Trang chủ » Kinh tế 24h » Nông dân rao hàng Tết qua mạng

Nông dân rao hàng Tết qua mạng

Tác giả:

Tại các trang rao vặt trực tuyến, khá nhiều nhà vườn đang tham gia rao bán mai, hoa kiểng, cả gà ta cúng Tết.

Mai kiểng, gà ta… lên mạng

Ông Năm Thuận (Nguyễn Văn Thuận), chủ vườn mai phường Hiệp Bình Phước (Thủ Đức, TP HCM), cho biết, dù luôn “đầu tắt mặt tối” với vườn tược, làm gì biết đến vi tính, Internet. Nhưng hơn một năm trước, cũng dịp cận Tết, mấy sinh viên trọ học gần nhà thấy mai trong vườn ông đẹp, chụp ảnh đưa lên mạng rao bán, kèm số điện thoại của ông. Ngay hôm sau, đã có khách gọi điện đặt mua. Thích thú với hình thức mua bán này, năm nay, ông Năm chính thức lên mạng giới thiệu mai Tết.

Tại một số website về mua bán, rao vặt các sản phẩm nông nghiệp, nhiều chủ vườn còn rao bán cả gà, rượu nếp, cá chép, đồ cúng dịp năm mới.

“Dễ mà hay”, là nhận xét của những chủ vườn tìm được khách hàng qua mạng. Tuy nhiên, không phải chủ vườn nào cũng thuận lợi, nhất là với người mới làm quen hình thức mua bán này. Không ít tình huống “cười ra nước mắt”, vì chủ hàng “hai lúa” chưa có kinh nghiệm, thông tin rao bán quá vắn tắt, khiến khách mua hàng trực tuyến phản ứng.

Như một chủ vườn mai tại quận 9 (TP.HCM) rao bán 300 chậu mai kiểng Tết, mà thông tin chỉ vài dòng: “Mai đủ cỡ, già cả lớn bé ACE (anh chị em) nào có nhu cầu, xin đến vườn tham quan, địa chỉ….

Hỏi vườn kiểng ông Ng., đt…”, ngay lập tức, một khách hàng phản hồi khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Bán cây cảnh mà không có hình ảnh là 99% không ai quan tâm. Nó ko phải mặt hàng quý đến mức chưa thấy xấu đẹp ra sao đã tìm đến xem”.

Một số người có vẻ kinh nghiệm hơn, khi thu hút khách hàng bằng cách trưng (show) sản phẩm lên mạng, rồi mới chào giá, phương thức giao dịch rõ ràng phía dưới. Tuy nhiên, nhiều thông tin kiểu câu khách của những chủ hàng biết công nghệ này đôi khi lại gây “sốc” cho khách mua hàng online.

Mới chủ, cũ khách

Mua bán trực tuyến với nhiều nhà vườn vẫn là hình thức mới, nhưng với khách hàng ở đô thị thì không lạ. Nhiều khách hàng tỏ ra thích thú khi giao dịch qua mạng, rồi mới đến mua trực tiếp tại vườn.

Trên một diễn đàn về mua bán cá nhân, một khách hàng tên Hải, nhân viên kỹ thuật của một công ty thiết bị máy tính tại quận Phú Nhuận, chia sẻ, từ Tết năm ngoái, nghe thông tin xuất hiện cây kiểng giả, kiểng độ giống như thật, nên anh vào các trang rao vặt nông sản tìm kiếm. Vô tình tìm được những cây mai thế, dáng đẹp, hoa nhiều, giá lại rẻ chỉ bằng 2/3 so với những cây cùng cỡ bày bán tại các chợ hoa. Vậy là anh cùng đồng nghiệp tới vườn mai Thủ Đức mua ngay. Anh còn  “chỉ điểm” cho bạn bè, người thân xuống vườn tha hồ chọn mua.

Theo đánh giá của một số khách hàng trực tuyến, mua sản phẩm nông sản, nên tìm những mục rao của chủ vườn, vì chủ vườn được đánh giá “thật như đếm”. Trong khi đó, chủ vườn lại khá bất ngờ vì kết quả thu được từ cách bán hàng này. Ông Võ Trung Thành (Châu Thành, Hậu Giang), đến giờ vẫn không hiểu vì sao thương hiệu bưởi hồ lô của mình lại “bay nhanh và xa” đến vậy.

Ông kể, mới vụ đầu đưa bưởi ra thị trường, ông đã nhận được thư một người bạn bên Australia gửi về, kèm những bài báo viết về bưởi hồ lô của ông. Giờ hằng năm, bắt đầu từ tháng 7 – 8, ông đã liên tục nhận đơn đặt hàng qua điện thoại từ khách TP HCM, Hà Nội… “Nhờ thông tin trực tuyến, tôi mới biết giá bưởi hồ lô ra khỏi vườn mình là tăng gấp 2 – 3 lần. Từ tết này, tôi đổi hình thức mua bán. Thay vì bán cho một đơn vị phân phối, tôi bán cho bất cứ khách hàng nào có nhu cầu, tránh độc quyền, đẩy giá cao”, ông Trung nói.