Trang chủ » Kinh tế 24h » Chen chúc sắm sửa hàng hiệu biếu người âm

Chen chúc sắm sửa hàng hiệu biếu người âm

Tác giả:

Tiền triệu vào hàng mã

Đốt vàng mã ngày ông Công ông Táo là phong tục của không ít người dân  thành phố từ nhiều năm nay và dường như đang có chiều hướng gia tăng.

Tại các chợ lớn Đồng Xuân, đến chợ Kim Liên, Bạch Mai đồ vàng mã được bày bán phong phú với giá từ vài nghìn đến vài trăm nghìn đồng. Cá chép vàng, mũ áo, đôi hia xếp thành từng cột.  Nhiều cửa hàng còn mời chào bằng những lời mật ngọt “năm mới thay nhà, thay phương tiện cho ông Táo”. Theo đó, quảng cáo ô tô từ 50 nghìn đến 100 nghìn, cặp ngựa giấy 90.000 đồng, quần áo, mũ nón khác giá từ 10 nghìn trở lên…

Theo một chủ cửa hàng bán vàng mã ở chợ Kim Liên, đồ hàng mã làm bằng bìa carton được chuộng hơn đồ làm bằng xốp do quá trình đốt không gây mùi khét. Ngày ông Công ông Táo, hàng bán chạy vẫn là giày bóng, xe đẹp. Để có trọn bộ đồ vàng mã giá từ vài trăm đến cả triệu đồng. Nhiều người quan niệm, càng gửi nhiều thì Táo quân càng “bay” nhanh.

Có cầu ắt có cung, dịch vụ này nảy sinh dịch vụ khác. Ngay cả trong thời điểm kinh tế còn nhiều khủng hoảng, thị trường vàng mã vẫn không kém sôi động. Năm nào cũng như năm nào, đến hẹn lại lên, người dân sốt sắng sắm lễ cũng bái trước cả tháng trời. Phố Hàng Mã treo đủ loại mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán. Tiền vàng, quần áo,xe máy, xe hơi giấy…

Nhiều làng nghề truyền thống gồng mình sản xuất nhưng cũng không đáp ứng được thị trường. Máy bay, ô tô, xe đẹp, nhà đẹp… những sản phẩm ở thế giới âm không khác gì hàng thật. Bộ đồ Táo quân giấy giá 35.000 đồng/bộ tăng 5.000 đồng, bộ đồ Thần đất giá 5.000 đồng… Dịp tết, cả hàng vàng mã cũng tăng giá, trung bình nếu sắm đủ bộ lễ cho ngày ông Công ông Táo, và lễ Giao thừa, gia đình trung bình thì mất tiền trăm, khá giả thì tiền triệu.

Chủ cửa cửa hàng số 77 phố Hàng Mã cho biết: “Mấy ngày nữa là Tết ông Công, ông Táo, ai cũng đi sắm lễ. Hàng phải đặt trước cả tháng còn không đủ, huống hồ là Tết, giá gì cũng tăng, vàng mã cần nhiều, càng tăng mạnh”.

Biến tướng mạnh mẽ

Trái lại với sự sùng tín của một bộ phận nhân dân, các vị sư và các chuyên gia xã hội học đều cho rằng, việc đốt vàng mã chỉ là tập tục du nhập từ Trung Quốc, hiện không có căn cứ gì để khẳng định người trời, hay người âm có thể nhận được. Việc đốt vàng mã đang ngày càng biến tướng mạnh.

Theo tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, thực chất mọi việc đều có cung cầu của riêng nó. Ngoài việc giấy, vàng mã, việc xuất hiện ô tô, thậm chí cả máy bay; không chỉ một làng sản xuất đồ mã mà nhiều vùng cùng tham gia sản xuất đã đẩy việc đốt vàng mã vượt ra khỏi giá trị thực – tín.

Để hạn chế tình trạng lãng phí tiền vào việc đốt vàng mã, trước đó ngày 12-7-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2010/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa. Quy định mức phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng đối với hành vi đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử – văn hoá, nơi công cộng khác. Thế nhưng, kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, việc đốt vàng mã vẫn không hề giảm, không nói còn có phần gia tăng.