Trang chủ » Thế giới » Viễn thông Việt Nam đã sánh vai những người khổng lồ

Viễn thông Việt Nam đã sánh vai những người khổng lồ

Tác giả:

Kể từ sau chính sách đổi mới của Đảng, đặc biệt là trong những năm 1990, có thể nói ngành bưu chính, viễn thông Việt Nam đã rất thành công trong việc dùng con đường hợp tác quốc tế (HTQT) để “lấy ngoài nuôi trong”, chuyển đổi công nghệ, tạo nguồn vốn, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ.

Những điểm nhấn hội nhập

Trong những năm qua, hoạt động HTQT của ngành Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã được triển khai đồng bộ và chủ động trong tổng quan phát triển chung của ngành. Định hướng và chính sách hoạt động HTQT phù hợp với từng thời kỳ phát triển.

Trong giai đoạn 1986-2010, ngành đã vận dụng sáng tạo và thành công đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng. Quan hệ hợp tác đa dạng với các nước, tham gia các tổ chức quốc tế chuyên ngành và kinh tế quốc tế đã được phát triển và khai thác như là đòn bẩy thúc đẩy sự đổi mới và phát triển của ngành.

Mục tiêu số hoá và mở rộng mạng lưới giai đoạn 1990-2000 đòi hỏi nhu cầu vốn rất lớn, đặc biệt là vốn ngoại tệ. Hình thức Hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC trong xây dựng và khai thác mạng lưới và dịch vụ đã mang lại một tỷ USD đầu tư vào mạng lưới, trong khi Việt Nam vẫn nắm quyền kiểm soát, đảm bảo nguyên tắc giữ vững chủ quyền và an ninh quốc gia, đảm bảo sự phát triển cân đối giữa thành thị và nông thôn.

Việc tích cực tham gia nhiều tổ chức quốc tế chuyên ngành như UPU, APPU, APT, ITU, Intersputnik, Intelsat, APCERT… đã tạo điều kiện để Việt Nam hội nhập toàn diện, từ công nghệ, dịch vụ, tiêu chuẩn, chính sách đến mô hình quản lý. Từ 1996, Việt Nam đã 3 lần liên tiếp trúng cử vào Hội đồng Điều hành của ITU và từ năm 2000 trúng cử 2 lần liên tiếp vào Hội đồng Quản trị của UPU.

Để giữ vững chủ quyền, đảm bảo quyền lợi quốc gia và dân tộc khi mở cửa thị trường, việc chiếm lĩnh trước thị trường trong nước là hết sức cần thiết. Với nhận thức này, ngay từ năm 2001 ngành Bưu chính viễn thông (BC-VT) đã đi theo định hướng thúc đẩy môi trường cạnh tranh, “tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia các hoạt động dịch vụ bưu chính, viễn thông, Internet trong mối quan hệ giữ vững vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước”.

Kết quả là BCVT và công nghệ thông tin của Việt Nam đã trở thành một thị trường cạnh tranh với nhiều thành phấn kinh tế. Độc quyền doanh nghiệp và độc quyền dịch vụ đã được xóa bỏ. Cạnh tranh đã thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước nâng cao hiệu quả SX-KD và đem lại nhiều lợi ích cho xã hội. Viễn thông và Internet đã trở nên không thể thiếu được trong các hoạt động kinh tế-xã hội.

Đổi mới tư duy và phương thức quản lý Nhà nước là “điểm nhấn” tiếp theo trong hội nhập kinh tế quốc tế của ngành. Nhiều văn bản quan trọng thời gian qua đã được xây dựng với tư duy phát triển đến đâu quản lý đến đó và năng lực quản lý phải theo kịp sự phát triển. Tư duy quản lý được đến đâu thì cho phát triển đến đó đã được giảm thiểu.

Đứng vững ở thị trường trong nước và vươn ra thị trường nước ngoài là một chủ trương mạnh dạn và sáng suốt. Doanh nghiệp chủ động tìm kiếm cơ hội kinh doanh, cơ quan quản lý Nhà nước đồng hành, hậu thuẫn. Nhà nước và doanh nghiệp ngày càng kết hợp chặt chẽ để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư.

Thời cơ và thách thức

Bà Quản Duy Ngân Hà, Vụ trưởng Vụ HTQT, Bộ TT-TT nói: Trong thời đại mới, công tác HTQT nói chung và của ngành TT-TT nói riêng phải đối mặt với những thách thức bắt nguồn từ xu thế hội nhập thương mại toàn cầu.

Kể từ khi gia nhập WTO, Việt Nam đã trở thành một đối tác kinh tế tiềm năng của nhiều nước và khu vực trên thế giới với việc tham gia ngày càng nhiều các khuôn khổ hợp tác kinh tế như các hiệp định đầu tư và dịch vụ song phương, trong khu vực ASEAN… và đặc biệt tới đây là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – một hiệp định mà luật chơi chỉ đưa ra với những chủ thể có hệ thống pháp luật đầy đủ, chặt chẽ, minh bạch theo đúng nguyên tắc “được làm những gì pháp luật không cấm”.

Các cuộc đàm phán kinh tế quốc tế đang diễn ra đã cho thấy một số yêu cầu mới mà việc đáp ứng đòi hỏi sự hội nhập toàn diện và sâu sắc hơn, và do vậy, cũng đặt ra cho Bộ yêu cầu về công tác quản lý ở tầm nhìn bao quát hơn, xa hơn trước những xu hướng phát triển của môi trường quản lý, công nghệ, thị trường…

Như một xu hướng chung của giai đoạn hội nhập hiện nay, các thỏa thuận thương mại/đầu tư đều đi theo hướng tiếp cận mới và khác biệt so với cách tiếp cận của đàm phán WTO. Điều này gây nhiều khó khăn cho các nước đang phát triển trong quá trình tham gia đàm phán vì hệ thống pháp luật đang trong quá trình hoàn thiện.

Cùng với sự thay đổi về cách tiếp cận, nhiều yêu cầu mới cho các bên tham gia cũng đã được đặt ra, không chỉ giới hạn ở các yêu cầu mở cửa thị trường, xoá bỏ hàng rào thuế quan hay các rào cản kỹ thuật,…mà còn mở rộng sang các vấn đề khác như các vấn đề về cạnh tranh, quy định trong nước, mua sắm chính phủ, bản quyền phần mềm, giao dịch điện tử…

Các cam kết về đầu tư và thương mại sẽ đi theo nguyên tắc doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không hạn chế. Cụ thể là liệt kê tất cả các hạn chế đối với nước ngoài mà một nước muốn duy trì. Ngoài những hạn chế đã được đàm phán, một nước sẽ không có quyền áp dụng các biện pháp hạn chế mới.

Đây là một trong những yếu tố khuyến khích các lực lượng sản xuất, thúc đẩy sự năng động và sáng tạo của doanh nghiệp. Đồng thời, yêu cầu này đòi hỏi Bộ TTTT phải xác định rõ mục tiêu quản lý dài hạn, lợi ích thực sự và lâu dài của ngành và của quốc gia trong lĩnh vực thông tin và truyền thông bất kể sự phát triển của công nghệ, dịch vụ và mô hình kinh doanh.

Bên cạnh đó, các ứng dụng CNTT đa dạng ngày càng phổ cập và các hoạt động kinh tế-xã hội truyền thống diễn ra ngày càng nhiều trên mạng Internet. Ý nghĩa kinh tế thương mại của các hoạt động này ngày càng lớn nên một số nước đi đầu về tự do hóa và có thế mạnh trong lĩnh vực này đã đưa nội dung này vào các cuộc đàm phán đầu tư và thương mại.

Xu thế phát triển của các giao dịch bằng phương thức điện tử là tất yếu. Bên cạnh những lợi ích rõ ràng, chúng ta cũng đã nhận thấy một số mặt trái của phương thức hoạt động này và cần có sự quản lý nhất định.

Tại Hội nghị HTQT vì sự nghiệp phát triển thông tin và truyền thông do Bộ TT-TT tổ chức ngày 21/1 vừa qua, Thứ trưởng Trần Đức Lai nhận định: hoạt động HTQT trong ngành những năm qua đã góp phần tạo tiền đề cho sự phát triển của đất nước; trong giai đoạn tới cần tiếp tục thực hiện đồng thời các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam để nâng cao thương hiệu viễn thông và ICT Việt Nam.

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhắc nhở, hoạt động HTQT trong giai đoạn mới cần hợp tác toàn diện, chủ động để bắt kịp thời đại, đưa ngành và đất nước phát triển nhanh hơn.