Trang chủ » Kinh tế 24h » Mua xe tay ga khốn khổ vì nạn hai giá

Mua xe tay ga khốn khổ vì nạn hai giá

Tác giả:

“Cung cầu” vênh nhau đẩy giá xe tăng

Theo báo Đầu tư, PCX, mẫu xe máy tay ga mới nhất của Công ty Honda Việt Nam (HVN) được trình làng cách đây 2 tháng, đã nhanh chóng tạo ra cơn sốt hàng trên thị trường khiến người tiêu dùng chới với chạy theo.

Tại Honda Kường – Ngân ở phố Trần Nhân Tông (Hà Nội), để sở hữu một chiếc xe máy PCX 125cc do Công ty Honda Việt Nam (HVN) lắp ráp, khách hàng phải bỏ ra số tiền 65 triệu đồng, cao hơn rất nhiều mức giá bán lẻ mà HVN đề xuất (49,99 triệu đồng).

Tuy nhiên, hai khách hàng đang nhận xe tại Honda Kường – Ngân lại cho rằng “may mắn khi muốn mua xe là có ngay, trong khi có người phải xếp hàng bao lâu mà chưa mua được”.

Đặt vấn đề mua xe PCX nội, khách hàng cũng được các nhân viên của Honda Kường – Ngân thẳng thắn cho biết, nếu muốn lấy xe sau 1-2 ngày thì khách hàng phải đặt trước trên chục triệu đồng. Còn nếu giữ hàng trong 5, 7 ngày, thì họ không dám hứa, vì xe ít mà nhiều người muốn mua.

Câu trả lời “hàng ít, muốn mua phải đăng ký và đặt chỗ trước” cũng xuất hiện tại nhiều đại lý chính hãng của Honda Việt Nam (HEAD). Thậm chí, nhiều nhân viên của các HEAD còn úp mở dự đoán, càng sát Tết Nguyên đán, giá xe càng cao, một số dòng xe “hot” sẽ khan hiếm hơn.

Anh Quang Dũng (Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội) cho hay, sau khi nhờ vả các mối quan hệ, anh phải mất 2-3 tuần chờ đợi mới mua được chiếc Honda PCX nội với giá 64 triệu đồng. “Cũng là dân kinh doanh, nhưng tôi thật sự không hiểu vì sao xe Honda lại tăng giá và khó mua đến thế”, anh Dũng thắc mắc.

Không chỉ PCX nội, mà đối với các dòng xe Honda Air Blade hay Honda Lead sản xuất trong nước, người tiêu dùng cũng phải cắn răng móc hầu bao trả thêm tiền chênh so với giá đề xuất của HVN.

Đơn cử, Honda Lead hiện được nhiều cửa hàng rao giá ở mức 38,3 triệu đồng/xe, trong khi giá đề xuất của HVN là từ 30,99 – 31,49 triệu đồng/chiếc, tùy màu sơn. Theo báo Diễn đàn Doanh nghiệp, các mẫu xe tay ga của Yamaha cũng tăng giá khá nhanh.

Tại các các cửa hàng Yamaha ủy nhiệm, dù giá bán không cách xa giá gốc như các loại xe của Honda, nhưng cũng chênh lệch từ 500.000 đồng đến hơn 4 triệu đồng một xe. Riêng xe Nouvo LX có giá 36.500.000 đồng/chiếc, có cửa hàng bán đến 41 triệu đồng, chênh giá ít nhất đến 4.300.000 đồng.

“Choáng” với giá xe nhập khẩu

Mức giá của các của hàng đưa ra khiến người tiêu dùng choáng váng khi xe Honda SH giá lên tới hơn 200 triệu đồng.Cụ thể, giá tại của hàng trên phố Huế, xe Honda SH 150i (đời 2010) màu đen giá 7.650 USD, màu xanh giá 7.850 USD, màu bạc giá 7.650 USD (màu đen, đỏ, trắng; 3 ngày trước là 7.400 USD); mẫu xe SH 150i đời 2008 nhập khẩu, bản màu đen sport hiện có giá 11.000 USD/xe; màu đỏ mận và màu xanh là 12.000 USD/xe, tăng 1.000 USD so với cách đây 1 tháng.

Khi phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp thắc mắc về giá xe Honda SH 150 sản xuất năm 2008 đắt hơn Honda SH 150 năm 2010, một nhân viên bán hàng cho biết: “Xe Honda SH 150 năm 2008 không sản xuất nữa, nhiều người muốn mua nhưng xe hiếm nên việc giá bị đẩy lên so với xe sản xuất năm 2010”.

Với cách giải thích này, chứng tỏ các đại lý bán xe nắm rất rõ thị hiếu của khách hàng để đẩy giá xe tăng.

Mẫu xe Honda PCX 125 nhập khẩu từ Thái Lan cũng tăng giá mạnh. Hiện mức giá bán ra khoảng 82 triệu đồng, tăng 5 triệu đồng/xe so với tháng trước, tăng hơn 10 triệu đồng so với thời điểm tháng 6/2010.

Mẫu Honda SCR nhập từ Trung Quốc cũng đang trên đà tăng giá. Giá bán ra tại các cửa hàng hiện từ 39-40 triệu đồng, tăng 3 triệu đồng/xe so với tháng trước. Xe Vespa LX nhập ngoại giá 80-82 triệu đồng, tùy từng màu sắc.

Không chỉ có dòng xe tay ga bị các cửa hàng “làm giá”, những loại xe số thông thường giá cũng đã bị đội lên 3-4 triệu đồng/xe: xe Honda WaveS 110, phanh cơ đang được bán 17,6 triệu đồng/xe (giá của hãng là 14,9 triệu đồng); WaveS 110, phanh đĩa 18,5 triệu đồng (giá của hãng 15,9 triệu đồng); Honda Super Dream là 20,5 triệu đồng (giá của hãng 15,9 triệu đồng)…

Một số các loại xe thông thường của Yamaha cũng tăng giá khá mạnh như: Sirius RL phanh cơ là 17.800.000 đồng/chiếc, giá nhà máy đề xuất 17.000.000 đồng), Jupiter RC các màu 26.500.000 đồng còn giá nhà máy đưa ra 26.000.000 đồng.

Tạo khan hàng ảo để kích giá?

Việc đẩy giá theo tâm lý thị trường của các đại lý bán xe, khiến cho người dân không biết mình mua xe có bị “hớ”, bị mất tiền oan không vì mỗi cửa hàng, lại đưa ra một giá khác nhau mà độ vênh giá không hề nhỏ.

Chị Bùi Thanh Tâm ở Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết: “Tôi muốn mua xe Honda LEAD, nhưng giá xe tăng quá nhanh. Mới tháng trước thấy 34 triệu giờ đã 37 triệu rồi, vì mới mất xe nên đành phải mua xe mới thôi chứ có dại gì mua xe thời điểm này, khi đến các HEAD thì mỗi nơi một giá, HEAD bên Gia Lâm còn đắt hơn HEAD đường Giải Phóng 1 triệu đồng”.

Biết là giá xe tăng từng ngày nhưng do nhu cầu có phương tiện đi lại cuối năm, nhiều người dân đã “bấm bụng” quyết định “tậu” xe vì “nếu chậm có khi những ngày tới mất thêm từ 1-2 triệu đồng” – anh Thái Mạnh Cường (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.

Còn anh Nguyễn Trường Sơn – thợ sửa xe ở Thanh Xuân thì lại cho rằng: “Thị trường xe máy cuối năm bao giờ cũng sốt giá. Mình thường đi mua xe hộ người quen nên cũng nắm rõ được tình hình, và hay khuyên họ ‘Mua xe ngay đi kẻo sắp tăng giá.

Hầu hết những xe bị các đại lý đẩy giá cao là do nhu cầu của người mua dòng xe ấy tăng, không biết các công ty có biết điều đó và có cách gì điều chỉnh không, tôi thấy hiện nay các đại lý cũng đang dựa vào tình trạng khan hàng để tăng giá.”

Nguyên nhân tăng giá xe

Giá xe tăng quá nhanh trong 1 thời gian ngắn khiến người tiêu dùng đặt câu hỏi, liệu có phải các đại lý bán hàng đang lợi dụng thời điểm giá cả tăng, tỷ giá tăng, lãi suất tăng, nhu cầu cuối năm tăng… cố tình đẩy giá xe tăng cao để kiếm lời hay còn những nguyên nhân nào khác.

Theo một nhân viên giấu tên của một HEAD Honda: “Giá xe máy tăng là chuyện bình thường vì hầu hết các mặt hàng trên thị trường đợt cuối năm đều tăng giá, do nhu cầu của người tiêu dùng tăng nên giá sẽ tăng và tăng từng ngày.

Ngoài cách giải thích về nhu cầu cuối năm của người tiêu dùng tăng mạnh, thì thương hiệu xe, mẫu xe cũng là điều người tiêu dùng lưu tâm. Một quản lý của công ty TNHH có đại lý của hãng Honda trên phố Huế và đại lý của hãng SYM trên đường Bà Triệu cho biết;

“Cửa hàng Honda luôn đông khách hơn do tâm lý người dân Việt Nam ưa chuộng hãng Honda. Chính vì vậy, sản phẩm của Honda bán chạy hơn sản phẩm các hãng khác, các sản phẩm xe tay ga như Air Blade và PCX đang trong tình trạng khan hàng, lại là thời điểm cuối năm nên giá những dòng xe này tăng là không thể tránh khỏi.

Giá xe bị đẩy cao hơn giá đề xuất của nhà máy cũng là một chuyện dễ hiểu bởi quy luật cung cầu cuối năm. Nếu nhu cầu mua tăng mà khan hàng sẽ tạo điều kiện cho các cửa hàng tăng giá bán.

Chị Phương Linh, nhân viên chăm sóc khách hàng của Yamaha cho biết: “Công ty chỉ đưa ra mức giá đề xuất cho các cửa hàng ủy quyền, còn các cửa hàng này tự quyết định giá bán cuối cùng. Công ty không quy định giá bán chung cho tất cả các cửa hàng. Nên chỉ có nhân viên trong nhà máy mới được ưu tiên mua xe giá gốc. Còn đến tay khách hàng, bao giờ cũng chênh so với giá nhà sản xuất đưa ra”.

Bên cạnh việc”cung” lệch “cầu” trên, thì giá vàng và giá USD biến động thời gian qua cũng là một nguyên nhân khiến các đại lý bán xe điều chỉnh giá.

Phải chăng thị trường xe máy Việt Nam đang bị làm giá? Vì sao nhà sản xuất niêm yết một giá, người bán hàng lại công khai một giá khác chênh từ 2 đến 15 triệu/1 xe, nhưng người tiêu dùng vẫn phải “cắn răng” móc hầu bao. Cơ quan quản lý ở đâu khi tình trạng này đã kéo dài nhiều năm và người tiêu dùng Việt Nam phải gánh chịu nhiều thua thiệt nhất?

Hãy chia sẻ suy nghĩ của bạn về vấn đề này bằng cách viết vào khung phản hồi dưới đây hoặc gửi email về: [email protected].