Trang chủ » Kinh tế 24h » Đại siêu thị sắp đến Việt Nam

Đại siêu thị sắp đến Việt Nam

Tác giả:

Sự kiện nổi bật trong ngành bán lẻ tuần qua chính là việc ký kết liên doanh giữa Saigon Co.op và tập đoàn bán lẻ lớn của Singapore NTUC FairPrice nhằm mở chuỗi đại siêu thị tại Việt Nam.

Và đại siêu thị đầu tiên trong chuỗi này dự kiến được bắt đầu hoạt động vào năm 2012 tại TP.HCM.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigon Co.op, từ chối đưa ra bình luận hay thông tin liên quan đến hợp đồng vừa được ký kết tại Singapore hôm 20.12.

Ông chỉ nhận định rằng, ngành bán lẻ Việt Nam sẽ khá nóng từ năm 2011 bởi cuộc chiến giành thị phần giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ngành bán lẻ là lĩnh vực thu hút đầu tư nhiều nhất ở Việt Nam

Trong khi đó, chuyên trang bất động sản trực tuyến của Singapore là Commercialguru.com.sg cho rằng, NTUC FairPrice quyết định liên doanh với Saigon Co.op để bù đắp cho các liên doanh không thành công của họ trước đó tại Trung Quốc và Myanmar trong việc thành lập các siêu thị.

Hai ngày sau sự kiện trên, Saigon Co.op và Metro Cash & Carry đã khai trương siêu thị thứ 49 và thứ 13 lần lượt tại Sóc Trăng và Vũng Tàu.

Trước đó 1 ngày, Tổng Công ty May 10 cũng góp phần hâm nóng thị trường bằng việc khai trương siêu thị thứ 2 tại Hà Nội. Kế hoạch của Tổng Công ty là hoàn thành chuỗi gồm 15 siêu thị trên toàn quốc vào năm 2012.

Các sự kiện diễn ra liên tục trong ngành bán lẻ Việt Nam dường như trùng với kết quả khảo sát mới đây của Công ty Grant Thornton Việt Nam.

Cuộc khảo sát đã lấy ý kiến của hơn 200 người từng đầu tư hoặc có quan tâm đến môi trường đầu tư tại Việt Nam vào năm 2011. Kết quả là ngành bán lẻ nhận được hơn 70% ý kiến phản hồi, tiếp theo là giáo dục (50%) và bất động sản (40%).

Ông Ken Atkinson, Giám đốc Điều hành Công ty, cho biết: “Với tốc độ tăng trưởng doanh số 25% mỗi năm, không có gì ngạc nhiên khi bán lẻ tiếp tục là lĩnh vực thu hút đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam”.

Tuy nhiên, khảo sát trên cũng cho thấy vẫn còn một số trở ngại lớn đối với việc ra quyết định đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong ngành bán lẻ, bởi hệ thống pháp lý rườm rà, cơ sở hạ tầng yếu kém và hạn chế trong việc vay vốn.

Chẳng hạn, theo luật sư Frederick Burke thuộc Công ty Luật Baker & McKenzie, điều khoản về Thẩm định nhu cầu kinh tế do Việt Nam ban hành năm 2007 chính là một trong những rào cản được dựng lên nhằm bảo hộ thị trường bán lẻ nội địa.

Hơn nữa, báo cáo Chỉ số Phát triển bán lẻ toàn cầu của A.T. Kearney cho thấy, độ hấp dẫn của ngành bán lẻ Việt Nam năm 2010 đã sụt 8 bậc so với năm 2009. Doanh thu bán lẻ bình quân đầu người hiện là 450 USD, thấp nhất châu Á.