Trang chủ » Điểm nóng » Lần thứ hai Bourbon bán tài sản ở Việt Nam

Lần thứ hai Bourbon bán tài sản ở Việt Nam

Tác giả:

Từ Paris, nơi cổ phiếu của tập đoàn Bourbon niêm yết và giao dịch dưới mã chứng khoán GBB, ngày 18-11-2010 Dow Jones Newswires đưa tin Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh (SBT – Hose) chính thức bán 68,52% cổ phần còn lại cho đối tác nội địa với giá 34 triệu euro.

Nguồn tin trong nước xác nhận SBT bán thỏa thuận 97 triệu cổ phiếu cho Công ty Thành Thành Công và một số pháp nhân khác với giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Sau lần chuyển nhượng siêu thị Cora mấy năm trước, đây là lần bán tài sản thứ hai của Bourbon ở Việt Nam, chấm dứt sự hiện diện tại đây sau một thập kỷ rưỡi đầu tư trực tiếp. Riêng Jaccar Holding là công ty mẹ của Bourbon vẫn còn ở Việt Nam và đầu tư gián tiếp với một số quỹ thành viên nước ngoài.

Giá rẻ – cơ hội – thời gian

Theo báo cáo tài chính chín tháng đầu năm 2010, lợi nhuận sau thuế của SBT đạt 262,3 tỉ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất mà công ty này có được kể từ khi thành lập. SBT lý giải sự gia tăng đột biến của lợi nhuận quí III/2010 (tăng 97 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái) là do sản lượng đường tăng 26% và đặc biệt giá bán đường tăng 45%.

Nhà máy sản xuất mía đường Bourbon Tây Ninh (ảnh bourbonth)

Giả sử năm nay SBT có được lợi nhuận sau thuế 300 tỉ đồng (mức này là tối thiểu vì giá đường hiện tại cao hơn quí 3 vừa qua), với vốn điều lệ 1.419 tỉ đồng, EPS sẽ khoảng hơn 2.000 đồng/cổ phiếu và với giá mua bằng mệnh giá, chỉ số PE năm lần, một mức hời để đầu tư trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu.

Giá này cũng thấp hơn 20% so với giá đang giao dịch trên sàn của SBT vào ngày 26-11-2010 là 12.000 đồng/cổ phiếu.

Thị trường chứng khoán trầm lắng là cơ hội cho những giao dịch thỏa thuận lớn như vậy. Từ phía người mua, hẳn sẽ khó có một thời cơ tốt hơn để tận dụng trong việc thâu tóm một doanh nghiệp tầm cỡ như Bourbon Tây Ninh. Thành Thành Công là đơn vị thâm niên, chuyên sản xuất và kinh doanh đường. Họ có đủ kinh nghiệm để điều hành những nhà máy và vùng nguyên liệu mía rộng 16.000 héc ta của SBT ở ĐBSCL.

Thực ra Thành Thành Công đã là một cổ đông lớn của SBT từ ba năm trước khi Bourbon Tây Ninh cổ phần hóa và chuyển từ doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài thành công ty cổ phần. Họ đã gắn bó và là một trong những đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho Bourbon. Do đó việc họ mua cổ phần của đối tác Pháp cũng là hợp lẽ của những bước đi trên thương trường kinh doanh.

Vì sao ra đi?

Bourbon là một tên tuổi lớn của giới doanh nghiệp Pháp. Sau một thời gian tìm hiểu, mười lăm năm trước họ quyết định đầu tư vào Việt Nam. SBT ra đời năm 1995 dưới hình thức liên doanh trong đó phía Pháp chiếm 70% vốn điều lệ. Năm 2000 phía nước ngoài mua lại toàn bộ phần vốn của phía Việt Nam và Bourbon Tây Ninh trở thành công ty 100% vốn nước ngoài.

Với sự hỗ trợ vốn vay dài hạn của Quỹ Phát triển Pháp (AFD) lãi suất 4,62%/năm, công ty đầu tư bài bản cho vùng nguyên liệu mía, hỗ trợ nông dân. Họ thậm chí bỏ thêm vốn, tăng vốn đầu tư lên 113 triệu đô la Mỹ vào tháng 2/2001. Cuối năm đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn y điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp 10%/năm cho suốt đời dự án.

Tuy nhiên thời gian đó lĩnh vực mía đường không suôn sẻ. Từ năm 2003 trở về trước hầu hết các nhà máy đường đều lỗ, đói nguyên liệu, công suất hoạt động cầm chừng. Bourbon Tây Ninh cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Công suất nhà máy của SBT chỉ đạt 50-60% thiết kế, giá đường nội lại bị đường ngoại nhập lậu cạnh tranh, chưa kể giá đường quốc tế bấy giờ luôn thấp.

Chỉ đến năm 2005 SBT mới bắt đầu có lãi. Khoản lợi nhuận sau thuế năm 2005 được ghi nhận 121 tỉ đồng, 2006 là 192,5 tỉ đồng, 2007 là 191,3 tỉ đồng và 2009 là 210 tỉ đồng.

Năm 2007 SBT cổ phần hóa, bán 31,48% cổ phần cho các tổ chức chiến lược, trong đó có nhiều quỹ nước ngoài và doanh nghiệp tiêu thụ đường như Vinamilk, Kinh Đô… với giá 25.000 đồng/cổ phiếu. Cuối tháng 2/2008, SBT chính thức niêm yết và 44,8 triệu cổ phiếu được đưa vào giao dịch, bằng đúng tỷ lệ cổ phần hóa.

Từ khi lên sàn, giá SBT chưa bao giờ vượt qua mức đấu giá khi cổ phần hóa. Gần bốn năm qua, giá cao nhất của Bourbon Tây Ninh là 22.800 đồng/cổ phiếu ngày 26-2-2008 và thấp nhất là 5.300 đồng/cổ phiếu ngày 27-2-2009.

Trong bản công bố thông tin đăng tải trên website của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM ngày 26/11/2010, SBT cho biết lý do đối tác Pháp chuyển nhượng toàn bộ cổ phần là tái cơ cấu, tập trung vào hoạt động cung ứng dịch vụ hàng hải dầu khí ngoài khơi theo yêu cầu của cổ đông công ty mẹ ở Paris.

Kể từ ngày khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, ba từ “tái cơ cấu” xuất hiện mọi lúc, mọi nơi từ tầm vĩ mô đến vi mô, quốc tế đến trong nước, thậm chí các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng tái cơ cấu danh mục. Và lý do bán cổ phần của Bourbon cũng không có gì mới lạ.

Đằng sau sự ra đi của Bourbon có lẽ là sự bào mòn của thời gian vào lòng kiên nhẫn của doanh nghiệp khi mà 15 năm họ vẫn chưa nhìn thấy bóng dáng sự hòa vốn khoản đầu tư.

Bourbon đã tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng phần vốn còn lại từ lâu, và đến giờ họ mới tìm được. Giới đầu tư Pháp vốn dĩ nhẫn nại và yêu Việt Nam khi họ sinh sống và làm ăn ở đây, nơi dấu vết của văn hóa Pháp vẫn còn tồn tại. Nhưng kinh doanh là kinh doanh. Liệu một ngày nào đó Bourbon có trở lại?