Trang chủ » Kinh tế 24h » Hội nghề cá Việt Nam yêu cầu WWF xin lỗi

Hội nghề cá Việt Nam yêu cầu WWF xin lỗi

Tác giả:

Sau khi nghiên cứu kết quả đánh giá theo 19 câu hỏi đối với cá tra Việt Nam của tổ chức WWF, Hội nghề cá Việt Nam đã chính thức đưa ra ý kiến của mình.

Theo đó, nhận xét đầu tiên của Hội là phương pháp luận để xây dựng Bộ câu hỏi không phản ảnh đúng bản chất của quan điểm nuôi thủy sản bền vững. Ý kiến của Hội cũng cho rằng bảng đánh giá này cũng không đủ thông tin để các chuyên gia khác nhau cùng đánh giá một cơ sở sẽ cho kết quả giống nhau

Cụ thể, tổ chức quốc tế/ các quốc gia trên thế giới khi xây dựng xong tiêu chí đánh giá, thì phải liệt kê các chỉ tiêu đánh giá, kèm theo tài liệu hướng dẫn cách đánh lỗi dựa trên kết quả thu được.

WWF chỉ có 19 câu hỏi (tiêu chí), các mức lỗi (cho điểm) không tách thành các chỉ tiêu, không hướng dẫn cách ghi lỗi.Chính điều này sẽ làm cho người đánh giá chỉ làm theo hiểu biết, kinh nghiệm và có thể áp đặt ý muốn chủ quan.

“Một điều quan trọng nữa là phương pháp xây dựng bộ câu hỏi, thu thập thông tin và công bố kết quả vi phạm tiêu chí “công khai”, thông cáo nhấn mạnh.

Thực tế, trong quá trình xây dựng 19 câu hỏi, thực hiện đánh giá, công bố kết quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản, Hội nghề cá Việt Nam, người nuôi cá tra Việt Nam và WWF tại Việt Nam đều không được biết.

WWF đưa ra 19 câu hỏi để đánh giá sản xuất bền vững, nhưng thiếu rất nhiều so với CoC của FAO; chuyên gia đánh giá không trực tiếp đến Việt Nam mà dựa vào một bài báo, và một báo cáo khoa học của Trường Đại học Wageningen Hà Lan (năm 2009) để trả lời 19 câu hỏi; trước khi công bố kết quả không gửi cho Việt Nam góp ý.

Vì vậy, “Kết quả đánh giá và kết luận của WWF về cá tra Việt Nam thiếu tính “minh bạch- cơ sở khoa học”

Ngoài ra, WWF không đến Việt Nam đánh giá trực tiếp, chỉ dựa trên 2 tài liệu (không nhằm mục đích đáp ứng 19 câu hỏi) đưa ra kết luận áp đặt cho toàn bộ ngành nuôi cá tra Việt Nam (2010: 6000 ha, 1,5 triệu tấn, hơn 10 ngàn hộ nuôi) là hết sức phi lý, và chưa có tiền lệ ở nơi nào trên thế giới.

Hội nghề cá Việt Nam cho rằng việc làm này của WWF 6 nước trên khiến danh dự người nuôi cá tra bị bôi nhọ, lòng tự trọng của ngành thủy sản Việt Nam bị tổn thương.

Cùng với đó là một số người tiêu dùng 6 nước châu Âu bị thiệt hại quyền lợi, ảnh hưởng đến quan hệ Việt Nam và các nước châu Âu.

Trong thông cáo của mình, tổ chức này cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT, Chính phủ Việt Nam yêu cầu WWF 6 nước châu Âu gỡ bỏ thông tin liên quan đến việc áp đặt nhãn đỏ (không nên sử dụng) cho cá tra Việt Nam đồng thời phải xin lỗi người nuôi cá tra, Chính phủ Việt Nam và người tiêu dùng châu Âu.

Hội cũng đề nghị Bộ NN&PTNT triển khai gấp việc hướng dẫn người nuôi áp dụng GAP, CoC của Việt Nam; Đánh giá công nhận và công bố rộng rãi trên thế giới và trong nước.

Trước đó, ngày 19/11 vừa qua, tổ chức WWF đã cập nhật Cẩm nang Hướng dẫn Thủy sản 2010-2011 cho người tiêu dùng tại một số quốc gia bao gồm Đức, Bỉ, Áo, Đan Mạch, Na uy và Thụy Sĩ.

Tại cẩm nang này, con cá Tra, cá Basa nuôi tại Việt Nam chuyển màu từ  “Màu Vàng – Hãy suy nghĩ kỹ trước khi sử dụng” sang “Màu Đỏ – Đừng mua”.

Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên – WWF là một trong những tổ chức phi chính phủ về bảo tồn được đánh giá cao nhất, với 5 triệu người ủng hộ và một mạng lưới toàn cầu đang hoạt động trên hơn 100 quốc gia.