Trang chủ » Điểm nóng » Doanh nghiệp xoay trần với lương tối thiểu mới

Doanh nghiệp xoay trần với lương tối thiểu mới

Tác giả:

Công nhân trông chờ

Biết được sẽ tăng lương tối thiểu nên hầu hết người lao động đều chờ đợi cho đến hết tháng 1. Liêm, một công nhân làm tại một công ty cơ khí ở Gò Vấp, TP.HCM, cho biết anh đang mong khoản thưởng Tết và lương tháng 1 trước khi về quê nhà tại Ninh Bình để ăn Tết.

“Năm nay, công ty làm ăn không khấm khá lắm nên có thêm vài trăm ngàn nhờ tăng lương cũng đã hạnh phúc lắm”, Liêm chia sẻ. Tuy vậy, cho tới giờ, Liêm cũng không biết công ty có tăng lương như quy định của Nhà nước không.

Cũng trông chờ, nhưng có phần lo lắng, chị Hằng, công nhân một công ty chế biến thủy sản xuất khẩu ở quận Tân Phú, TP.HCM, cho biết năm 2010, công ty đã không tăng lương cho người lao động. Lý do đưa ra là mức lương công ty trả đã cao hơn lương tối thiểu nên không phải tăng nữa.

“Tuy vậy, mới đây, phòng tổ chức – lao động – tiền lương của công ty đã đọc thông báo về việc tăng lương tối thiểu nên hy vọng công ty cũng sẽ điều chỉnh lương cho công nhân”, chị Hằng nói thêm.

Sự lo lắng của chị Hằng là có cơ sở. Mới gần đây, Liên đoàn Lao động huyện Củ Chi, TP.HCM trong công văn báo cáo tình hình điều chỉnh lương tối thiểu gửi Huyện ủy, UBND huyện Củ Chi đã đề nghị Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo cơ quan quản lý lao động kiểm tra việc điều chỉnh lương nhằm ngăn ngừa tình huống xấu có thể xảy ra trong thời điểm cận Tết.

Tại Củ Chi, tới thời điểm này, mới chỉ có 25/174 doanh nghiệp điều chỉnh lương tối thiểu cho người lao động, thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp còn không áp dụng mức lương bậc 1 cho lao động đã qua đào tạo (cao hơn 7% so với lương tối thiểu). Điều này khiến người lao động bị thiệt thòi.

Không phải chỉ riêng Củ Chi mới có doanh nghiệp chưa điều chỉnh lương tối thiểu cho người lao động. Theo ông Trương Lâm Danh, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, hiện tại nhiều doanh nghiệp cũng chưa thực hiện việc này. Và “Liên đoàn Lao động đang chỉ đạo các quận, huyện phải giám sát chặt chẽ việc tăng lương cho người lao động, tránh để xảy ra đình công khi cận Tết”.

Ông Danh cũng cho biết, chỉ trong nửa tháng trở lại đây, đã có năm cuộc đình công liên quan đến lương, thưởng… Tính cả năm 2010, TPHCM xảy ra khoảng 70 cuộc đình công, tăng nhẹ so với năm 2009.

Với mức lương tối thiểu cao nhất dành cho khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 1,55 triệu đồng/tháng, ông Nguyễn Tấn Định, Phó ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA), cho rằng mức lương này khá thấp, nhất là tại TP.HCM, nơi có giá sinh hoạt cao hơn nhiều thành phố khác, và tốc độ tăng giá cũng rất nhanh. Vì vậy đời sống công nhân luôn rơi vào tình trạng khó khăn và khó tái tạo sức lao động.

“Đây là điều mà Bộ LĐ-TB&XH nên cân nhắc khi đưa ra phương án lương tối thiểu để mức lương vùng quy định sát với thực tế”.

Thêm vào đó, trên thực tế, mức chênh lệch hiện nay giữa lương tối thiểu và lương thực tế đang tạo tiền lệ là doanh nghiệp trả lương thấp để đóng bảo hiểm xã hội không nhiều nhưng đẻ ra thêm các loại phụ cấp như phụ cấp chuyên cần, phụ cấp thâm niên để thu hút lao động. Điều này gây thiệt thòi cho người lao động khi về hưu, vì lương hưu sẽ tính dựa trên mức lương đóng bảo hiểm xã hội mà doanh nghiệp tính dựa trên lương tối thiểu để đóng cho người lao động.

Doanh nghiệp khó

Khi lạm phát đang là gánh nặng, giá nguyên phụ liệu nhập khẩu ngày càng cao, giá xăng dầu không ở yên một chỗ, lãi suất như khối bê tông nặng nề cứ chực ập xuống đầu, thì tăng lương tối thiểu như giọt nước làm tràn ly lo lắng của doanh nghiệp.

Vì vậy, ông Danh cho rằng doanh nghiệp cũng sẽ rất khó khăn với việc tăng lương tối thiểu khi mà năm qua và ngay cả trong những tháng sắp tới họ phải giải quyết hàng loạt những vấn đề đau đầu, từ lãi suất, tỷ giá…

Một doanh nghiệp dệt may ở khu công nghiệp Tân Bình giải thích, không phải doanh nghiệp không muốn tăng lương cho người lao động. Kỳ thực, mức lương hiện tại trả cho lao động cũng đã vượt qua mức lương tối thiểu khá nhiều. Trong khi đó, đơn giá gia công chưa thể tăng, quỹ lương cũng đã tính rất sát sao nên chuyện tăng lương không dễ thực hiện.

Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Phạm Xuân Hồng, khi tăng lương tối thiểu thì các khoản liên quan như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cũng tăng theo và bài toán chi phí đối với doanh nghiệp trở nên khó giải hơn. “Để có được lao động trong thời điểm hiện nay không dễ, vì vậy đa phần công ty đã làm hết sức có thể để mang lại thu nhập tốt cho người lao động, với mục đích giữ người. Vậy nên, việc tăng lương là một điều quá sức với doanh nghiệp”, ông Hồng nói thêm.

Cơ quan lao động cũng băn khoăn

Trong một lần trò chuyện, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết mặc dù rất muốn tăng lương để bảo đảm cuộc sống cho người lao động, nhưng về bản chất, lương là sự thỏa thuận giữa hai bên, người lao động và người sử dụng lao động. Còn Nhà nước phải cân bằng giữa hai nhóm lợi ích này để đưa ra quyết định. Nếu tăng lương quá cao thì các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài sẽ phản ứng vì làm tăng chi phí, nhiều doanh nghiệp sẽ không đầu tư vào Việt Nam, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư nước ngoài. Còn nếu tăng ít thì người lao động sẽ thiệt thòi.

Trong khi đó, giải thích cụ thể hơn, bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương, Bộ LĐ-TB&XH, cho biết để tính mức lương tối thiểu, Bộ dựa trên sự gia tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tốc độ tăng trưởng GDP, mức độ tăng lương chung của thị trường, khả năng thu hút đầu tư nước ngoài.

Riêng về CPI, Bộ chú trọng nhiều vào việc tăng giá của các mặt hàng thiết yếu, như lương thực thực phẩm, y tế, phương tiện đi lại… để mức lương tối thiểu khi xây dựng xong phải đáp ứng nhu cầu sống của người lao động.

Bà Minh lưu ý là mức lương tối thiểu chỉ là lưới bảo vệ cho lao động yếu thế, tức lao động không có tay nghề, làm các công việc giản đơn, trong điều kiện ổn định, chứ hoàn toàn không phải cơ sở để doanh nghiệp dựa vào đó trả lương cho người lao động đã được đào tạo.

Theo bà Minh, tại nhiều tỉnh, thành lớn, nếu trả lương bằng với mức lương tối thiểu như trên sẽ khiến người lao động gặp khó khăn. Nhưng trên thực tế, trong thang, bảng lương có rất ít lao động phải nhận đúng lương tối thiểu, mà doanh nghiệp thường trả cao hơn. Nếu tăng lương cho lao động có mức thấp nhất thì mức lương của các lao động còn lại cũng sẽ phải tăng theo thang lương. Điều này sẽ giúp mặt bằng lương của người lao động tăng cao hơn.

Tuy vậy, theo bà Minh, trong bối cảnh có nhiều yếu tố không thuận lợi đang tác động đến doanh nghiệp như lạm phát, tỷ giá, lãi suất thì tăng lương tối thiểu cũng sẽ tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp lớn, có số lượng lao động lên đến vài chục ngàn thì việc tăng lương là cả vấn đề. Đó cũng là lý do vì sao bộ lại không thể đưa ra mức tăng cao hơn trong năm 2011.

(Theo TBKTSG)