Trang chủ » Tranh luận » Phản biện “ngọn cờ nhân văn” của ông chủ Trung Nguyên

Phản biện “ngọn cờ nhân văn” của ông chủ Trung Nguyên

Tác giả:

LTS: Tại cuộc bàn tròn hôm 5/1, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên và ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã có những trao đổi thú vị về tầm nhìn 2011, làm thế nào để Việt Nam phồn vinh bên cạnh cái bóng Trung Quốc và những bài học thú vị về sự thành công của thương hiệu cà phê Trung Nguyên.

Sau khi đăng tải toàn bộ nội dung cuộc bàn tròn, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình, phản biện của độc giả xung quanh những chia sẻ của các vị khách mời tham dự cuộc bàn tròn.

Hầu hết ý kiến khen các vị khách mời đã nói trúng, nói đúng những vấn đề đang được dư luận quan tâm. Đặc biệt cách nói thẳng thắn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã khiến nhiều bạn đọc xúc động.

“Sự chia sẻ của anh Vũ là rất bổ ích cho độc giả. Tôi nghĩ nếu người Việt Nam mình không ủng hộ người Việt Nam mình thì làm sao chúng ta lớn lên được, làm sao dám đi ra ngoài nói được. Anh Vũ nói có vẻ mang nhiều tính hàn lâm trong nội dung, điều đó chứng tỏ anh cũng đã phải học tập và nghiên cứu rất nhiều và rất sâu. Có thể có cách nói khác đi, nhưng nói thẳng cho nó đỡ mất thời gian”, bạn đọc Nguyenhoanghn chia sẻ rất mộc mạc.

Hay như bạn đọc Sir N Coffee: Tôi rất thích ông Vũ khi dám tự tin tuyên bố “Chúng tôi là người số 1”. Đó không phải là cách mà những người “chém gió” thường hay dám nói. Tôi mong một ngày khi đặt chân đến Trung Quốc, đến Mỹ, đến Pháp, Thụy Sỹ… cà phê Trung Nguyên sẽ được nhắc tới với một sự trìu mến và tin yêu. Trung Nguyên là một “lovemark” trong tôi.

Tuy nhiên, bên cạnh những sự đồng cảm còn có một số bình luận chưa hài lòng, nhưng từ đây cũng cho thấy nhiều điều đáng lưu ý. Dưới đây, chúng tôi xin trích đăng một phần bức thư dài của độc giả Thiên Lý từ địa chỉ thienly@… về trao đổi của ông Đặng Lê Nguyên Vũ xung quanh “ngọn cờ nhân văn”.

Những ý kiến này không thể hiện quan điểm của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam. Mọi trao đổi với bạn đọc Thiên Lý, xin mời gửi về hòm thư [email protected] hoặc tham gia tranh luận trực tiếp ở cuối bài.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại cuộc bàn tròn sáng 5/1 – Ảnh: Lê Anh Dũng.

Trong cuộc bàn tròn sáng 5/1, ông Vũ có nói: “Phải tìm ra con đường khác biệt với Trung Quốc, mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam phải khác biệt với Trung Quốc. Khẩu hiệu thi đua, ở đây là đua mềm, đua về sự hoà bình, phồn thịnh chung chứ không phải đua theo nghĩa là “cứng” về quân sự hay cái này cái kia để kiềm chế “tuyến đầu”. Cố tránh, cố tránh bằng mọi kiểu”.

Theo ông Vũ, “Việt Nam nên trở thành một mô hình, ngọn cờ nhân văn, và cũng cần trở thành một mô hình phát triển bền vững của thế giới”.

Tuy nhiên, theo bạn đọc Thiên Lý, phát triển với Trung Quốc chỉ là “đua tranh chứ không đối đầu” phải chăng nghĩa là chỉ phát triển “mềm” về kinh tế, chứ không phát triển “cứng” về quân sự. “Đó có phải là ngọn cờ nhân văn mà ông thường hay đề cập hay không? Nếu chúng ta thực hiện theo như lời ông nói thì đất nước chúng ta không cần thiết có một nền quốc phòng hùng mạnh phải không?”, bạn đọc Lý đặt câu hỏi.

Về câu chuyện phát triển cà phê sang Trung Quốc, theo bạn đọc này, thị trường Trung Quốc là một miền đất hứa nhưng cũng là một nơi cạnh tranh vô cùng khốc liệt với chính những người bản địa vì chính sách bảo hộ và ưu đãi của chính phủ dành cho họ, ngoại trừ nguồn cầu của họ vô cùng to tát và sản phẩm của mình có một bản sắc riêng nào đó mà người bản địa không kham nổi thì mới tới mình.

Người Trung Quốc không bao giờ dễ dàng để thị trường mất vào tay người khác. Bên cạnh đó, còn có những đối thủ truyền thống khác đã có mặt ở Trung Quốc trước café Trung Nguyên và họ không dễ dàng để Trung Nguyên “lật đổ” họ.

Từ góc nhìn đó, bạn đọc Lý cho rằng, “ông có lạc quan và chủ quan quá không khi nghĩ rằng 1 tỷ 3 người Trung Quốc sẽ bỏ tiền ra mua sản phẩm của ông? Tại sao ông không tính rằng, chỉ cần một phần tư người Trung Quốc bỏ ra 3 USD/tháng để uống cafe của ông, là ông đã có thể kiếm được khoảng 1 tỷ USD/tháng?”.

Từ câu chuyện này, bạn đọc Lý đặt tiếp vấn đề về biện pháp giảm bớt nhập siêu, “ông kêu gọi các doanh nghiệp hãy làm theo ông để giảm bớt bị nhập siêu từ Trung Quốc, ông có tin rằng tất cả hàng hóa của Việt Nam có thể cạnh tranh được với Trung Quốc hay không trong khi hầu như đa số máy móc thiết bị cũng như nguyên vật liệu, điện năng,… đều được mua từ Trung Quốc về, nếu không của Trung Quốc thì của nước khác, trong khi người Trung Quốc xài hàng của họ, tài nguyên thiên nhiên của họ, bên cạnh đó họ lại còn nhận được sự ủng hộ tạo điều kiện tốt nhất  từ chính phủ để cạnh tranh với đối thủ đến từ bên ngoài?”.

“Ông có được ưu thế là vì sản phẩm của ông được sản xuất tại trong nước, là một trong những đặc sản của quốc qia mà không phải bất cứ vùng miền nào cũng có được. Và theo như ông đã nói, vì công ty của ông sinh sau đẻ muộn cho nên ông đã làm chủ được công nghệ số một và chắc là công nghệ này không đến từ Trung Quốc. Cho nên theo tôi, ông có vẻ chủ quan và lạc quan về nền kinh tế khi nghĩ rằng sẽ dễ dàng xuất được hàng sang Trung Quốc và cân bằng cán cân thanh toán mà không nghĩ đến vấn đề nội tại của nó là nằm ở đâu”.

Theo bạn đọc này, “vấn đề ở đây là chúng ta hãy thôi đi nền sản xuất ăn xổi ở thì của mấy chục năm về trước, chỉ biết nhập máy móc thiết bị vừa cũ, vừa rẻ, nguyên vật liệu có sẵn về để tạo ra đồng tiền nhanh hầu vực dậy nền kinh tế còn non yếu lúc đó. Hãy ngưng đi việc xuất khẩu nguyên vật thô ra ngoài mà hãy dùng nó cho sản xuất trong nước thay vì xuất thô nhập tinh”.

“Chúng ta hãy tự mình tạo ra cho mình những máy móc, những thiết bị từ đơn giản nhất cho đến phức tạp nhất để không còn phải lệ thuộc vào chuyện nhập khẩu từ Trung Quốc nữa, thì lúc đó chúng ta mới có thể nói rằng, chúng ta đã thoát ra từ cái bóng của Trung Quốc. Chúng ta đã quá quen vào sự ỷ lại của chuyện nhập khẩu vì nghĩ rằng vừa tiện lợi sử dụng công nghệ của người khác một cách dễ dàng, vừa lấy lãi nhanh chóng, vừa đở mất thời gian và tâm huyết nghiên cứu”.

“Chúng ta đã bỏ qua một giai đoạn vô cùng tối quan trọng và một thời gian rất dài mà tất cả các nước cường quốc công nghệ trên thế giới đều làm và trải qua, đó là không ngừng đầu tư tiền bạc và tâm huyết cho những phát minh máy móc, trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến để đáp ứng cho nhu cầu ngày càng cao và thiết yếu của xã hội cũng như của toàn nhân loại. Đó là các nước, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Nga, Tây Nan Nha, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Áo, Úc… và sau này là Trung Quốc, Ấn độ, Hàn Quốc… họ đã và đang là những ông chủ của thế giới”.

“Chừng nào Việt Nam chúng ta làm ra được những máy móc, những trang thiết bị tiên tiến, hiện đại Made in Vietnam thì lúc đó chúng ta sẽ là một trong những ông chủ được thế giới biết đến và nể nang. Hãy dùng cái quỹ cho dự án từ thiện đó vào việc canh tân đất nước cho nó thực tế hơn. Đó mới là kiến quốc”.

Theo bạn đọc Thiên Lý, “tại sao ta không có một nền công nghệ chế tạo kỹ thuật cao mà phải luôn đi nhập khẩu từ các nước, nhất là từ Trung Quốc? Thậm chí phải đi nhập từ những máy móc và thiết bị nhỏ bé nhất. Tại sao họ làm được mà Việt Nam không làm được? Tại sao và tại sao?  Đó là lý do tại sao chúng ta cứ loay hoay mãi bên cái bóng của Trung Quốc mà không lớn lên được”.