Trang chủ » Điểm nóng » Quyết liệt đề nghị giá điện theo thị trường

Quyết liệt đề nghị giá điện theo thị trường

Tác giả:

Giá điện quá thấp

Hội nghị tổng kết năm của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) diễn ra hôm 10/1 như một diễn đàn cho các lãnh đạo ngành điện trút bỏ những bức xúc bị dồn nén suốt một năm qua về chuyện giá điện và áp lực cung ứng điện.

Giãi bày bức xúc này, ông Nguyễn Hữu Á, Giám đốc Công ty nhiệt điện Cần Thơ cho biết, năm 2011, 2 nhà máy Ô Môn và Cần Thơ sẽ lo đáp ứng sản lượng khoảng 2 tỷ kWh. Với tình hình giá dầu và tỷ giá đều tăng, mỗi tháng, công ty sẽ cần khoảng vốn tới 2.000 tỷ đồng để duy trì hoạt động. Nhưng đến thời điểm này, công ty vẫn chưa tìm ra được nguồn ứng phó. Năm 2010, nhiệt điện Cần Thơ được tiếng là huy động sản lượng cao nhất từ trước tới nay, nhưng rốt cục, tính ra đã bị lỗ tới 3.000 tỷ đồng.

Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc, ông Nguyễn Phúc Vinh kể, 10 tỉnh phía Bắc đang phải mua điện của Trung Quốc với giá 1.400 đồng/ kWh  nhưng chỉ được phép bán cho các đơn vị phân phối điện với giá 750 đồng/kWh. Như vậy, giá điện bán ra chỉ bằng ½ giá mua vào.

Thủy điện vẫn tiếp tục khó khăn do hạn hán

Không chỉ giá điện bán cho người tiêu dùng bị thấp mà giá truyền tải điện cũng rất thấp so với khu vực.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty Truyền tải điện cho biết, phí truyền tải các nước là 1 cent thì ở Việt Nam, chỉ ở mức 0,32cent/kWh. Tổng công ty đầu tư hạ tầng lưới điện đến 98% số hộ dân nông thôn và kết quả là doanh thu rất thấp, bị lỗ hàng nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, đầu tư cho truyền tải lại rất phức tạp, như giải phóng mặt bằng để xây dựng lưới khó hơn giải phóng mặt bằng cho xây dựng nhà máy, lưới truyền tải điện lại đi qua nhiều địa phương, mỗi vùng có chính sách khác nhau.

Đến nay, Tổng công ty truyền tải điện cũng không còn vốn để đầu tư, mà vay thì không được vì Tổng công ty không có vốn đối ứng, ông Hùng nói.

Phó Tổng giám đốc EVN, ông Dương Quang Thành, cũng cho biết, thiếu vốn đang là một bài toán nan giải của ngành điện trong năm 2011. Khi mà, tập đoàn tiếp tục phải sản xuất và mua điện từ các nguồn có giá cao, trong khi giá bán điện chưa được điều chỉnh, thì đó sẽ là một sức ép rất lớn cho hoạt động tài chính của Tập đoàn.

Giai đoạn năm 2011-2015, EVN cần lên tới 150.000 tỷ đồng, trong khi nợ đã lên tới 46.000 tỷ đồng. Cũng vì thiếu vốn, EVN đang gặp trở ngại trong việc huy động sản lượng các nguồn điện chạy dầu DO, FO giá cao để đáp ứng nhu cầu điện cho năm 2011. Dự kiến năm 2011,  EVN cần tới 54.000 tỷ đồng chạy điện bằng nguồn dầu nhưng phía ngân hàng lại không mặn mà cho vay.

Trước khó khăn nay, ông Vinh đề nghị,  ngân hàng cần cho vay ưu đãi đối với ngành điện. Với tình hình này, nếu giá điện không điều chỉnh theo giá thị trường, các đơn vị ngành điện sẽ không thể cân đối được vốn.

Bị hụt 3 tỷ kWh

Giá điện là bài toán căn cơ nhất để giải quyết lâu dài cơn khốn khó của ngành điện. Song trong năm 2011, dù chưa biết giá điện sẽ được điều chỉnh tăng lên bao nhiêu, nhưng một mối lo lớn nhất đã dần hiện hữu rõ nét. Đó là thiếu điện có thể còn trầm trọng hơn cả năm nay.

Năm 2011, tổng sản lượng của cả hệ thống dự báo là 117,6 tỷ kWh, tăng trưởng 17,63% so với năm 2010. Sản lượng điện 6 tháng mùa khô năm 2011 dự kiến 56,14 tỷ kWh, tăng 18,3% (tăng 8,69 tỷ kWh) so với mùa khô 2010.

Giá bán điện bình quân năm 2010 thực tế đã đạt 1.060,63 đ/kWh, cao hơn 2,93 đ/kWh so với phê duyệt. Các đơn vị có giá bán bình quân cao là TCTĐL TP Hồ Chí Minh đạt 1.289,4 đ/kWh (tăng 96,46 đ/kWh so với năm 2009), TCTĐL TP Hà Nội đạt 1.182,3 đ/kWh (tăng 111,23 đ/kWh so với năm 2009). Tổng doanh thu bán điện đạt 90.877 tỷ đồng, tăng 21,5% so với năm 2009.

Xác nhận điều nay, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình cho biết, mực nước hồ Hòa Bình đầu năm chỉ đạt 107m, thấp hơn mực nước dâng bình thường tới 16m. Sau khi xả nước 2 đợt, lượng nước trong hồ để sản xuất điện trong 6 tháng đầu năm nay sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Nói về tình trạng nguồn thủy điện, Tổng Giám đốc EVN, ông Phạm Lê Thanh, liệt kê, hồ Thác Bà, Tuyên Quang rất thấp, thủy điện Trị An còn cách mực nước chết 4m, tương tự hồ Hàm Thuận cũng cách mực nước chết chỉ vài mét. Nhà máy nước Hóa An thì đang phải lo vừa đẩy mặn vừa lo tưới tiêu.

Năm 2011, EVN phải lo sản lượng điện là 112,6 tỷ kWh nhưng bên cạnh đó, các hồ sẽ phải lo phục vụ tưới tiêu cho 627 nghìn ha đất trồng của khu vực Bắc Bộ. Do đó, sau khi xả đổ ải xong, các hồ thủy điện ở miền Bắc sẽ về mực nước chết và sẽ thiếu công suất.

Trong điều kiện thiếu nước các hồ thủy điện như vậy, nếu các nguồn nhiệt điện, tua bin khí, nhất là các nhà máy nhiệt điện than mới bị sự cố hoặc vận hành không ổn định thì tình hình cung ứng điện các tháng mùa khô 2011 sẽ căng thẳng hơn. Đến ngày 31/12/2010, theo thống kê của EVN, tổng lượng nước thiếu để tích đầy các hồ thủy điện lên tới 12 tỷ m3, tương đương sản lượng thủy điện thiếu hụt sẽ là khoảng 3 tỷ kWh.

“Tập đoàn sẽ phải đầu tư với tổng số tiền 65,8 nghìn tỷ đồng và đưa vào vận hành 11 tổ máy với tổng công suất 2.189 MW trong năm nay. Nếu không làm được như vậy, những năm 2014-2015 sẽ vào giai đoạn thiếu điện trầm trọng nữa”, Tổng giám đốc Thanh nhấn mạnh.

Nhận định về đợt cắt điện, thiếu điện năm 2010, ông Thanh thừa nhận, việc chia sẻ thông tin thiếu điện ở các địa phương hiện chưa làm tốt. Do đó, để ứng phó cho bối cảnh xảy ra thiếu điện, cần có hội đồng phân phối điện do Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch và mời Sở Công Thương và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát.

Giải pháp hiện nay của EVN là phải tăng cường mua điện của Trung Quốc với sản lượng cao hơn. Bên cạnh đó, còn phải vận động tiết kiệm điện trong toàn dân và trong cộng đồng các doanh nghiệp. Như ông Thanh nói, chỉ cần ngành xi măng, thép tiết kiệm khoảng 30% sản lượng điện thì hiệu quả rất lớn, hơn cả việc vận động tiết kiệm, tiết giảm của các ngành kinh tế khác.

Trước các khó khăn trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Vũ Huy Hoàng bày tỏ, nếu phải chọn giữa điện và nông nghiệp thì ngành điện phải hy sinh. Điện là một trong số các mặt hàng thiết yếu nên cần cần phải bình ổn.

Bộ trưởng Hoàng cũng hứa, sẽ sớm trình đề án giá điện của EVN lên Chính phủ để xem xét.