Trang chủ » Điểm nóng »

Tác giả:

Không thể có giải pháp cầu toàn cho mọi vấn đề

Kinh tế Việt Nam đã nói lời chia tay năm 2010 với ngổn ngang nhiều mối lo toan. Suốt năm 2009 và những tháng đầu năm 2010, cả nước dồn sức tập trung chống suy thoái, kích thích đầu tư – tiêu dùng, tăng cường bảo đảm an sinh xã hội. Nhưng từ giữa năm 2010 trở đi bắt đầu xuất hiện tình trạng bất ổn vĩ mô do diễn biến bất lợi từ sự khuynh đảo liên tục của cơn sốt giá vàng quốc tế và trong nước, kéo theo sốt tỷ giá đô la. Kể từ quý 4-2010 lạm phát bắt đầu tăng tốc, vượt chỉ tiêu khống chế cả năm. Lãi suất chưa kịp giảm đã tăng trở lại. Ám ảnh về sự biến động tiền tệ tương tự như năm 2008 có nguy cơ xuất hiện, gây đình trệ toàn bộ nền kinh tế nếu không kịp thời có những quyết sách hiệu quả. Một năm buộc phải liên tục đối mặt với những cung bậc thăng trầm, biến cố đan xen, phức tạp, bất ngờ… khiến mọi người băn khoăn tự hỏi liệu đến khi nào nền kinh tế nước ta mới có thể tự đứng vững trên đôi chân của chính mình, đủ thế và lực để ổn định phát triển?

Tuy nhiên, lý thuyết cũng như thực tiễn cho thấy không hề có giải pháp “cầu toàn” cho mọi vấn đề. Trong quản lý, điều hành kinh tế, chân lý này dường như càng thể hiện rõ nét hơn. Giữa lúc kinh tế quốc tế nói chung và các nền kinh tế chủ chốt thế giới nói riêng (Mỹ/châu Âu/Nhật Bản) bị tấn công cùng lúc do tình trạng suy thoái kéo dài và thâm thủng nợ công nặng nề, nó tựa như một loại “dịch bệnh ác hiểm” có nguy cơ lây lan toàn cầu, tác động tiêu cực trước hết đến những nền kinh tế dễ bị tổn thương. Với mô hình kinh tế có “độ mở” cao, nhất là trên lĩnh vực giao thương, đầu tư nước ngoài, kết nối sâu hơn vào WTO… Việt Nam đang trở thành một trong số những nước có khả năng bị ảnh hưởng mạnh bởi môi trường kinh tế hội nhập. Đặc trưng quan trọng này buộc chúng ta phải tư duy lại một số qan điểm điều hành chính thống từ trước đến nay. Đó là phải biết “chung sống hóa bình” với môi trường toàn cầu hóa, chỉ có thể tìm kiếm sự ổn định lâu dài một khi biết chấp nhận sự bất ổn thường xuyên từ tác động bên ngoài. Sức đề kháng của một quốc gia mạnh hay yếu không chỉ quyết định bởi việc quốc gia đó tận dụng tốt những cơ hội do hội nhập mang lại mà còn phụ thuộc vào việc biết cách hóa giải những “đòn phép” thử thách khắc nghiệp của cơ chế cạnh tranh toàn cầu. Suy cho cùng, mọi nguy cơ bất ổn bất kể xuất phát từ đâu cũng cần phải được đề cao cảnh giác, tuy nhiên vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu những bất ổn đó phần lớn bắt nguồn từ chính nội lực yếu kém do bản thân nền kinh tế tạo ra.

Doanh nghiệp – ngân hàng phải là bạn đồng hành

Nhiệm vụ cấp bách hàng đầu hiện nay là phải nghiêm túc nhận diện, bắt mạch đúng thực trạng của nền kinh tế, ban hành những giải pháp đồng bộ cùng những kế hoạch mang tầm vóc dài hạn, thay cho những kế hoạch ngắn hạn nhất thời, mang tính đối phó, nhằm củng cố toàn diện khả năng cạnh tranh và hội nhập của nền kinh tế đất nước. Quan điểm, chủ trương nhìn chung đã rõ, không thiếu, không hẳn đã lạc hậu, nhưng “tồn tại của mọi tồn tại” vẫn là năng lực tổ chức thực hiện chính sách. Dư luận trong thời gian qua rất băn khoăn về khả năng “phối hợp tác chiến” giữa các cơ quan điều hành, nhất là trên những lĩnh vực quan trọng có liên quan đến ổn định vĩ mô như chính sách tài khóa – tiền tệ – ngân hàng.

Năm 2010 có lẽ là một trong những năm chứng kiến nhiều thử thách đối với năng lực “PR chính sách” (quảng bá, giải thích chính sách) của các cơ quan điều hành. Trong bối cảnh có quá nhiều biến động, dễ gây tâm lý bất ổn, bầy đàn, dư luận trở nên rất nhạy cảm trước những phản ứng chính thức (cả phát ngôn và hành động) của các nhà điều hành chính sách. Đây được xem như “hàn thử biểu” có tác động lớn đến xu hướng vận động và điều chỉnh hành vi ứng xử của các chủ thể trên thương trường.

Sức đề kháng của một quốc gia mạnh hay yếu không chỉ quyết định bởi việc quốc gia đó tận dụng tốt những cơ hội do hội nhập mang lại mà còn phụ thuộc vào việc biết cách hóa giải những “đòn phép” thử thách khắc nghiệp của cơ chế cạnh tranh toàn cầu.

Nhìn lại năm vừa qua, nhiều sự việc lẽ ra được giải quyết hợp lý hơn, góp phần bình ổn thị trường tốt hơn, nhưng thực tế lại không làm được, hoặc làm không kịp thời, không có hiệu quả (liên quan đến giá vàng, đô la Mỹ, lãi suất ngân hàng…). Một trong những nguyên nhân chính là do khâu “PR chính sách” chưa thực sự chuyên nghiệp. Mặt khác, đã đến lúc cơ quan lập pháp là Quốc hội cũng cần nghiên cứu hoàn thiện sớm quy trình pháp lý về trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý vĩ mô. Nếu chủ động cung cấp thông tin, tiến hành điều trần kịp thời, giải thích thấu đáo chủ trương chính sách thì sẽ củng cố được lòng tin của công luận, tạo ra hiệu ứng tích cực trên nhiều mặt. Công khai minh bạch tất nhiên không thể một sớm một chiều thực hiện được, tuy nhiên “văn hóa công khai minh bạch” nên được tuyên bố rõ ràng, tránh lấp lửng. Ví dụ câu chuyện giải trình về số tiền chi tiêu cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, chỉ vì không chủ động thông tin đến nơi đến chốn đã làm phát sinh dư luận nhiều chiều gây mất lòng tin.

Những vấn đề của năm 2010 trên thực tế đang để lại nhiều gánh nặng cần xử lý cho năm 2011, trước hết là đối với các doanh nghiệp, hệ thống các ngân hàng thương mại. Những biến cố, bất ổn phát sinh trong thời gian vừa qua càng làm rõ hơn vai trò của hai “nhân vật chủ chốt” (doanh nghiệp/ngân hàng) trong tiến trình thiết lập sự ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Tác động của lãi suất/tỷ giá tăng cao đột biến, tình trạng khan hiếm vốn, ảnh hưởng tiêu cực của “não trạng hai giá” đang làm biến dạng, méo mó thị trường, nếu để kéo dài sẽ có nguy cơ làm xói mòn những thành quả đổi mới mà nền kinh tế đã phải vật vã trong nhiều thập kỷ mới gầy dựng được.

Đã đến lúc hệ thống ngân hàng thương mại cần phải nghiêm túc với chính mình, có trách nhiệm xử lý hài hòa bài toán “lợi nhuận/trách nhiệm xã hội”. Cũng cần nhấn mạnh rằng, nếu giữa doanh nghiệp và ngân hàng không tìm được “tiếng nói chung”, không trở thành “bạn đồng hành” đúng nghĩa, thì điều đó không chỉ là nguy cơ cho riêng họ mà còn là thảm họa chung cho cả nền kinh tế.

Thiết nghĩ đây là một trong những ẩn số lớn nhất của năm 2011 cần sớm được mổ xẻ, phân tích và giải quyết. Và có lẽ, trách nhiệm trước hết thuộc bản thân mỗi doanh nghiệp/ngân hàng thương mại cùng với vai trò chủ trì không thể thoái thác của Ngân hàng Nhà nước.