Trang chủ » Kinh tế 24h » Bất nhất trong áp thuế nhập khẩu máy tính

Bất nhất trong áp thuế nhập khẩu máy tính

Tác giả:

Theo thoả thuận của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN+ (AFTA+), các doanh nghiệp IT nhập máy tính xách tay từ Trung Quốc có giấy chứng nhận xuất xứ mẫu E (CO form E) sẽ được hưởng thuế nhập khẩu bằng 0%, nếu không có giấy này thì phải chịu mức thuế 3%.

CO form E dùng cho tất cả các mặt hàng được ưu đãi thuế theo thỏa thuận AFTA + Trung Quốc chứ không chỉ dành riêng cho mặt hàng máy tính. Giấy này do một tổ chức của Trung Quốc cấp, tương tự như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Vấn đề nảy sinh khi hồi tháng 10/2010, VCCI có hướng dẫn mô tả CO from E cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu. Theo đó, trang thứ 3 của CO from E phải có “chữ”, còn của Trung Quốc trang 3 là trắng trơn.

Hải quan Việt Nam cho rằng, form của Trung Quốc cũng phải giống của Việt Nam trong khi Đại sứ quán Trung Quốc khẳng định họ chỉ có một mẫu và hải quan Việt Nam không chấp nhận. Vì thế, các doanh nghiệp nhập khẩu máy tính về Việt Nam vẫn phải tạm nộp thuế 3% (sẽ được hoàn thuế) nhưng như vậy doanh nghiệp bị đọng vốn nhiều tỉ đồng.

Vấn đề ở chỗ cơ quan Hải quan các địa phương không thống nhất khi áp dụng. Trong khi các chi cục hải quan ở miền Bắc mới áp dụng tạm thu 3% thuế nhập khẩu thì chi cục hải quan ở miền Nam cho các doanh nghiệp nhập khẩu máy tính hưởng thuế nhập khẩu bằng 0%.

Ông Nguyễn Khắc Sơn, Giám đốc Công ty máy tính Vĩnh Xuân, bức xúc, vì vấn đề liên quan đến sự công bằng, nhà nước áp dụng chung tất cả các cửa khẩu thì không sao, đằng này chỉ hải quan phía Bắc tạm thu mức 3%.

Vài tháng  trước, cảng Cát Lái cũng tạm thu 3% nhưng nay đã bỏ. Tân Cảng thì chưa bao giờ thu. Bây giờ các công ty có chi nhánh trong TP.HCM, họ phải nhập khẩu trong đó nhưng phải tốn thêm tiền vận chuyển ra miền Bắc, ông Sơn cho biết thêm.

Từ vấn đề liên quan đến thuế đã khiến doanh nghiệp bị tồn đọng vốn. Cùng một mặt hàng, người tiêu dùng ở miền Nam được chi trả thấp hơn người dùng ở miền Bắc do không phải “gánh” thêm 3% thuế nhập khẩu.

Vấn đề là thời gian trả lời của Bộ Công Thương quá chậm, không đúng quy định về thời gian trả lời khiếu nại của DN và người dân. Nếu Bộ chưa trả lời thì cần có văn bản hướng dẫn áp dụng tạm thời chung cho cả nước chứ không thể mỗi nơi một kiểu, ông Xuân kiến nghị.

Sau khi Công ty Máy tính Vĩnh Xuân có công văn gửi Tổng cục Hải quan về vướng mắc giấy chứng nhận xuất xứ mẫu E, ngày 25/11/2010, Tổng cục hải quan đã có công văn gửi doanh nghiệp cho biết đơn vị này đã có công văn số 6547/TCHQ-GSQL (ngày 4/11/2010) gửi Bộ Công Thương – cơ quan đầu mối về xuất xứ nhưng chưa có ý kiến trả lời chính thức.

Công văn trên của Tổng cục Hải quan gửi Bộ Công thương nêu rõ: “Từ trước tới nay, C/O mẫu E của Trung Quốc được phát hành bao gồm một bản gốc và ba bản sao các bon. Bản gốc C/O mẫu E có phần hướng dẫn tại mặt sau, còn ba bản sao các bon không có phần hướng dẫn tại mặt sau.

Trong khi đó, Việt Nam phát hành C/O mẫu E gồm một bản gốc và ba bản sao đều có phần hướng dẫn tại mặt sau. Vì vậy, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến về vấn đề nêu trên để hướng dẫn Hải quan địa phương thực hiện”.