Trang chủ » Điểm nóng » Cân bằng xuất nhập: Khó bề xoay sở

Cân bằng xuất nhập: Khó bề xoay sở

Tác giả:

Cùng tác giả: Tại sao phải “gồng” mình với “công nghiệp hiện đại”?

“Đến năm 2015 phải bằng mọi cách đưa tỷ lệ nhập siêu xuống 14%. Dự kiến một vài năm sau, đến 2015 sẽ tiến tới cân bằng cán cân thanh toán”. Mục tiêu này lại được “vẽ” ra, nhưng chưa cần đợi hết năm 2010 đã khẳng định là lỡ hẹn, bởi khi bước vào giai đoạn 2006-2010, chúng ta từng đề ra: cân bằng xuất nhập khẩu vào những năm đầu sau 2010.

Đuổi hình bắt bóng

Lỡ keo này bày keo khác, nhưng không đơn giản. Dù đã dịch chuyển đích lùi sau 5 năm nữa, quyết tâm cao, song thoáng qua đã thấy gờn gợn.

Nhập khẩu thời nay thượng phong, điểm xuất phát để tới đích cân bằng xuất – nhập xa hơn 5 năm trước. Kim ngạch và tỷ lệ nhập siêu của giai đoạn 2006-2010 đều cao hơn giai đoạn 2001-2005. Riêng 2 năm 2009 và 2010, nếu loại bỏ phần xuất khẩu vàng, trị giá cùng tỷ lệ nhập siêu còn ngất ngưởng.

Điều ấy chỉ có thể lý giải rằng, yếu tố cũ dẫn đến nhập khẩu, nhập siêu còn nguyên vẹn, lại được bồi thêm tác nhân mới. Đó là: một nền kinh tế phụ thuộc thái quá vào bên ngoài, lại buộc phải mở cửa thị trường theo cam kết với WTO và với tự do hoá thương mại. Có đến 10 điều bất cập.

Mục tiêu “cân bằng cán cân thương mại” luôn là bài toán khó (ảnh dulichnhatrang)

1. Nói rằng vừa qua do phải tập trung đầu tư rất nhiều cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt cho xây dựng năng lực sản xuất mới, nên phải nhập khẩu nhiều, nhập siêu lớn.

Vậy, trong 5 năm tới, muốn xây dựng nền tảng nhằm đến năm 2010 cơ bản thành nước công nghiệp hiện đại, để đi tắt đón đầu, chắc không phải nhập nhiều, nhập nhanh thiết bị, dây chuyền, máy móc tân tiến, đắt tiền hay sao (?).

2. Nói rằng vì công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, nên nhập siêu còn cao.  Vậy 5 năm nữa liệu có xoay chuyển được tình thế khi mà nhiều cơ sở công nghiệp phụ trợ mới khởi công hoặc còn trong quy hoạch. Còn xa mới tới ngày các ngành dệt may, da giày, ôtô, xe máy, điện tử, phần mềm, cơ khí… thoát khỏi cảnh phải phụ thuộc nặng nề vào nguyên, phụ liệu nhập khẩu, chẳng những thế giá cả của chúng đã có mặt bằng mới.

Ngay cả nguyên liệu cho các ngành thuỷ sản, hạt điều, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ… đáng ra phải tự túc, nay ngày càng phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu mà giá mua được dự báo càng tăng.

Chỉ cần các nguồn cung đó bị gián đoạn thì đã liểng xiểng, huống hồ lại cắt giảm thì sản xuất, xuất khẩu sa sút là cầm chắc.

3. Muốn thay thế hàng nhập khẩu…ắt phải nhập khẩu thiết bị, máy móc, sáng chế, khuôn mẫu, nguyên liệu xịn để sản xuất. Nhưng giờ lợi thế nhân công rẻ không còn, lãi suất đua nhau chiếm lĩnh đỉnh cao, đồng tiền mất giá, giá cả leo thang, đô – vàng đỏng đảnh, rút ruột lạnh tanh, thuế – lệ phí – tài trợ chồng lấn, thủ tục “hành là chính”… thì đầu ra của sản phẩm nào cũng bị khuyếch đại. Nếu đặt nó cạnh hàng ngoại nhập, dẫu muốn “ưu tiên dùng hàng Việt”, thì người Việt cũng phải đắn đo chán.

4. Trong khi vất vả vận động để người Việt đến với hàng Việt, thì hàng ngoại được đón chào nồng nhiệt, hùng dũng bước vào Việt Nam bằng lắm ngả, nhiều cách. Các doanh nghiệp nước ngoài đến các hội chợ, triển lãm của ta để quảng bá, bán hàng tại chỗ. Chẳng hạn Thái Lan đến hẹn lại lên, mỗi năm lại vào Việt Nam triển lãm phô trương hàng hoá vốn đã quá nhiều.

Hãng nước ngoài xông xênh chi phí quảng cáo, nên muốn khuyếch trương sản phẩm ở đâu, vào giờ nào mà chả được chiều, tha hồ quyến rũ người  Việt. Biết là thời kỳ hội nhập khó mà “ngăn sông cấm chợ”, nhưng thấy hàng Việt bị lép vế, nghĩ mà tội nghiệp!

5 . Có trường hợp phải buộc phải nhập khẩu để hạ nhiệt, ổn định thị trường trong nước như các mặt hàngđường, vàng. Thông tư số 18, thi hành từ 12/11/2010, nhằm điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu vàng chưa gia công hoặc ở dạng bán thành phẩm… xuống mức 0%, chắc được các nhà buôn mặt hàng quý phái này hồ hởi đón nhận.

6. Việc nhập khẩu tăng và nhập siêu lớn, có “đóng góp” của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thủ đoạn này được phát lộ qua mức độ tăng nhập khẩu của khối doanh nghiệp này cao hơn hẳn khối doanh nghiệp trong nước. Thay vì nhập nguyên liệu để sản xuất, lắp ráp thì họ nhập luôn hàng hoá vào để bán, thu lãi liền tay.

Tình trạng này còn đe dọa công nghiệp non kém của ta bởi thiết bị, dây chuyền, tay nghề công nhân hiện thời không thể gia công, lắp ráp được những mặt hàng cao cấp, tân kỳ mà các nhà đầu tư đang hăm hở khuân vào.

Bệnh nhập siêu càng nặng khi người dân ngày càng sính hàng ngoại (ảnh sctbinhdinh)

7. Việc nhập siêu không chỉ do mặt hàng to tát, đắt đỏ mà được góp gió thành bão từ nhiều mặt hàng nhỏ lẻ. Chỉ riêng cảng Cát Lái, TP.HCM, qua 10 tháng so với 5 tháng đầu năm, cà rốt nhập về gấp 3 lần, hành, nấm tăng tới 9 lần, tăm tre gấp 12,5 lần. Số hàng này chủ yếu xuất sứ từ Trung Quốc, Malaysia.

8. Nhập siêu từ Trung Quốc vốn đã hùng hậu, nay thêm Hàn Quốc góp mặt.  Năm 2008, nhập siêu từ Hàn Quốc là 6,269 tỷ USD, chiếm 34% tổng số nhập siêu của Việt Nam. Năm 2009, kim ngạch hai chiều sa sút, nhập siêu từ Hàn Quốc chỉ còn 4,632 tỷ USD, nhưng lại chiếm 50% tổng nhập siêu của nước ta.

Nếu tính 11 tháng năm 2010, riêng nhập siêu từ các nước Đông Á là 23 tỷ USD, còn tổng cộng cả nước (sau khi trừ đi xuất siêu) chỉ nhập siêu 10,6 tỷ USD.

Chìm đắm vào nhập siêu từ châu Á mà chủ yếu từ Đông Á, trong khi lại xuất siêu vào châu Âu, Hoa Kỳ, đồng nghĩa với việc không được chuyển giao công nghệ cao, công nghệ nguồn mà chỉ rước về công nghệ sao chép, thậm chí thải loại. Một thời chúng ta đã từng tậu về nhà máy đường, xi măng lò đứng,  tầu thuỷ cũ nát, nay vẫn chưa tỉnh ra.

Vừa qua, có vị đại biểu của dân phân vân hỏi “Nhiều nhà máy nhiệt điện do công ty Trung Quốc làm tổng thầu EPC sử dụng (chính xác là khuân vào) công nghệ lạc hậu?“, liền được trả lời “Chưa có thông tin chính thức về việc các nhà thầu này mang công nghệ lạc hậu vào Việt Nam” (các chữ in  đậm trích trên báo Thanh Niên ngày 23/11/2010).

Lâu nay vụ việc nào cũng chưa được trình bẩm, đang kiểm tra, chưa phát hiện, sẽ xử lý nghiêm.

9. Cũng hy vọng đến việc thiết lập hàng rào kỹ thuật đế quản lý nhập khẩu, song hàng rào vừa ít vừa chưa đủ độ cản ngăn. Hơn nữa, với bệnh hoạn “làm luật, bôi trơn”, nên hàng rào nào cũng bị chính “nội gián” vô hiệu hoá. Việt Nam đang trở thành bãi thải công nghiệp của thế giới là thế.

10. Tràn ly – bệnh “nhập siêu” càng trầm kha khi sính dùng đồ ngoại không chỉ diễn ra trong lĩnh vực hàng hoá, dịch vụ mà đã lây nhiễm sang các lĩnh vực khác.

Bộ phim “Lý Công Uẩn – Đường đến thành Thăng Long”, chủ yếu thuê đạo diễn, diễn viên, trang phục, đạo cụ, trường quay của Trung Quốc, tự hồ như phim dã sử của họ trình chiếu la liệt, nên dù tốn kém quá trời nhưng thể kịp chiếu trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đây nên coi là vụ “siêu – nhập siêu”

Sống chung với nhập siêu, xoay sở thế nào?

Những triệu chứng trên cho thấy, chừng nào nền kinh tế nước ta chưa thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, còn đang loay hoay định hướng, đứng thứ hạng cao từ… dưới lên, lâng lâng vì luôn được đánh giá cao, say sưa với tầm nhìn…, chừng đó còn phải sống chung với nhập siêu, không phải loanh quanh lý giải.

Nhưng đã nhập siêu phải cho bõ nhập siêu. Phải nhập được công nghệ nguồn, sáng chế gốc. Phải tạo ra sự canh tranh giữa các nhà phân phối để ta có nhiều sự lựa chọn, mua được với giá tối ưu, điều kiện thương mại thuận lợi nhất. Kiên quyết  ngăn chặn việc rước về cộng nghệ thải loại, công nghệ sao chép, rác thải công nghiệp.

Mạnh tay với thủ đoạn láu cá của các nhà đầu tư nước ngoài dẫu vẫn phải trải thảm đỏ săn đón họ.

Với bộ máy quân hùng, tướng mạnh, pháp đình minh bạch, trong sạch, thông tuệ, hết lòng vì dân, những việc đó chỉ là chuyện nhỏ.