Trang chủ » Kinh tế 24h » Thị trường chứng khoán đối mặt với “cơn sốt” lãi suất

Thị trường chứng khoán đối mặt với “cơn sốt” lãi suất

Tác giả:

Vừa qua, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng mức lãi suất cơ bản lên 9%/năm, nhiều NHTM đã đồng loạt tăng lãi suất huy động với đỉnh là 13,5%/năm; đặc biệt là lãi suất của các khoản vay ngắn hạn đã lên 17% – 19%/ năm. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

NHNN đã nâng mức lãi suất cơ bản từ 8%/năm lên 9%/năm. Theo tôi, có một số nguyên nhân:

– Thứ nhất, chỉ số giá tiêu dùng và tỷ lệ lạm phát trong vài tháng gần đây có xu hướng tăng trở lại, do đó NHNN phải tăng lãi suất cơ bản nhằm hạn chế cung tiền, đồng thời hạn chế hoạt động kinh doanh giúp lạm phát trở về mức bình thường.

– Thứ hai, cũng trong thời gian vừa qua, trên thị trường ngoại hối đã xảy ra nhiều biến động như giá vàng trong và ngoài nước, tỷ giá VND/USD cùng tăng.

Trước tình hình đó, một số nhà đầu tư tranh thủ gom USD tại thị trường tự do để nhập lậu vàng gây ảnh hưởng cho tỷ giá trên thị trường này, buộc NHNN phải tăng lãi suất nhằm hạn chế lạm phát và đầu cơ.

Lãi suất tăng cao, doanh nghiệp kêu khó. Vậy TTCK có phản ứng thế nào trước “cơn sốt” này?

Việc lãi suất tăng cao đã ảnh hưởng đến TTCK thông qua một số khía cạnh:

– Thứ nhất, với lãi suất tăng cao thì doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận với các nguồn vốn khiến đầu ra của doanh nghiệp bị ảnh hưởng và từ đó sẽ tác động không tốt đến kết quả kinh doanh mặc dù, mục đích của việc nâng lãi suất là nhằm hạn chế lạm phát.

– Thứ hai, việc lãi suất tăng cũng ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của thị trường so với các kênh đầu tư khác như vàng, USD và lãi suất tiết kiệm. Bởi, khi lãi suất cơ bản tăng, lãi suất huy động vốn của các ngân hàng cũng tăng khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) có khuynh hướng gửi tiền tiết kiệm, thay vì đầu tư vào các kênh khác nhiều rủi ro hơn. Từ đó, sẽ hạn chế dòng tiền đổ vào TTCK.

Vậy theo ông, nhiều nhà đầu tư lo ngại “kịch bản lãi suất năm 2008′ liệu có cơ sở?

Nhìn lại năm 2008, chúng ta có thể thấy có 2 đợt điều chỉnh lãi suất:

– Đợt đầu tiên là vào cuối năm 2007 đầu năm 2008, khi đó Việt Nam phải đối diện với tình trạng lạm phát cao, buộc NHNN phải đưa ra biện pháp can thiệp là đẩy lãi suất lên để giảm cung tiền và hạn chế lạm phát.

– Đợt thứ hai là giai đoạn khủng hoảng tài chính thế giới, khi đó đa phần NĐT nước ngoài tìm cách rút vốn ra khỏi thị trường Việt Nam gây ảnh hưởng đến lãi suất thông qua các chỉ số CPS.

Đối chiếu với hiện tại, vừa qua NHNN đã thực hiện những biện pháp tương tự năm 2008 để hạn chế lạm phát đó là nâng lãi suất cơ bản. Nhưng rõ ràng, giai đoạn hạn chế lạm phát của năm 2008 gấp rút hơn và biện pháp thực hiện cũng đột ngột hơn so với năm nay. Vì năm nay, lạm phát được dự đoán trước nên các biện pháp đưa ra cũng chủ động hơn. Mặt khác, tình trạng lạm phát cũng khó có khả năng kéo dài do tính mùa vụ cuối năm và do ảnh hưởng của thiên tai lũ lụt trong thời gian vừa qua. Do đó, những yếu tố có thể đẩy lãi suất tăng cao trong thời gian tới không đáng kể, và chúng ta có thể hoàn toàn kiểm soát được vấn đề này.

Vậy với việc lãi suất huy động liên tục tăng cao như vậy, cuối cùng ai sẽ là người được hưởng lợi?

Trước tiên, phải khẳng định rằng việc lãi suất tăng cao là khó khăn chung: Nhà điều hành phải chịu sức ép khá lớn trong việc quản lý. Về phía nhà đầu tư, việc lãi suất huy động tăng cao cũng không giúp bù lại được với chi phí sinh hoạt leo thang khi lạm lạm phát tăng. Còn về phía doanh nghiệp, họ cũng không được hưởng lợi do chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh bị hạn chế, kéo đầu vào lẫn đầu ra của sản phẩm gặp khó khăn.

Tuy nhiên, trường hợp cá biệt đối với các mặt hàng thuộc nhóm ngành cơ bản. Khi việc lạm phát tăng cao trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân đối với các mặt hàng này lại không đổi, giúp hoạt động sản xuất cũng như kinh doanh đối với nhóm ngành này sẽ đạt được kết quả tốt.

Xin cảm ơn ông!