven, tỉ lệ này cũng lên tới 20%.

Trong một bài phát biểu, ông Weiner, vốn là một đại biểu của Đảng Dân chủ, đã nói rằng: “Đây không chỉ là một chỉ số về mặt kinh tế, nó còn là thước đo tâm lý của cả một cộng đồng”.

Mỗi kết thúc là một khởi đầu mới

Tại Astoria, khoảng 30 cửa hàng gia đình trên đại lộ 30 đã phá sản trong vòng hai năm trở lại đây. Đây được xem như khoảng thời gian khó khăn nhất về mặt tài chính cho những khu phố buôn bán, với cả sự phát triển bùng nổ lẫn sự sụp đổ nhanh chóng và những dòng người nhập cư liên tục đổ về.

Người Hy Lạp và Italia đến đây từ những năm cuối thế kỷ trước. Họ đã mở ra các cửa hàng thịt, bán các loại giăm bông, thịt xông khói và thịt cừu.

Sau đó là đến những người Croatia, Cộng hòa Séc và người dân từ các nước Đông Âu khác. Phần lớn họ mở các đại lý du lịch và tiệm làm tóc. Những năm gần đây, người Brazin đã đến và dựng lên các nhà hàng, trong khi người Ả rập bắt đầu công việc kinh doanh trang sức. Giờ đây, hàng loạt những doanh nghiệp mới đã xuất hiện, và đối với chủ của những doanh nghiệp này, đây giống như một canh bạc vô cùng liều lĩnh.

Khu chợ cá Marino & Sons là doanh nghiệp nhỏ tiêu biểu đã “anh dũng” vượt qua Đại khủng hoảng  (Ảnh: astorianyc.blogspot.com)

Đối với Annie Zhu, 31 tuổi, và Michelle Ho, 35 tuổi, hai người bạn và cũng là cộng sự trong cửa hàng kính mắt Vision Essential, thất bại đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội tự làm chủ doanh nghiệp và họ sẽ tiếp tục phải đi làm thuê cho người khác.

Đối với Al Lau, 39 tuổi, cùng với vợ là Michele Addeo, 38 tuổi, chủ nhà hàng theo kiểu Louisiana có tên Sugarfreak, thất bại đồng nghĩa với việc mất đi toàn bộ những gì họ có.

Hai vợ chồng Lau và Addeo đã thuê một khu đất có diện tích khoảng 92 mét vuông từ một năm trước và đã trả tiền thuê ngay sau đó. Người cho thuê đất đồng ý chỉ lấy tiền thuê là 3.000 USD một tháng, bằng một nửa so với số tiền mà họ sẽ phải trả một khi nhà hàng chính thức đi vào hoạt động. Dù cho tiền thuê có giảm nhưng họ vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Lau và Addeo đã đến ngân hàng để đăng ký một khoản vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, nhưng không có ngân hàng nào chấp nhận. Theo các ngân hàng này, kinh doanh nhà hàng là công việc có quá nhiều rủi ro.

Vì vậy, họ đã phải sử dụng tiền tiết kiệm của mình. Lau vốn là một luật sư còn Addeo là một nhà vật lý trị liệu. Họ đã dùng đến mức tối đa khoản tiền trong thẻ tín dụng của mình để chi tiêu các khoản dành cho nhà hàng. Tổng cộng họ đã phải chi 150.000 USD cho các dụng cụ bếp và 25.000 USD tiền thuê luật sư bởi một nhóm các nhà hàng khác trong khu vực đã đệ đơn chống lại việc xin giấy phép sử dụng rượu trong nhà hàng của họ.

Ngoài ra, sàn gỗ của nhà hàng đã bị mục nát, và họ phải mất đến hai tháng để xin cấp phép sửa chữa. Sau đó, họ lại phải chờ thêm năm tháng và chi một khoản 20.000 USD để thay ống nước cho nhà hàng.

Giờ đây, hai vợ chồng đang chờ đợi đợt kiểm duyệt cuối cùng, đồng thời cũng thực hiện nốt những công việc còn lại liên quan đến xây dựng và trang trí nhà hàng. Vào một buổi sáng mới đây, một chiếc đèn lớn đã được chuyển đến và treo trước cửa nhà hàng.

Lau cho hay “Tại thời điểm này, chúng tôi dấn quá sâu vào việc mở nhà hàng và không thể quay lại được nữa. Nhưng dù sao chúng tôi cũng sẽ cố gắng hết sức mình”.

Còn Addeo chia sẻ thêm “Tất cả rồi sẽ tốt đẹp, hy vọng là như vậy”.

Hai người phụ nữ là Zhu và Ho lại có một câu chuyện khác về cách mà họ bắt đầu công việc kinh doanh. Để có thể mở được cửa hiệu kính mắt trên đại lộ 30, Zhu và Ho đã dựa vào tiền đi vay và một chút may mắn. Nhờ có sự suy thoái của nền kinh tế, các hãng kính mắt nổi tiếng như Prada và Versace vốn không mấy mặn mà với các doanh nghiệp nhỏ đã chuyển hướng và rất muốn cộng tác với những doanh nghiệp như vậy. Hai người phụ nữ đã bỏ cả công việc của mình để dành toàn bộ thời gian và công sức cho việc kinh doanh mới và vô cùng thử thách này.

Các nhà hàng, quán café mới vẫn tiếp tục xuất hiện bất chấp ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế (Ảnh: NY Daily News)

Cô Ho, vốn được sinh ra ở Trung Quốc, lớn lên tại Hồng Kông và đến New York năm 1997, cho rằng “Ai cũng cần kính mắt”. Cô Zhu, người có cha mẹ gốc Trung Quốc, tán thành và nói thêm rằng “Câu hỏi lớn đối với chúng tôi là, liệu khách hàng sẽ mua một chiếc gọng 100 USD hay một chiếc với giá 300 USD?”

Người cho hai người phụ nữ thuê đất chính là chủ cửa hàng thảm trước đây. Đó là George Georgiou, 70 tuổi, và đã kinh doanh thảm trong suốt 30 năm. Ông George đã mua hai căn nhà gần nhau và dùng tầng trệt của chúng để làm cửa hàng. Ông cũng mua một căn nhà trong khu đó, và cả hai con của ông đều theo học trường luật.

Dù vậy, công việc kinh doanh đã trì trệ đi rất nhiều và đóng cửa là giải pháp khôn ngoan nhất. George nói rằng “Kinh doanh vốn đã khó, nay lại càng khó hơn, bởi sự cạnh tranh trên thị trường quá khốc liệt”.

Marino từ khu chợ cá trước đây nay cũng sở hữu một tòa nhà để làm cửa hàng. Tuy nhiên giờ đây ông đang phải tìm cách giải quyết những dụng cụ vẫn còn lại trong cửa hàng, đồng thời cũng phải lo cho việc bán buôn cá của mình. Ngày hôm trước,  Georgiou đã ghé qua lễ khai trương của hai người phụ nữ và cho họ một lời khuyên nho nhỏ “Làm kinh doanh là cách để kiếm ra tiền trên đất Mỹ, và tự mình làm chủ doanh nghiệp cũng tốt hơn là làm thuê cho một ai đó”.