Trang chủ » Kinh tế 24h » Hàng nội ngập siêu thị, hàng dỏm “tung hoành” chợ

Hàng nội ngập siêu thị, hàng dỏm “tung hoành” chợ

Tác giả:

Hàng nội ngập siêu thị

Tại siêu thị Big C, bánh kẹo đóng hộp, các loại mứt, kẹo truyền thống trong mùa tết khoảng 130 tấn, trong đó hàng nội địa chiếm 90%. Tương tự, hệ thống siêu thị Co.opMart đã chuẩn bị 400 tấn bánh kẹo, 200 tấn mứt, phần lớn của các nhà sản xuất trong nước.

Tiểu thương kinh doanh ngành hàng mứt, bánh kẹo chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM) cho biết hiện nay thương lái các tỉnh lên lấy hàng đã tăng 30% so với tháng trước, xu hướng năm nay cho thấy bánh kẹo nội hút hàng trong khi sức mua bánh kẹo ngoại khá chậm.

Trả lời Tuổi Trẻ, bà Cúc, một chủ đầu mối hàng tại chợ Bình Tây, cho biết do biến động tỉ giá các loại bánh nhập khẩu của Malaysia, Indonesia năm nay tăng giá mạnh, từ 90.000 đồng/hộp lên 110.000-120.000 đồng/hộp, sức tiêu thụ giảm hẳn.

Các mặt hàng nội ngày càng chiếm ưu thế tại các siêu thị lớn

Thay vào đó, các thương lái đặt bánh hộp của công ty trong nước do giá chỉ tăng nhẹ 5-7%, dao động 55.000-70.000 đồng/hộp. Riêng mặt hàng kẹo Việt Nam, sản phẩm của các công ty trong nước như Kinh Đô, Bibica… chiếm tỉ lệ áp đảo. Theo các siêu thị, mứt, bánh kẹo nội năm nay chiếm 80-90% tỉ lệ hàng kinh doanh Tết.

Hàng giả vẫn tràn ngập

Vì nhiều người dân vẫn có tâm lý chuộng bánh kẹo ngoại nên mặt hàng này vẫn bị làm giả, nhiều nhất là vỏ ngoại, ruột nội với hộp thiếc đẹp, giá không rẻ nhưng lập lờ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng bánh kém.

Tại khu vực chợ Bình Tây, chợ sỉ đường Lê Quang Sung (Q.6), từ đầu tháng 12 các mặt hàng bánh kẹo đã được trưng bày đầy ắp cửa hàng. Khi hỏi mua bánh hộp, người bán thường giới thiệu các loại bánh trong nước nhưng nếu thấy khách có nhu cầu lấy hàng nhiều, người bán lập tức tư vấn sang “nhập hàng ngoại, bán dễ lời hơn”

Đa số bánh ngoại loại hộp thiếc trọng lượng 500-700gr được bày bán ở những khu vực này là hàng ghi xuất xứ Malaysia, Thái Lan. Tuy nhiên, không ít trong số đó là hộp bánh thương hiệu ngoại nhưng bên trong là bánh được nhập xá, đóng gói tại VN.

Chưa kể để tăng lợi nhuận, người bán còn trộn cả hàng cơ sở trong nước vào do tem dán trên bao bì một số loại bánh ngoại chỉ là loại keo nilông, mở ra dán lại khá dễ dàng. Bánh ngoại được nhập dạng xá trong các thùng nhựa loại 20 lít, sau đó được chiết sang từng gói nhỏ và đóng hộp. Với công đoạn đóng và mở này, nếu không đảm bảo vệ sinh, bánh dễ bị xuống chất lượng và nhiễm khuẩn.

Dạo quanh các phố Hàng Buồm, Nguyễn Siêu, Hàng Giấy… hay một số địa điểm kinh doanh bán lẻ dễ nhận thấy hàng hóa ở đây chủ yếu là hàng không rõ nguồn gốc.

Hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được bày bán công khai tại các chợ

Phần lớn những mặt hàng bánh kẹo là của Trung Quốc, ngoài vỏ bao là tiếng Trung nhưng không ghi rõ nơi xuất xứ bằng tiếng Việt. Một vài sản phẩm như hạt bí, hạt hướng dương, hạt dẻ cười hay các loại ô mai… ghi địa chỉ nơi xuất xứ nhưng không cụ thể, hàng của Trung Quốc chỉ ghi tên sản phẩm.

Chủ một kiôt chuyên buôn bán ô mai, mứt các loại đặc sản ở chợ Đồng Xuân cho biết phần lớn mặt hàng ở đây được nhập chủ yếu từ Trung Quốc nên không ghi nhãn mác, nếu có cũng chỉ do các chủ cửa hàng tự ghi và thường không ghi cụ thể.

Không chỉ ở Hà Nội, thực phẩm dỏm, nhái và không rõ nguồn gốc cũng vẫn bày bán tràn lan tại một số chợ lớn tại TP.HCM. Mặt hàng phổ biến là bột ngọt, đường, thực phẩm khô và nhiều loại hạt, bánh kẹo tiêu thụ dịp Tết.

Năm ngoái, khi rộ lên thông tin hạt dưa có chứa hóa chất độc hại, nhiều điểm bán hạt dưa, hạt hướng dương, hạt bí đã được đóng gói với nhãn mác đầy đủ. Nhưng năm nay thì ngược lại hoàn toàn. Tại chợ Bình Tây, các mặt hàng này được chứa trong những bao lớn, không có bất cứ thông tin nào về xuất xứ, nơi sản xuất. Chỉ khi người mua hỏi, các tiểu thương cho biết hàng nhập về từ Trung Quốc.

Tại chợ Bến Thành, thậm chí người bán hàng còn không biết hàng xuất xứ từ đâu, dù giá các loại hạt này thấp nhất cũng phải 120.000 đồng/kg. Tương tự, bột ngọt Trung Quốc cũng đang được bày bán với số lượng lớn do rẻ hơn 20% so với hàng có nguồn gốc xuất xứ đầy đủ.

Theo quan sát của phóng viên, chỉ khi hàng còn đóng trong bao, người tiêu dùng mới có thể nhận biết xuất xứ qua vài chữ Trung Quốc viết trên bao. Nhưng khi hàng xẻ ra bán lẻ, loại hàng hóa này không hề có bất cứ thông tin nào về xuất xứ, chất lượng… cho người sử dụng

Theo Cục Quản lý thị trường, hiện số vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã đạt đến con số 3.000-5.000 vụ/năm. Với kỹ thuật làm giả, nhái tinh vi, hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều và công khai bày bán tại các chợ, cửa hàng, thậm chí ở cả những trung tâm thương mại sang trọng. Tiêu dùng hàng gian, hàng giả là sự lãng phí ghê gớm tiền của và ảnh hưởng sức cạnh tranh của doanh nghiệp làm ăn chân chính.