Trang chủ » Kinh tế 24h » Cá tra Việt Nam thuộc cả ba nhóm: xanh, vàng, đỏ

Cá tra Việt Nam thuộc cả ba nhóm: xanh, vàng, đỏ

Tác giả:

Sai lệch trong cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản

VASEP đã gửi thư tới điều phối viên trong lĩnh vực thuỷ sản của  WWF toàn cầu Mark Powell để bác bỏ việc WWF xếp cá tra, ba sa của Việt Nam vào danh sách đỏ.

Ông Powell nói với Intrafish, một trang web thông tin cho các chuyên gia thủy sản toàn cầu, rằng sự “hạ bậc” này bắt nguồn từ “vấn đề quản trị.”

Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng của WWF dành cho khách hàng ở châu Âu đã khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng phần lớn các loại cá da trơn của Việt Nam do các biện pháp canh tác không bền vững.

Cá da trơn của Việt Nam bị xếp loại màu đỏ và không được chứng nhận bởi các nhãn hiệu chất lượng quốc tế.

Tuy nhiên, theo The Earth Times, một tờ báo của Anh, thì loại cá tra nuôi hữu cơ của Việt Nam được chứng nhận quốc tế vẫn được đánh giá màu xanh. Cá tra phi hữu cơ được chứng nhận bởi GlobalGap được xếp vào nhóm màu vàng.

Trao đổi với hãng thông tấn Đức DPA, ông Powell nói rằng WWF vẫn giữ nguyên nhận định đối với loại cá da trơn không được kiểm định của Việt Nam (uncertified Vietnamese catfish) là không bền vững bởi ảnh hưởng của nó với môi trường và hoạt động canh tác thâm canh.

Ông cũng khẳng định là những nhà cung cấp thủy sản chất lượng cao của Việt Nam cảm thấy bị đưa vào tầm ngắm một cách bất công bởi vì cẩm nang thủy sản ở một số nước chỉ đăng tải đánh giá tổng quan xếp hạng đỏ của WWF dành cho cá da trơn nói chung, mà không phân biệt với đánh giá xanh và vàng dành cho các loại cá da trơn được kiểm định, hay còn gọi là cá tra (pangasius).

Công nhân đang chế biến cá da trơn xuất khẩu tại một cơ sở sản xuất ở Long Xuyên. Ảnh: Justin Mott

Trong khi đó, ông Flavio Corsin, giám đốc một trung tâm nuôi trồng thủy sản bền vững thuộc Hiệp hội Thủy sản Việt Nam khẳng định ông tin rằng phân tích của WWF đã bỏ qua một số yếu tố quan trọng.

Ông Corsin, người trước kia đã từng làm cho WWF về tiêu chuẩn cá da trơn Việt nam, cho biết báo cáo đã không chỉ ra được việc sử dụng hiệu quả diện tích nuôi trồng. Nông dân Việt Nam có thể nuôi 100 tấn cá trong một đầm rộng 1 héc ta, đồng nghĩa với việc nông trại nhỏ gọn và có ít tác động sinh thái hơn.

Tuy nhiên, ông Powell lại khẳng định yếu tố đó đã được cân nhắc và chính việc nuôi trồng quá tập trung này đã có những ảnh hưởng riêng, chẳng hạn như việc xả nước thải ô nhiễm.

“Sự lựa chọn tốt cho khách hàng châu Âu”

Thời gian qua, bất chấp các chiến dịch bôi xấu hình ảnh cá da trơn của Việt Nam và tiểu vùng sông Mekong trên một số phương tiện truyền thông ở châu Âu và Mỹ, vẫn có nhiều tổ chức nước ngoài lên tiếng bác bỏ những luận điệu này.

Viện Thủy sản Quốc gia, một tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ, đã cáo buộc đó chỉ là sự bóp méo sự thật và đe doạ người tiêu dùng, khiến họ tin rằng cá tra nhập khẩu không an toàn.

Stephen Taylor, giám đốc bán hàng của Findus Group, một công ty của Anh, phát biểu trên thefishsite.com tháng trước khẳng định cá tra, basa là “sự lựa chọn tốt cho các khách hàng châu Âu”.

Ông tin chắc là các sản phẩm này rất an toàn vì được nhập bởi những nhà nhập khẩu uy tín nhất toàn cầu.

Ông Taylor cho biết nhà cung cấp của ông ở Việt Nam có đầy đủ các chứng nhận về chất lượng như BRC, IFS, ISO, Global Gap. Cùng với đó là sự tham gia tích cực vào các chương trình đàm thoại với WWF và hoàn toàn cam kết đảm bảo chất lượng GMP, GAP cũng như có trách nhiệm trong quản lý môi trường.

Thực chất, nhà cung cấp này đang xúc tiến để trở thành một trong những đơn vị đầu tiên được chứng nhận cho cá da trơn từ ASC, tổ chức độc lập, phi lợi nhuận được thành lập bởi WWF và Sáng Kiến Thương mại bền vững Hà Lan để quản lý các tiêu chuẩn toàn cầu đối với việc nuôi trồng thuỷ sản.

Hồi năm 2008 cũng đã dấy lên một tin đồn thất thiệt về sự thiếu an toàn của cá da trơn Việt Nam xuất khẩu khi một email bị phát tán khắp mạng Internet cáo buộc loại cá này được nuôi rất độc hại ở sông Mekong. Khi ấy, hàng trăm khách hàng đã lo lắng gọi điện tới Cơ quan Thực phẩm – Nông nghiệp và Thú y của Singapore.

Cơ quan này sau đó đã tiến hành kiểm nghiệm và kết luận cá da trơn Việt Nam hoàn toàn “vô tội” và những thông tin trong email kia là hoàn toàn bịa đặt.

“Không có chuyện cá tra, ba sa của Việt Nam được bán trên thị trường thế giới có hàm lượng vi khuẩn và độc hại cao,” Goh Shih Yong, phát ngôn viên của cơ quan này nói trong một phỏng vấn với tờ The Straits Times.