Trang chủ » Kinh doanh » Đi chợ “ảo”, mất tiền thật

Đi chợ “ảo”, mất tiền thật

Tác giả:

Thị trường bán hàng trực tuyến ở Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng nhất Đông Nam Á. Theo thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường AC Nielsen, Việt Nam có khoảng 58% số người lên mạng hoặc xem truyền hình, đọc qua tin nhắn… và quyết định mua hàng nhờ những thông tin này.

Nhiều sơ hở

Việt Nam hiện nay có khá nhiều website bán hàng trực tuyến được đánh giá cao như: Muare, 5s, Enbac, Rongbay, ebay, nganluong, chodientu… Việc tham gia vào các chợ online khá đơn giản, với việc khai báo những thông tin cá nhân cơ bản nhất. Ở một số trang khi đăng ký nick name, các thành viên không cần phải khai báo thông tin cá nhân như: địa chỉ, số điện thoại… Hoặc một số trang có khai báo thông tin nhưng đúng hay không thì cũng chẳng ai kiểm chứng. Theo Báo cáo về Thương mại điện tử (TMĐT) của Bộ Công thương mới đây, TMĐT ở Việt Nam hiện nay thực chất chỉ gồm việc thiết lập một “showroom trên mạng” để giới thiệu về doanh nghiệp (DN) và trưng bày các thông tin cần thiết liên quan đến hàng hóa, dịch vụ. Một số website chỉ thiết lập cơ chế để người tiêu dùng có thể đặt hàng thông qua email hoặc gọi điện thoại đến nhà cung cấp.

Sự phát triển của bán hàng trực tuyến sẽ tiếp tục phát triển mạnh khi được hỗ trợ bởi công nghệ mới. Hiện nay, ADSL đã về đến tận xã, gần như nhà nào cũng có ti vi, sau Wifi và Wimax, 3G đang ngày càng phát triển thêm cơ hội cho người dân sử dụng bán hàng trực tuyến. Có thể chia bán hàng trực tuyến thành 3 hình thức: hình thức rao trên mạng nhưng người bán và mua trực tiếp trao đổi; hình thức chuyển khoản người bán và mua không cần gặp mặt; người mua được biết các thông tin sản phẩm, có chứng cứ xác thực là “nhà đài”. Với bán hàng trực tuyến, khách hàng chỉ cần ngồi nhà, lướt web, xem ti vi, chọn hàng, click chuột, cầm máy điện thoại… là có ngay những thứ mình muốn. Chợ ảo nhưng những giao dịch, trao đổi về tiền – hàng thì hoàn toàn thật. Chính vì thế đi kèm với sự tiện lợi luôn là những rủi ro. Vì thế, khách hàng cứ vừa mua, vừa lo.

Bà Vũ Thị Bạch Nga – Trưởng ban Bảo vệ Người tiêu dùng, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương thừa nhận, hiện nay mua hàng trực tuyến đã nêu lên một thực trạng đáng báo động, đó là tình trạng ăn cắp thông tin, gian lận tài chính, quảng cáo quấy rối, lừa tiền, bán hàng giả, hàng nhái… Các vấn đề về bảo mật, an toàn thông tin cá nhân, các địa chỉ giao dịch ảo, các hợp đồng mập mờ về giá cả, quảng cáo, chất lượng hàng hóa… đã và đang là những hành vi phổ biến, vi phạm nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Ngọc Điệp – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vật Giá cho rằng, tại Việt Nam, tính tới tháng 10/2010, có 30 triệu người dùng internet và dự đoán sẽ tăng lên 40 triệu đồng trong 3 năm tới. Riêng trang vatgia.com, hàng ngày có 750 nghìn lượt người truy cập, tăng 15 – 20%/tháng, chiếm 35% lượng truy cập vào các website TMĐT tại Việt Nam. Mua bán trực tuyến tại Việt Nam sẽ tăng liên tiếp 10%/tháng trong vòng 3 năm trở lại đây, chiếm 2 – 4% tổng tiêu dùng quốc nội trong 5 năm tới.

Ông Điệp thừa nhận: “Để mua bán trực tuyến phát triển cần chờ đợi sự chín muồi tổng hòa của rất nhiều yếu tố. Đó là nền tảng luật pháp, sự hiểu biết của những người tham gia, sự thay đổi thói quen mua bán và sử dụng công cụ thanh toán của người dân… Cụ thể, bản thân các DN khi tham gia gian hàng ảo cũng phải cam kết bán sản phẩm có thật với giá chính xác. Ngoài ra, cần có cơ chế để loại bỏ tình trạng thiếu ý thức, không update giá, để giá ảo… thường gặp trên các website bán hàng tại Việt Nam. Nếu DN nào vi phạm, họ sẽ bị mất uy tín và không bán được hàng.

Thiếu cơ chế bảo vệ người tiêu dùng

Hiện nay, Chính phủ đã có nhiều quy định về hoạt động bán hành trực tuyến. Tháng 7/2010, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2011 – 2015 với các chương trình cụ thể để phát triển TMĐT phù hợp với DN và người tiêu dùng. Hành lang pháp lý tạo cơ sở để phát triển các DN và dịch vụ TMĐT đã khá đầy đủ, tuy nhiên các quy định bảo vệ khách hàng trong lĩnh vực này lại chưa đầy đủ.

Bà Lại Việt Anh, Trưởng phòng Pháp chế Cục TMĐT và Công nghệ thông tin, Bộ Công thương dẫn chứng: “Việt Nam vẫn chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh các hành vi liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân một cách hệ thống. Khái niệm bảo vệ thông tin cá nhân và quyền riêng tư về thông tin cá nhân trên môi trường điện tử vẫn còn là một vấn đề mới mẻ tại Việt Nam”.

Thực tế, hiện nay, nhiều đối tượng tội phạm, trong đó có cả người nước ngoài đã thực hiện các vụ việc ăn cắp, lừa đảo lấy thông tin tài khoản cá nhân, của DN để rút tiền hoặc mua bán hàng hóa kiếm lợi bất hợp pháp. Theo bà Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban Bảo vệ Người tiêu dùng, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương, khi mua hàng trực tuyến, người tiêu dùng đã để lộ thông tin, hoặc thông tin bị mất cắp. Nên xảy ra vấn nạn tin nhắn rác, tin nhắn mạo danh liên tục quấy rối thậm chí có nội dung lừa đảo người tiêu dùng, quảng cáo những dịch vụ: Soi cầu lô đề, xổ số, mời chào dịch vụ xem bói, tải hình ảnh, trò chơi, lừa đảo khuyến mại, trúng thưởng,…

Mới đây, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ 1/7/2011 đã dành 8 điều cho hoạt động TMĐT. Trong đó, người tiêu dùng được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, nội dung giao dịch, nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và các thông tin liên quan cần thiết…