Trang chủ » Tranh luận » Mô hình tăng trưởng của Việt Nam đang mất dần động lực

Mô hình tăng trưởng của Việt Nam đang mất dần động lực

Tác giả:

Trong khi đó, việc quá phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài để gia tăng đầu tư nhằm tạo tăng trưởng sẽ tạo ra các mất cân đối vĩ mô nguy hiểm và có thể dẫn tới khủng hoảng.

Đó là những cảnh báo đáng suy nghẫm từ Báo cáo Năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010, do Học viện Năng lực cạnh tranh châu Á (Singapore) hợp tác với Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện dưới sự chỉ đạo nội dung của GS. Michael Porter – chuyên gia uy tín trong lĩnh vực cạnh tranh tới từ Trường Kinh doanh Harvard – được công bố hôm qua 30/11.

3 mất cân đối vĩ mô không thể xem thường

Theo phân tích của Báo cáo, hiện Việt Nam đang đối mặt với ba mất cân đối kinh tế vĩ mô khá nghiêm trọng.

Đầu tiên là lo lắng về thâm hụt thương mại đang ngày càng tăng: “Mặc dù được coi là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, Việt Nam đang nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu một cách có hệ thống”.

Cùng với đó là quan ngại về khả năng trang trải các thâm hụt đối ngoại của Việt Nam ngày càng tăng với mức nợ công tăng lên và dự trữ ngoại hối giảm đi đáng kể, ảnh hưởng tới triển vọng của nền kinh tế.

Một điểm nữa cũng được nhóm nghiên cứu nhắc đến là tỷ lệ lạm phát của Việt Nam trong những năm qua ngày càng dao động mạnh, với xu hướng tăng lên đáng kể. Những dòng vốn ngoại lớn đổ vào cùng với tăng trưởng tín dụng trong nước đã gây ra áp lực đáng kể đối với lạm phát.

Vì thế, theo các chuyên gia của nhóm nghiên cứu, “khi Việt Nam vẫn duy trì tỷ giá danh nghĩa ở mức ổn định, lạm phát dẫn tới tỷ giá thực có hiệu lực tăng lên, buộc Việt Nam phải liên tục phá giá đồng tiền”.

“Những mất cân đối này có thể gây ra những hậu quả không thể xem thường, ít ra là chúng tạo ra tâm lý với các nhà đầu tư rằng rủi ro khi đầu tư vào Việt Nam là rất cao”, nhận định đưa ra trong báo cáo.

Cũng theo báo cáo thì khi niềm tin bị xói mòn và các dòng vốn nước ngoài chảy khỏi Việt Nam, quốc gia sẽ phải trải qua quá trình điều chỉnh rất khó khăn và phải thay đổi hoàn toàn các chính sách về tỷ giá, cắt giảm chi tiêu công và đánh mất đi thành quả tăng trưởng của rất nhiều năm trước đó.

“Mặc dù những phản ứng chính sách gần đây của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận nhưng cho tới nay Việt Nam vẫn thiếu một chiến lược tổng thể để giải quyết các thách thức một cách toàn diện, hệ thống”, báo cáo nhìn nhận.

Đòi hỏi những cách tiếp cận chính sách mới

Theo nghiên cứu của nhóm thực hiện, các doanh nghiệp vẫn phàn nàn nhiều về tình trạng không tìm được lao động có kỹ năng đáp ứng nhu cầu và sự thiếu hụt hạ tầng kỹ thuật, logistics và năng lượng.

Trong khi đó nguồn vốn FDI ngày càng tập trung vào lĩnh vực bất động sản và các ngành sử dụng nhiều lao động, chưa thấy rõ tác dụng lan tỏa tích cực của khu vực FDI đối với khu vực trong nước.

“Những khó khăn này là dấu hiệu phần nào cho thấy mô hình tăng trưởng hiện nay đang mất dần động lực”, báo cáo nhận định.

Ngoài ra, chính sách kinh tế vĩ mô là một điểm yếu lớn trong những năm gần đây. Cụ thể thời gian qua chính sách tài khóa bị cản trở nhiều bởi các thâm hụt cơ cấu lớn của khu vực nhà nước.

Thêm vào đó, với những áp lực liên tục lên tỷ giá, tỷ lệ lạm phát cao, cũng như sự phát triển nóng của thị trường tài chính trước khi nổ ra khủng hoảng tài chính toàn cầu là những dấu hiệu về một chính sách tiền tệ còn có vấn đề.

“Đến nay, trọng tâm của chính sách chủ yếu tập trung vào gia tăng đầu tư, nhất là đầu tư vào DNNN và cơ sở hạ tầng để tạo ra tăng trưởng hơn là dựa trên năng suất và hiệu quả”, báo cáo đưa ra nhận định.

Phân tích cũng cho thấy tăng trưởng hiện tại của Việt Nam đang dựa trên một mô hình kinh tế mà dư địa còn lại không nhiều. Với mô hình này, mức độ phồn thịnh cao nhất mà Việt Nam có thể đạt tới sẽ bị giới hạn bởi mức năng suất mà các lao động sản xuất chế biến, chế tạo.

Từ những nghiên cứu của mình, nhóm nghiên cứu cho rằng cách tiếp cận chính sách hiện nay vẫn dựa vào việc xây dựng các DNNN trở thành các tập đoàn anh cả của quốc gia, cấp tín dụng cho các công ty riêng lẻ và xây dựng những khu vực có hạ tầng hoàn chỉnh và chuyên biệt.

Cách tiếp cận chính sách mới cần tập trung vào các cụm ngành thay vì các công ty riêng lẻ, “mục tiêu của chính sách là tăng năng suất chứ không phải chỉ tăng lợi nhuận của một vài công ty đơn lẻ nào đó, Chính phủ cần khuyến khích các doanh nghiệp trong cụm ngành cạnh tranh ở mức độ cao hơn thay vì bảo hộ cho họ tránh khỏi áp lực cạnh tranh”.

Điểm yếu phân cấp và phối hợp thực hiện

Một vấn đề nữa cũng rất được lưu ý là với quy mô và đặc điểm địa lý của Việt Nam, việc phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền hạn và trách nhiệm giữa chính quyền trung ương và các địa phương là vô cùng quan trọng.

Lý do là vì các công ty bao giờ cũng có cơ sở sản xuất kinh doanh đặt tại một địa phương nào đó, do đó họ sẽ chịu tác động tổng hợp của các hiệu ứng chính sách từ cấp trung ương tới địa phương.

Nhưng thực tế là cơ cấu phân cấp và phối hợp hiện nay của Việt Nam đang có nhiều điểm yếu, các vùng hay địa phương cần được khuyến khích nâng cao năng lực cạnh tranh của mình dựa trên những lợi thế và định vị đặc thù của địa phương.

“Thay vì cạnh tranh, cần khuyến khích mạnh sự hợp tác, kết hợp và làm lợi lẫn nhau giữa các tỉnh, nhất là các tỉnh trong cùng một vùng, thông qua các chính sách phát triển cụm ngành”, báo cáo đề xuất.

Cũng theo nhìn nhận của Học viện Năng lực cạnh tranh châu Á, Chính phủ Việt Nam cần xác định được một vai trò mới cho mình, phù hợp với yêu cầu của một nền kinh tế thị trường năng động và đang hội nhập ngày càng sâu rộng.

Với vai trò này, Chính phủ sẽ đảm nhận những công việc tạo điều kiện và đảm bảo thị trường được vận hành theo nguyên tắc của nó.

Dựa trên kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia trên thế giới, nhóm nghiên cứu cho rằng Việt Nam cần xây dựng một cơ quan độc lập chịu trách nhiệm cung cấp các thông tin, số liệu minh bạch và chính xác về thực trạng của nền kinh tế và đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối và kết nối đồng bộ các chính sách vĩ mô giữa các bộ, ngành.

Cụ thể hóa nhận định đó là đề xuất thành lập Hội đồng Năng lực cạnh tranh Việt Nam (VCC) với nhiệm vụ chính là để thực hiện những việc trên. Hội đồng này sẽ do Thủ tướng chủ trì và có một Ban thư ký chuyên trách và nguồn lực phù hợp để hoạt động.

Khi đó, chức năng nhiệm vụ và hoạt động của Hội đồng là định hướng và điều phối các mục tiêu chính sách trung và dài hạn, chứ không chỉ để tìm kiếm các giải pháp tình thế nhằm đối phó và xử lý những khủng hoảng hay vấn đề trước mắt.