Trang chủ » Điểm nóng » Stephen Walt: Vụ WikiLeaks, ai bị phản bội?

Stephen Walt: Vụ WikiLeaks, ai bị phản bội?

Tác giả:

GS Stephen Walt, dạy quan hệ quốc tế tại Trường Hành chính Kennedy, Đại học Harvard. Ông sẽ sang Việt Nam dự lễ công bố 500 Doanh  nghiệp lớn nhất Việt Nam vào ngày 15/01 tới.

Cũng như các “tiết lộ” trước đó của WikiLeaks,  với một lượng lớn các bức điện tín mới đây, công chúng thường sẽ tìm kiếm trong đó những thông tin họ muốn biết. Tôi đã đọc một số bức điện tín mới công bố gần đây, và tôi còn đọc khá kỹ các báo cáo tổng hợp của tạp chí New York Times; tuy nhiên, cho tới lúc này, tôi vẫn chưa thấy có điều gì làm thay đổi quan điểm của mình về chính sách ngoại giao của Mỹ.

Tôi cũng chưa thấy nhà bình luận nào nói rằng họ đã có suy nghĩ khác về một số vấn đề đương đại quan trọng. Sau đây tôi xin đưa ra một số ý kiến ban đầu.

Thứ nhất, cần lưu ý rằng những tài liệu này không phải là sự thật được phơi bày hay văn bản tường thuật nguyên văn một sự kiện. Cũng giống như phần lớn các hình thức báo cáo ngoại giao khác, đó chỉ là một phiên bản miêu tả về các sự kiện hoặc một bản tóm tắt về các ấn tượng qua con mắt của cá nhân (thường là các nhân viên cấp trung) có nhiệm vụ soạn thảo bức điện tín đó.

Ngay cả khi các nhân viên đó chỉ thực hiện động tác tóm tắt lại nội dung một cuộc họp, thì họ cũng sẽ nhấn mạnh một số chi tiết nhất định và bỏ qua hoặc coi nhẹ các yếu tố khác, trong đó bao gồm cả các khả năng họ nghe sai, diễn giải sai, hay hiểu sai những gì người khác nói.

Bối cảnh cũng quan trọng: lời phát biểu của các quan chức ngoại giao thường được “nắn” theo những gì mà họ đang cố gắng đạt được cũng như theo những gì mà họ nghĩ là các đối tác người Mỹ muốn hoặc cần nghe; và cũng rất khó để xác định được một bối cảnh toàn diện nếu chỉ dựa vào những bức điện tín này.

Tôi không có ý nói rằng những tiết lộ của WikiLeaks không chứa thông tin gì hữu ích cả. Quan điểm của tôi là chúng ta nên lưu ý rằng những bức điện tín đó chỉ là sản phẩm của các cá nhân – những người soạn thảo ra chúng – và họ cũng có những mục đích cũng như khiếm khuyết riêng, và những cuộc hội thảo mà họ ngồi tóm tắt lại diễn biến không xảy ra một cách đơn lẻ. Hơn nữa, tuy chúng có nói cho chúng ta biết được điều gì đó về một số chính sách quan trọng, song chúng vẫn chỉ là một bức tranh chưa hoàn thiện.

Thứ hai, cũng giống như với các tiết lộ trước đó của WikiLeaks, chúng ta cần phải hết sức thận trọng với những kết luận ban đầu của mình. Cho tới nay mới chỉ có một số rất ít các bức điện tín được công bố; không những thế, những tổ chức truyền thông được quyền tiếp cận chúng (là các tạp chí New York Times, Guardian, và Der Spiegel) chỉ chọn trong số những bức điện tín mà họ đã xem để đăng tải. Vì vậy, trong lúc chưa có được cơ hội xem tất cả những bức điện tín đó, chúng ta nên có thái độ cảnh giác khi đánh giá.

Thứ ba, tôi không quá lo lắng như một số người về cái khả năng rằng những tài liệu này sẽ để lộ ra những “khoảng cách” giữa những gì mà các chính phủ nói họ đang làm với những gì mà họ thực sự đang làm trên thực tế. Chẳng hạn, một số nhà bình luận quan ngại rằng các bức điện tín đã vạch rõ tính “hai mặt” của chính quyền Yemen vốn từ trước tới nay vẫn “vờ vịt” rằng họ không cho phép phía Mỹ thực hiện những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trên lãnh thổ nước mình.

Những người khác có lẽ lại e sợ rằng một số lời nhận xét thẳng thắn quá mức về nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới sẽ bị phơi bày, từ đó gây ra những mâu thuẫn không mong muốn. Cũng có ý kiến rằng các vị đại diện nước ngoài sẽ “bớt” trung thực hơn trong tương lai, vì họ sợ rằng những phát ngôn của mình sẽ có lúc bị lộ.

Nhưng chúng ta hãy suy nghĩ nghiêm túc hơn một chút. Tôi không cho rằng lại có vị nguyên thủ lớn nào trên thế giới từng tin chắc rằng nước Mỹ dành cho họ sự tôn trọng bậc nhất, vậy mà sau “sự cố” này lại phải bẽ bàng mà nhận ra rằng một số quan chức của chúng ta không hoàn toàn thật lòng với họ. (Tôi cũng dám cá là sẽ có rất nhiều bức điện tín từ nước ngoài nói những điều không-mấy-hay-ho về các quan chức Mỹ, và rằng những quan chức này cũng chẳng quá sốc khi các tài liệu đó bị công bố).

Tôi đánh giá các vị lãnh đạo cao hơn thế: đa phần mọi người đều biết đâu là những sự khác biệt lớn giữa các liên minh và thậm chí là giữa các điểm mâu thuẫn cá nhân, cho dù chúng được đánh bóng bằng các cử chỉ ngoại giao khéo léo. Có thể khi những thông tin này bị lộ ra chúng sẽ khiến một số người cảm thấy khó xử, nhưng tôi chắc rằng chẳng có ai lại đi nghĩ rằng mình bị phản bội hay lừa dối cả.

Còn đối với khả năng rằng các nhà ngoại giao Mỹ sẽ vì những tiết lộ này mà bị lộ ra bộ mặt giả dối, tôi xin đặt ra một câu hỏi: tới giai đoạn này trong lịch sử, chuyện đó còn khiến ai ngạc nhiên nữa hay không? Sau những “sự cố” như Vịnh Bắc Bộ ở Việt Nam, vụ Mỹ bí mật bán vũ khí cho Iran bị phát giác năm 1986, vụ dùng tên lửa hành trình tấn công vào Sudan, những bằng chứng giả mạo của Colin Powell trình lên Ủy ban An ninh năm 2002, liệu còn mấy người vẫn ảo tưởng về cái “góc khuất” trong chính sách ngoại giao của Mỹ?

Và cũng không có gì mới mẻ trước những thông tin rằng Mỹ đã và vẫn đang ám ảnh về chương trình hạt nhân của Iran, sốt sắng với những quan ngại của Israel, lo lắng về Bắc Triều Tiên, hay đặc biệt chú ý tới al Qaeda. Một số chi tiết trong những bức điện tín trên khá thú vị, song vẫn chưa có bất kỳ tài liệu nào hay báo cáo nào của giới truyền thông mà tôi từng đọc qua cho thấy dấu hiệu sắp có một thay đổi lớn về chính sách ngoại giao gần đây của Mỹ cả.

Thứ tư, tôi nhận thấy có một “điệp khúc” trong những tài liệu này, đó là quốc gia nào trên thế giới cũng muốn chú Sam nhà ta xắn tay vào giải quyết những rắc rối của họ. Hàn Quốc và Mỹ nhỏ to về những việc cần làm hậu Bắc Triều Tiên. Giới chức Israel không ngớt yêu cầu Mỹ phải “xử lý” Iran và duy trì “lợi thế quân sự rõ rệt” của họ. Một số nhà lãnh đạo Ả-rập trên Vịnh Ba Tư thì vừa muốn Mỹ ngăn chặn quả bom Iran lại vừa không chịu thực hiện những bước cần thiết để đạt được mục tiêu đó…

Dĩ nhiên, chắc chắn là những tài liệu này chứa vô số những lời yêu cầu đặc biệt như vậy, bởi chúng chính là báo cáo của các quan chức Mỹ sau khi gặp gỡ với những người đồng cấp nước ngoài để tìm hiểu xem họ suy nghĩ hay mong muốn điều gì. Tuy vậy, có lẽ chúng ta vẫn không khỏi sửng sốt khi thấy nước Mỹ “thò tay” vào bao nhiêu “chiếc bánh”, và các quốc gia khác cứ liên tục trông chờ chúng ta vừa cung cấp “nguyên liệu”, vừa làm “bánh” cho họ, lại còn vừa dọn dẹp “bếp núc” sau đó nữa.

Cuối cùng, một câu hỏi lớn vẫn khiến tôi trăn trở là: liệu mọi việc sẽ còn tồi tệ đến thế nữa không nếu từ nay các nhà ngoại giao hiểu rằng những “cú bắt tay” trong bóng tối và chính sách ngoại giao hai mặt sẽ không còn dễ dàng như trước nữa, bởi vì sự thực có thể sẽ bị phanh phui trong khoảng thời gian chưa đầy 20 hay 30 năm sau đó?

Có một số trường hợp bí mật là có ích (chẳng hạn như thỏa ước của Kennedy về các tên lửa Jupiter tại Thổ Nhĩ Kỳ trong Cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba); nhưng nhìn chung, tôi cho rằng con người – trong đó gồm cả những nhà hoạch định chính sách đối ngoại – thường có xu hướng làm điều khuất tất nhiều hơn nếu họ nghĩ rằng họ có thể làm như vậy mà không bị lộ. Nếu bạn phải giữ bí mật điều gì đó, thì đó thường là dấu hiệu cho thấy bạn không nên làm thế.

Và có thể khi tôi nói điều này, bạn đọc sẽ cho rằng tôi là người ngây thơ giống Tổng thống Wilson (đây là điều “tàn nhẫn” nhất để miêu tả về một kẻ duy thực như tôi!): toàn bộ vụ việc này đang làm dấy lên một vấn đề lớn hơn, đó là liệu các công dân của một nhà nước cộng hòa có quyền được biết chính xác những gì mà những người đại diện họ đang nói và làm nhân danh họ hay không, trong khi nhất cử nhất động của họ đều dựa vào tiền của và sức mạnh quân sự mà các công dân này đã và đang còng lưng ra trả bằng chính đồng tiền thuế mồ hôi nước mắt của mình.

Tôi không muốn phải đợi tới 30 năm sau mới có câu trả lời, mà là ngay bây giờ. Tôi chắc rằng nhà ngoại giao nào cũng muốn hạn chế hết mức sự dò xét về tính dân chủ trong các hoạt động của họ, bởi sẽ thật bực mình nếu Quốc hội hay giới truyền thông hay những người dân bình thường cứ đứng sau lưng mà nhìn chằm chằm vào họ trong khi họ đang lên kế hoạch hỗ trợ nước ngoài.

Dẫu biết vậy, tôi vẫn ngày càng thấy khó mà tin được rằng những bậc “ưu tú” của xã hội chúng ta lại biết rõ họ đang làm gì, và tôi càng không muốn để họ hoạt động bên ngoài tầm ngắm của công luận.

Nhưng vẫn có một mặt bất lợi thật sự – và đó là lý do tại sao tôi vẫn có vài lo lắng về đợt điện tín được công bố mới đây. Nếu các nhà ngoại giao bắt đầu cảm thấy lo sợ rằng bất kỳ cuộc đàm thoại hay điện tín nào cũng có thể bị phát lộ, thì họ sẽ hoặc là ngừng nói, ngừng ghi chép, hoặc ngừng gửi thông tin về các “tổng hành dinh” trong nước trong bất kỳ hình thức truyền tin nào có thể tái công bố được.

Giới chính khách thành phố Chicago từng nói: “Đừng viết nếu bạn có thể nói; đừng nói nếu bạn có thể gật đầu; đừng gật đầu nếu bạn có thể nháy mắt”. Không hiểu sao, tôi vẫn không cho rằng đường lối ngoại giao của Mỹ sẽ được cải thiện khi mà các đại diện của chúng ta buộc phải dùng đến biện pháp liên lạc bằng các cử động trên khuôn mặt, và chỉ liên lạc với quê nhà qua các cuộc điện thoại an ninh.