Trang chủ » Điểm nóng » Học tầm nhìn của Trung Quốc để phát triển

Học tầm nhìn của Trung Quốc để phát triển

Tác giả:

LTS: Trung Quốc đã trỗi dậy với những bước tiến làm xáo động cục diện thế giới. Giờ đây, ít ai còn nghi ngờ rằng Trung Quốc sẽ trở thành một nền kinh tế mạnh, có ảnh hưởng lớn trên quy mô toàn cầu trong những thập kỷ tới.

Thế giới đang xôn xao, đang bàn tán, đang tìm lời giải đáp. Riêng ông Nguyễn Đình Lương – nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, thì nên đặt sự phát triển của Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa để lý giải và xác định thái độ của chúng ta.

Tiếp nối mạch bài “Việt Nam: Sức bật nào từ sự trỗi dậy của Trung Quốc”,  phóng viên Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF) – báo VietNamNet đã trao đổi với ông Nguyễn Đình Lương xung quanh chủ đề trên. Mời độc giả theo dõi và cùng tham gia tranh luận.

Ta khác, Tàu khác

– Thưa ông, kinh tế Trung Quốc đang phát triển ngoạn mục. Quốc gia này đang trở thành “công xưởng thế giới”, đang lần lượt đạp đẩy các quốc gia xuống và vươn lên vị trí cao dần trong nền kinh tế thế giới. Ông có cảm giác lo ngại, vui, buồn gì không? Ông có liên hệ gì với Việt Nam?

Ông Nguyễn Đình Lương: Ta khác, Tàu khác.

Người Tàu, ngàn đời nay vẫn theo đuổi khát vọng đến một ngày cả thiên hạ quỳ gối thuần phục Thiên Triều. Tầm nhìn của người Tàu là cả thiên hạ, cả về chiều rộng, cả về chiều sâu (như nước Việt Nam ta, tổ tiên, ông cha ta và cả ta hôm nay, đổ bao xương máu vất vả hết đời này qua đời khác, cũng chỉ loay hoay cố giữ cho bằng được mảnh đất hình chữ S, rộng hơn 30 vạn km2).

Trong thời đại ngày nay, muốn có sự hùng mạnh, trước hết phải trở thành một cường quốc kinh tế; phải “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Kinh tế không phát triển, thì nước có rộng, có to bao nhiêu, dân có đông bao nhiêu, quốc gia vẫn là “anh lùn”, tiếng nói vẫn hụt hơi.

Ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (ảnh Tr. Đông)

Những người được bầu chọn vào ngồi ở Trung Nam Hải là những người giỏi, người có tầm, nhìn xa trông rộng. Với họ, lợi ích cao cả thiêng liêng nhất là sự phát triển của đất nước Trung Hoa. Họ nhìn thời đại rất sáng, thấy rất rõ. Họ hiểu sâu sắc rằng, toàn cầu hóa kinh tế là cơ hội, là thời cơ phục hưng đất nước Trung Hoa của họ, vốn xưa đã từng xưng hùng xưng bá, trở thành người hùng của thời đại.

Họ biết cách khai thác tốt nhất, nhiều nhất những cơ hội của công cuộc toàn cầu hóa kinh tế để phát triển. Họ coi hội nhập là cơ hội để đất nước thoát khởi những rằng buộc đã kìm hãm nó.

Khai thác cơ hội toàn cầu hóa, họ biết làm gì và làm thế nào để bắt cả thế giới cùng làm cho kinh tế Trung Hoa phát triển. Họ lôi cả thế giới vào khai thác những tiềm năng, lợi thế của Trung Quốc để phát triển. Họ lôi được tất cả các tập đoàn xuyên quốc gia vào Trung Quốc xây dựng căn cứ địa, rồi từ đó chĩa vòi ra các khu vực xung quanh.

Họ làm cho lợi ích của nền kinh tế thế giới gắn chặt với lợi ích kinh tế Trung Hoa. Họ đang biến cả thế giới thành nơi tiêu thụ hàng Trung Quốc. Họ đã thu hút được hàng vạn người Hoa giàu có từ khắp thế giới, đặc biệt từ Đài Loan về đất Tổ làm giàu. Người Trung Hoa cũng đã có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới này.

– Nói như vậy, nghĩa là Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển?

Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển. Trên thế giới có người mừng, có người lo, có người thích, có người sợ… thì Trung Quốc vẫn cứ phát triển và phát triển tốt.

Người Trung Quốc hôm nay đủ thế, đủ lực, đủ kiến thức, đủ khôn ngoan để tiếp tục con đường phát triển, để sẵn sàng điều chỉnh chiến lược quốc sách cho sự phát triển trong bất kỳ tình huống nào.

Người Trung Quốc nói, họ đang xây dựng một “nền kinh tế thị trường mang màu sắc Trung Quốc”. Họ không dùng khái niệm xây dựng một “nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” như ở Việt Nam.

Thế nào là màu sắc Trung Quốc thì chỉ có họ mới hiểu được. Trong cái gọi là màu sắc Trung Quốc, ta có thể ngầm hiểu rằng có cả tính thực dụng “mèo trắng, mèo đen, kệ nó, miễn là bắt được chuột”.

Hình như trong kinh tế, nơi nào nuôi dưỡng được tính thực dụng thì nền kinh tế ở đó phát triển tốt. Có phải tính thực dụng của người Mỹ đã góp phần làm cho nước Mỹ nhanh chóng trở thành một cường quốc kinh tế hùng mạnh nhất thế giới. Và hôm nay, kinh tế Trung Quốc bắt đầu bùng phát từ ngày thẩm thấu tư tưởng “mèo trắng, mèo đen…”.

Họ không hề bận tâm, không dành thời gian, chi tiền bạc để đi tìm lời giải, xây dựng mô hình cho những lý thuyết kinh tế chưa được cuộc sống chấp nhận như kiểu mô hình “quốc doanh chiếm vai trò chủ đạo” ở Việt Nam ta.

Học Trung Quốc để cùng phát triển

– Gần đây, dư luận báo chí các nước bàn về tác động từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Có ý kiến lo rằng kinh tế Việt Nam đang bị cuốn sâu vào vòng ảnh hưởng của nước láng giềng này. Chẳng hạn, đó là sự chênh lệch lớn trong cán cân thương mại, sự hiện diện khắp nơi các dự án thắng thầu của Trung Quốc, nhất là trong ngành điện. Ông có bình luận gì và theo ông, Việt Nam nên làm gì?

Với phương châm “phát triển là chân lý cứng”, Trung Quốc chỉ để quốc doanh nắm lĩnh vực năng lượng và khai khoáng, còn lại họ thả cho dân làm, thực hiện cổ phần hóa triệt để các doanh nghiệp nhà nước.

Họ đặt nền kinh tế vào thế cạnh tranh, cạnh tranh trong nước, cạnh tranh trên thị trường nước ngoài, cạnh tranh bình đẳng. Cổ xúy cho hàng Trung Quốc tràn ngập mọi nơi, hàng giá rẻ của Trung Quốc đang tràn ngập thế giới, không chỉ ở Việt Nam. Trung Quốc cũng đang trúng thầu nhiều dự án ở khắp thế giới, không phải chỉ riêng ở Việt Nam.

Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng, núi liền núi, sông liền sông, là quan hệ “vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Sự tương đồng văn hóa cũng làm cho người Việt Nam và người Trung Quốc dễ gần nhau hơn. Người Trung Quốc rất hiểu người Việt Nam và họ cũng đã có mặt khắp phố phường, làng xóm của ta.

Không có cách nào khác là ta phải cùng phát triển với Trung Quốc.

Hãy làm cho các con số nhập siêu từ Trung Quốc “biết nói” – ông Nguyễn Đình Lương.

– Vậy ta phải làm gì để cùng tồn tại, cùng phát triển với Trung Quốc, tránh không trở thành lệ thuộc kinh tế Trung Quốc, thưa ông?

Trước hết, ta phải nói rõ lần nữa là ta phải học Trung Quốc. Họ giỏi hơn ta, ta sẽ khiêm tốn học. Các nước khác xung quanh cũng giỏi hơn ta, ta cũng phải khiêm tốn học.

Học Trung Quốc không có nghĩa là họ làm thế nào ta làm thế đấy. Phải từ những cái hay, cái dở của họ và ta tính cách làm của ta cho phù hợp với tình hình, hoàn cảnh của ta.

Hiện nay Nhà nước ta chi khá nhiều tiền cử người đi Trung Quốc khảo sát, nghiên cứu, học tập. Cấp cao có, cấp thấp có, trung ương có, địa phương có, cấp ngành có, cấp tỉnh có… nhưng rất tiếc, không thấy ở đâu tổng kết học được cái gì, cái gì nên theo và cái gì nên tránh.

– Theo ông, về đại thể ta có thể học được gì ở Trung Quốc?

Tôi chưa được đi khảo sát Trung Quốc, nhưng tôi hiểu về đại thể ta có thể học hỏi được nhiều điều. Trước hết là học cách nhìn thời đại của người Trung Quốc. Sau đó là học cách làm ăn có bài bản, có chiến lược, có chiến thuật, có lộ trình, có tính toán cân nhắc.

Ta cũng có chiến lược cả đấy, chiến lược kế hoạch 5 năm, 10 năm có cả, nhưng nhiều khi còn chung chung, giống như các phương án tác chiến do các sỹ quan tham mưu chưa qua trận mạc soạn thảo. Các chiến lược của ta hôm nay tính khả thi còn yếu, thậm chí còn sai sót mà chưa chịu sửa chữa, chỉ vì không chịu thừa nhận những thay đổi sâu sắc trong nền kinh tế thời đại (ví như chiến lược “nội địa hóa” ngành ôtô đã gần 30 năm qua).

Cũng có thể lấy thêm một ví dụ nữa còn đầy tính thời sự, đó là vấn đề phân cấp quản lý. Trung Quốc cũng phân cấp, ta cũng phân cấp. Trung Quốc phân cấp khác ta. Phân cấp của họ là phân cấp nghĩa vụ, phân cấp trách nhiệm. Các địa phương (các tỉnh, thành) có quyền hạn rất rộng, rộng hơn ở nước ta nhiều nhưng trên cơ sở chiến lược quốc gia và chịu sự giám sát chặt chẽ theo chiến lược quốc gia đã được thông qua.

Việc phân cấp diễn ra ở Việt Nam ta được hiểu ngầm như một cuộc phân chia lợi ích nên khoán trắng. Khi thấy có lợi ích thì người được phân công sẽ phải tính toán, cân nhắc ngay lợi ích nào trước, lợi ích nào sau, lợi ích nào trên, lợi ích nào dưới. Lòng tham ở đâu chả có.

Những kẻ hở như vậy trong quản lý, cộng thêm trình độ còn non yếu của cán bộ, là mảnh đất màu mỡ cho những nhà đầu tư quen chộp giựt, và không loại trừ trong số đó có nhà đầu tư từ Trung Quốc.

Nhập siêu lớn từ Trung Quốc – hãy làm cho con số biết nói

– Mấy hôm nay, trên các diễn đàn bàn luận nhiều về tình hình nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc, mỗi năm ta nhập siêu từ thị trường này trên 10 tỷ USD. Năm 2010, chúng ta đã nhập siêu 12,6 tỷ USD, bằng 105% tổng nhập siêu của cả năm. Điều đó làm cho Việt Nam lo lắng và lúng túng, ông có bình luận gì?

Để có thái độ và bình luận về con số này, trước hết là phải mổ xẻ, bóc tách con số đó, tạo ra một con số biết nói.

Trong thời đại tự do hóa thương mại, toàn cầu hóa kinh tế, Việt Nam đã mở cửa thị trường. Hàng Trung Quốc đang ngập tràn thế giới, không có lý do gì lại không vào thị trường Việt Nam và Việt Nam cũng không có lý do và không có cách gì để ngăn chặn hàng Trung Quốc chảy vào hoặc chỉ vào ít thôi.

Hàng Trung Quốc vào Việt Nam có nhiều nguồn khác nhau, vào theo nhiều lối đi khác nhau, cụ thể gồm:

Thứ nhất, hàng xuất khẩu của Trung Quốc gồm máy móc, thiết bị, vật tư, hàng tiêu dùng… Hàng này dễ vào Việt Nam vì vừa rẻ, vừa hợp thị hiếu, lại dễ trốn thuế hơn vào các thị trường khác. Theo các cam kết quốc tế thì Việt Nam không được phép ngăn cản. Muốn giảm bớt phần nào đó thì chỉ có hàng rào kỹ thuật, mà hàng rào kỹ thuật thì Việt Nam chưa đủ trình độ để thiết kế.

Thứ hai, hàng thiết bị, máy móc mà các doanh nghiệp đầu tư Trung Quốc đưa vào Việt Nam để xây dựng các công trình, thực hiện các dự án đã trúng thầu, các dự án đầu tư khác. Những dự án này đã có nhiều và ở khắp nơi. Loại hàng hóa này phải đưa vào, không có lý do để gây khó khăn, cản trở. Còn Việt Nam cứ thích tính vào hàng nhập khẩu thì là việc của Việt Nam.

Thứ ba, hàng hóa, máy móc, thiết bị vật tư, linh kiện, phụ kiện của các công ty nước ngoài khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Á, châu Âu… sản xuất tại Trung Quốc họ đưa đi các nước khác, trong đó có Việt Nam, để thực hiện các dự án đầu tư hoặc gia công lắp ráp. Đây là hàng lưu chuyển trong nội bộ công ty, trong tập đoàn của họ.

Việt Nam không có lý do để cản trở sự lưu chuyển này, và Việt Nam thích tính vào kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam thì đó là việc của riêng phía Việt Nam.

Tách được con số xuất nhập khẩu như vậy, bức tranh kinh tế sẽ rõ hơn, nhưng hiện nay ta chưa làm được bởi vì cách điều hành kinh tế nói chung và cách thống kế số liệu của ta cơ bản vẫn là cách đã cũ.

– Hiện vẫn có những lời khuyên Việt Nam nên chuẩn bị các giải pháp khác nhau để tránh được sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc và có ý kiến cho rằng Việt Nam tham gia TPP cũng là một giải pháp? Xin ý kiến bình luận của ông?

Cách duy nhất để Việt Nam thoát khỏi sự phụ thuộc đó là thay đổi cách làm ăn thiếu bài bản lâu nay. Gia nhập WTO, Việt Nam đã thực sự mở cửa và đã có sự phát triển, miếng bánh lợi ích của hội nhập đưa lại, miếng của Việt Nam vẫn còn rất nhỏ.

Không TPP, không gì làm cho miếng bánh của Việt Nam to lên, làm cho Việt Nam tránh được các sự phụ thuộc nếu Việt Nam không nhanh chóng học hỏi để thay đổi cách làm ăn.

– Xin chân thành cảm ơn ông!