Trang chủ » Tranh luận » Với Trung Quốc: Đua tranh, không đối đầu

Với Trung Quốc: Đua tranh, không đối đầu

Tác giả:

LTS: Trong phần đầu tiên của cuộc bàn tròn, ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên, cùng cố vấn của VEF, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã nêu những dự cảm về tình hình kinh tế – xã hội đất nước trong năm 2011. Theo ông Vũ, cần phải hiểu dòng chảy của thế giới để định vị tầm nhìn của Việt Nam.

Ở phần hai này, hai vị khách mời đã chia sẻ nhiều hơn về việc làm thế nào để Việt Nam có thể phát triển phồn vinh bên cạnh Trung Quốc. Đây cũng là đề tài đang thu hút bạn đọc, đã được Diễn đàn Kinh tế Việt Nam đăng tải trong nhiều bài viết gần đây.

Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi nội dung cuộc bàn tròn với ông chủ cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ và TS. Trần Đình Thiên. Mọi ý kiến trao đổi thêm với hai vị khách mời, xin gửi về hòm thư [email protected] hoặc tham gia tranh luận trực tiếp ở cuối bài.

Đua mềm, không phải đua cứng

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Trong đoạn cuối của phần 1, TS. Thiên có nhắc tới việc lựa chọn những lĩnh vực phải làm nhưng linh hồn của sự lựa chọn ấy là đẳng cấp cao, ví dụ như du lịch cao cấp, chứ không phải là du lịch đại trà. Tuy nhiên có quan điểm cho rằng, nhiều địa phương của ta còn phải lo gánh nặng cơm áo gạo tiền, chờ làm những cái cao cấp thì lâu lắm, không đủ sống.

Chẳng hạn, Quảng Ninh có cả một nguồn tài nguyên than như vậy, cả một tập đoàn than khoáng sản như vậy, bao nhiêu người dân sống bằng việc đào than như vậy, giả sử dẹp hết than đi để làm du lịch sạch cho sang thì giải quyết bài toán ngắn hạn thế nào để tồn tại. Vậy cách tiếp cận của chúng ta sẽ như thế nào?

TS. Trần Đình Thiên: Tôi nghĩ, cách tư duy đó giống như ở những nước rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Đó là điều thông thường của loài người. Có 100 nước thì đến 95 nước rơi vào cái bẫy đó, chỉ có vài nước nhìn theo tầm nhìn dài hạn, cổ động cho dân tộc.

Thiết kế một quỹ đạo theo đúng kiểu như thế không dễ tý nào. Bây giờ cứ thích ngắn hạn, thích ngân sách, thích thỏa mãn những đòi hỏi có tính chất dân túy thì dễ thôi, nhưng như thế, dân tộc mãi đi chậm, thậm chí đi loanh quanh.

Phát huy tinh thần dân tộc trong thời buổi ngày nay là phải đua tranh phát triển, đặt nặng khái niệm đua tranh phát triển chứ không phải đối đầu. Còn tất nhiên tình thế đẩy chúng ta đi đâu thì trong tình huống cụ thể chúng ta phải xử lý, nhưng chiến lược cơ bản trong thời đại này để Việt Nam vươn lên là đua tranh phát triển, và chúng ta đang có những cơ hội hội nhập để vượt lên. Đó là nguyên tắc.

Vậy muốn vượt lên, cần phải có những gì? Chắc chắn chúng ta phải chọn cách đi khôn ngoan, thông minh, mà thời buổi bây giờ đang mở ra những cơ hội đó. Tôi xin nói là ở những lúc mà thời đại chuyển giao, chính là lúc bùng nổ phát triển mạnh nhất, kể cả cho cá nhân hay cho quốc gia. Không có lúc nào mà thời đại chuyển mạnh như lúc này, thậm chí lúc này Việt Nam đứng trước hai bước chuyển: bước chuyển từ xã hội nông nghiệp cổ truyền sang một xã hội công nghiệp, bước này đang làm cơ bản.

“Nếu Trung Quốc có quy mô, ta phải có chất lượng, nếu Trung Quốc làm cho thế giới lo lắng cái này, ta phải làm cho thế giới an lòng hơn” – ông Đặng Lê Nguyên Vũ nói.

Bước chuyển thứ hai là chuyển từ xã hội công nghiệp cổ điển sang kinh tế tri thức. Đứng trong sự giao thoa ấy là một cơ hội rất lớn để chúng ta vượt lên.

Tất cả tuỳ thuộc vào năng lực của chúng ta. Chúng ta tạo được một cấu trúc bền vững và có năng lực để chọn được con đường vượt lên không, có lẽ con đường bày ra là cũng đã cơ bản rõ ràng rồi đấy, kinh nghiệm quốc tế cũng rõ ràng rồi đấy. Chúng ta còn có lợi thế là đi sau nữa cơ.

Trong tương quan với Trung Quốc, chúng ta nên có một cách tiếp cận như vậy. Tất nhiên trong những tình huống cụ thể sẽ còn rất nhiều áp lực, chưa nói gì chứ áp lực cạnh tranh với hàng hoá Trung Quốc là đã gay go lắm rồi. Vì sao chúng ta lại kém thế cạnh tranh với Trung Quốc, cái đấy là do ta hay do họ?

Cái đấy là cạnh tranh sòng phẳng cơ mà, nếu xét theo góc độ cạnh tranh thị trường.  Đấy là chúng ta còn chưa tận dụng hết năng lực của mình trong cuộc đua tranh phát triển này, chúng ta mới chỉ kiếm ăn ngắn hạn, cho nên chúng ta cứ lùi xa lại.

Tôi lấy ví dụ như tiền tệ chẳng hạn, đối với Việt Nam, nếu không củng cố được nội lực cơ bản của mình thì sẽ “sập” trước thôi, chứ không phải là do cái gì cả. Chứ còn bây giờ chúng ta cứ ngồi lo thì không giải quyết được vấn đề gì. Thế giới đang xoay chuyển cơ mà, mà thế giới thì không thể sụp đổ theo cái nghĩa ấy được.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Nói về việc cùng phồn thịnh với Trung Quốc, tôi nghĩ, cần nhìn ở cả góc độ chiến lược và sách lược. Như tôi đã nói, chúng ta cần xác định những áp lực cũng như cơ hội mà Việt Nam đang có trong bối cảnh cuộc chơi mới này. Nói về tương quan với Trung Quốc thì chúng ta phải đặt ra:

Việt Nam với Trung Quốc, Trung Quốc với Việt Nam

Việt Nam với thế giới, thế giới với Việt Nam

Trung Quốc với thế giới, thế giới với Trung Quốc.

Những cặp này, chúng ta phải phân tích kỹ lưỡng quan điểm và con đường đi riêng. Phải tìm ra con đường khác biệt với Trung Quốc, mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam phải khác biệt với Trung Quốc. Khẩu hiệu thi đua, ở đây là đua mềm, đua về sự hoà bình, phồn thịnh chung chứ không phải đua theo nghĩa là “cứng” về quân sự hay cái này cái kia để kiềm chế “tuyến đầu”. Cố tránh, cố tránh bằng mọi kiểu. Cái này thì chúng ta tính được…

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vậy ông có những suy nghĩ khác biệt gì không?

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Tôi lấy ví dụ cặp thế giới với Trung Quốc, họ có lo lắng với Trung Quốc hay không? Trong cái lo lắng này Việt Nam được quy hoạch như thế nào? Thế giới có lợi gì với Trung Quốc, và so sánh ngược lại thế giới có lợi gì với Việt Nam? Chúng ta cần phải xem xét những điều này. Chúng tôi từng bàn rất nhiều về định vị. Theo tôi, Việt Nam nên trở thành một mô hình, ngọn cờ nhân văn, và cũng cần trở thành một mô hình phát triển bền vững của thế giới.

Trung Quốc có quy mô, ta phải có chất lượng

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nghĩa là tạo ra sự khác biệt với Trung Quốc bằng cách trở thành một mẫu hình bền vững và nhân văn…?

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Có một sự thật mà chúng ta phải thấy: dù cho Trung Quốc có nói rằng “trỗi dậy hoà bình”, phát triển hoà bình nhưng cái lo lắng của thế giới không phải vậy. Họ nhìn những thứ khác và họ lo lắng những thứ ấy, cả khu vực cũng vậy. Cái đấy là thực tế.

Thế thì hành động của Việt Nam bây giờ là gì? Chúng ta phải xác định rõ thông điệp của mình, sau đó hiện thực hoá thành chiến lược để thực thi.

Nếu Trung Quốc có quy mô, ta phải có chất lượng, nếu Trung Quốc làm cho thế giới lo lắng cái này, ta phải làm cho thế giới an lòng hơn. Phải có những cặp phạm trù đối lập như vậy để chúng ta xử lý những vấn đề của mình.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Người ta nhìn Trung Quốc như  một “đại công xưởng” của thế giới, thế thì Việt Nam cho thế giới thấy chúng ta là cái gì của thế giới? Tôi cũng đã từng hỏi một doanh nhân khác, vậy anh trả lời như thế nào?

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Chúng ta không thể nào đi theo quy mô như Trung Quốc được, mà phải tìm ra những thế mạnh khác của Việt Nam. Còn cụ thể với từng ngành mà Trung Quốc cũng đang làm, thì chúng ta phải đầu tư sâu về chất lượng, chứ không phải là chạy theo gia công. Quy mô mình nhỏ hơn, công nghệ lạc hậu hơn thì bị càn quét là đương nhiên.

“Ở những lúc mà thời đại chuyển giao, chính là lúc bùng nổ phát triển mạnh nhất, kể cả cho cá nhân hay cho quốc gia. Không có lúc nào mà thời đại chuyển mạnh như lúc này” – TS. Trần Đình Thiên cho biết.

Muốn tạo sự khác biệt, muốn tạo ra chất lượng thì nguyên tắc đầu tiên phải có hai chìa khoá. Lúc nãy chúng ta mới chỉ nói về chìa khoá giáo dục thôi, còn một chìa khoá nữa là về công nghệ. Nguyên tắc là phải đi với những người hàng đầu mới trở thành hàng đầu, thế nguyên tắc này mình có được ứng dụng vào Việt Nam không?

Đương nhiên sẽ có những lý lẽ được đưa ra: chúng ta không có tiền, nhưng có những lĩnh vực chúng ta hoàn toàn có thể mượn lực, mượn sức của thiên hạ được. Trong bối cảnh mới, cái này đang đến vô cùng nhiều…

Đưa ra được chính sách rồi, còn một vấn đề căn bản nữa: dân tộc phải được chuẩn bị, từ tâm thế tới những kỹ năng. Đó là một thách thức.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Tâm thế về văn hoá hay tâm thế về văn hoá, giáo dục, nhận thức?

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Nói về tâm thế dân tộc, cần trả lời câu hỏi: chúng ta có lịch sử hàng ngàn năm, có đầy đủ điều kiện nhưng sao mình vẫn như thế này? Tôi thấy, văn hoá âm tính của mình cần phải sửa, nhất là trong bối cảnh đất nước hiện nay. Đây là thời điểm thuận lợi nhất sửa văn hoá âm tính tồn tại hàng ngàn năm nay: Đó là thiếu khát vọng lớn, thiếu khát khao đi chinh phục khám phá…

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhưng dân tộc Việt Nam cũng có một lợi thế là rất dễ tiếp thu cái mới, học hỏi cái mới và tiếp thu đa nền văn hoá chứ không chỉ một nền văn hoá riêng, như chúng ta tiếp thu tư tưởng của Khổng Tử, văn hoá Pháp, Mỹ… Internet, tiếng Anh cũng vào với chúng ta kha khá?

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Cái đó cũng là thế mạnh nhưng nó chỉ được phát huy khi và chỉ khi nó được hoạch định: Chúng ta giữ cái gì, chúng ta hấp thu cái gì, phải làm cho rõ. Đến ngày hôm nay tôi vẫn không thấy cái này.

Việt Nam cần có tư duy sánh vai

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Chúng ta vẫn có câu là phải đứng trên vai người khổng lồ để vươn cao hơn, nhìn xa hơn. Có thể coi Trung Quốc là người khổng lồ, nhưng chúng ta đứng trên vai người khổng lồ như thế nào?

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Bây giờ cả một thị trường to lớn của Trung Quốc, tâm thế khai thác của doanh nghiệp Việt Nam, của giới tinh hoa Việt Nam, của dân chúng Việt Nam như thế nào? Tôi nghĩ, chúng ta phải ngồi phải tính toán kỹ.

Còn người khổng lồ không chỉ là Trung Quốc mà là cả thế giới rộng lớn. Thách thức đặt ra là người khổng lồ có cho ta đứng không, làm sao để ta đứng đây, làm sao có thể mượn lực, mượn thế của họ đây?

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ở đây tôi muốn nói cái ý là chúng ta có giải pháp nào để leo lên được không?

TS. Trần Đình Thiên: Về lý thuyết thì tôi thấy là hoàn toàn có thể, minh chứng là Hàn Quốc, họ còn vượt hơn nữa là đằng khác.

Nói đến Trung Quốc, ta phải hiểu là Trung Quốc phải làm đại công xưởng vì chỉ có cách đó mới giải quyết cho hơn 1 tỷ dân vượt qua đói nghèo và tôi cũng xin nói để làm được việc vĩ đại đó thì cái giá phải trả cũng rất lớn chứ không phải không.

Anh Vũ nói rất hay ở chỗ là còn có nhiều người khổng lồ mà về mặt trình độ nó còn cao hơn, có người nói là Trung Quốc cũng đi học các nước đó và bây giờ vượt lên. Việt Nam thì học Trung Quốc, đương nhiên điều này cũng rất tốt, nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể học những nước khác. Nếu chỉ học Trung Quốc mà không có ý chí tạo giá trị gia tăng, chỉ đi theo họ thì suốt đời không kịp họ.

Ở đây tôi muốn nói là cần học những cái nhất của thế giới, sau đó chọn cho mình. Tất nhiên, học những anh cao nhất không dễ, nhưng thế giới bây giờ đã khác, đã mở và bao nhiêu cách thức để chúng ta làm điều đó. Đó là cách để chúng ta sánh vai cùng thế giới. Chúng ta đừng có tư duy đuổi theo, mà phải là tư duy sánh vai.

“Việt Nam nên trở thành một mô hình, ngọn cờ nhân văn, và cũng cần trở thành một mô hình phát triển bền vững của thế giới”, ông chủ cafe Trung Nguyên chia sẻ.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Đó là cái tâm thế, mình có thi đua hay là chỉ bắt chước, không có ai có thể bắt chước mà vượt được người khác nhất là về quy mô của Trung Quốc. Trung Quốc có thể bắt đầu từ công xưởng nhưng chúng ta thấy họ đang leo lên những giá trị khác.

Họ đang leo lên những vấn đề như thương hiệu, tinh xảo và hiện nay là công nghệ sạch, xanh, nhưng cái quan trọng ở đây là họ đi quá nhiều đường, có quá nhiều cái đan xen như vậy nên họ điều chỉnh ở tầm quốc gia rất khó. Chưa kể Trung Quốc đang có quá nhiều vấn đề trong nội tại của họ. Tôi nghĩ đây là cơ hội cho Việt Nam.

TS. Trần Đình Thiên: Mình có lợi thế đi sau, nguyên tắc là phải mượn sức, nhưng mượn sức ai, mượn cái gì. Khôn ngoan nằm ở chỗ ấy. Thời đại đang trải ra rất rộng.

Mời bạn đọc theo dõi tiếp phần ba cuộc bàn tròn trực tuyến sẽ được đăng tải vào sáng mai (8/1/2011). Ông Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ dành nhiều thời gian hơn để chia sẻ về những bài học đáng quý trên con đường tạo dựng sự thành công của thương hiệu cà phê Trung Nguyên.