Trang chủ » Kinh tế 24h » Vàng sẽ tăng lên 1.500 USD/ounce trong năm 2011

Vàng sẽ tăng lên 1.500 USD/ounce trong năm 2011

Tác giả:

Sau khi xác lập mức cao kỷ lục 1.424 USD/oz hôm 09/11, giá vàng quay đầu điều chỉnh và đang trên đà gia tăng trở lại.

BNP Paribas cho biết hiện mức độ quan tâm đến giá vàng là rất lớn do lo ngại về nợ công châu Âu.

Theo BNP Paribas, lĩnh vực vàng miếng tiếp tục thu hút được rất nhiều người mua trong khi lĩnh vực vàng trang sức cũng bước vào quý cuối năm với nhu cầu mạnh mẽ.

Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế, đặc biệt tại các thị trường mới nổi, giúp nhu cầu vàng cho các ngành công nghiệp gia tăng.

BNP cho biết bất chấp sự điều chỉnh gần đây của giá vàng, niềm tin vào thị trường này vẫn còn tích cực trong hai năm tới.

Các nhân tố hỗ trợ cho xu hướng tăng của giá vàng, bao gồm những bất ổn ngày càng gia tăng liên quan vai trò của đồng USD trong hệ thống tiền tệ quốc tế, mối quan ngại về sự ổn định của các quốc gia eurozone và áp lực lạm phát leo thang tại các nền kinh tế mới nổi châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.

BNP Paribas liệt kê một số nhân tố tạo ra môi trường “thuận lợi” cho vàng. Nhân tố cần nêu ra trước tiên là dòng thanh khoản dồi dào.

Đầu tháng 11, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố chương trình nới lỏng tín dụng lần 2. Theo đó, FED sẽ mua 600 tỷ USD trái phiếu Chính phủ nhằm cắt giảm lãi suất dài hạn. Theo BNP, động thái của FED diễn ra trong bối cảnh “chính sách tiền tệ toàn cầu đã khá thông thoáng.”

Các yếu tố khác tác động tích cực đến giá vàng theo BNP là xu hướng suy yếu của đồng USD (bất chấp đà gia tăng của đồng bạc xanh so với đồng EUR gần đây), cũng như  kỳ vọng lạm phát ngày càng leo thang.

BNP nhận định: “Kỳ vọng lạm phát cao là một trong những mục tiêu chính của FED. Nguyên nhân là FED có vẻ không hài lòng với tình trạng chỉ số giá tiêu dùng cơ bản (trừ năng lượng và thực phẩm) ngày càng suy giảm.”

BNP cũng chỉ ra một số “bất ổn” xung quanh hệ thống tiền tệ quốc tế do sự biến động rõ rệt trong giá trị của đồng USD. BNP cho biết: “Sự mất giá của USD, đồng tiền dự trữ toàn cầu, đang khiến các nhà đầu tư và chính phủ nước ngoài đau đầu”.

“Mối lo ngại này càng thêm sâu sắc do chính sách tiền tệ quá thông thoáng và việc áp dụng các biện pháp bất thường dưới hình thức nới lỏng tín dụng để giải quyết vấn đề trong nước như thất nghiệp cao và giá cả thấp, nhất là khi thâm hụt ngân sách và nợ công của Mỹ đang đứng ở mức rất cao.

Vì thế, vai trò đồng tiền dự trữ của USD ngày càng bị nghi ngờ mặc dù cho đến nay, dường như chưa có đồng tiền nào có để thay thế được.

“Dù các thuộc tính của vàng khiến cho kim loại này có khả năng trở thành một đồng tiền thay thế hấp dẫn, nhưng quy mô hiện tại của thị trường và tốc độ tăng trưởng nguồn cung có thể là trở ngại đối với việc tái áp dụng chế độ bản vị vàng”, BNP nhận định.

“Vì vậy, dù nhu cầu mua vàng của FED có thể tiếp tục gia tăng, nhưng chắc chắn lượng vàng mà FED mua vào có thể bị hạn chế để duy trì tỷ lệ vàng trong nguồn dự trữ của các quốc gia. Hơn nữa, quy mô của thị trường vàng là quá nhỏ cho một sự chuyển đổi hoàn toàn”.