Trang chủ » Thế giới » Mon men vào chuỗi giá trị toàn cầu

Mon men vào chuỗi giá trị toàn cầu

Tác giả:

1. Câu chuyện một công ty tí hon của một Việt kiều. Tôi gặp Sơn (Sonny Vũ) năm 2002 khi Sơn về Việt Nam chơi, lúc đó, anh vừa sản xuất được dụng cụ đo đường huyết đơn giản, đang tìm cách kết nối công nghệ mới. Sơn được ban biên tập Sài Gòn Tiếp Thị mời tới nói chuyện với các cộng tác viên của báo. Vì vậy câu chuyện nhỏ này của Sơn nên kể trên Sài Gòn Tiếp Thị Xuân như chuyện một người quen cũ.

Mới đây, vào tháng 9.2010, đọc một trang thông tin mạng về tiến triển của ngành dược thế giới, tôi gặp lại sản phẩm của công ty Sơn đang được giới thiệu tại cuộc triển lãm ngành dược toàn châu Âu, trong gian hàng lộng lẫy của Sanofi-Adventis. Tìm đọc thêm tài liệu, mới biết đó là thành công mới nữa của Sơn sau khi thiết bị phần cứng dùng đo đường huyết nhỏ nhất thế giới iBGStar của công ty anh (công ty Agamatrix) được Apple chấp nhận cho tích hợp vào iPhone, thành một bộ phận nhỏ xíu gắn liền iPhone (và cũng có thể tích hợp luôn với iPad, iPod Touch). Tính toán của Agamatrix là: thị trường dụng cụ đo đường huyết dành cho bệnh nhân tiểu đường trên thế giowiscos doanh số tới 9 tỉ USD, nhưng 25 năm qua, 95% ddaxdo bốn đại công ty chiếm giữ (Roche, J&J, Bayer, Abbott). Vậy muốn đi vào cánh cửa hẹp 5% còn lại, sản phẩm phải mang tính đột phá với công nghệ mới và có nhiều tiện ích đặc sắc, vừa phải có giá bán hấp dẫn và có độ bao phủ đáng kể. Cách giải bài toán này cho ta một ví dụ về cách một công ty tí hon vào thẳng chuỗi giá trị toàn cầu. Hai năm rưỡi thuyết phục Apple, cuối cùng IBGStar với công nghệ wavesense đã tích hợp với điện thoại di động thông minh iPhone lần đầu tiên trên thế giới. Hàng triệu chủ nhân iPhone trên toàn cầu nay có thẻ tiếp cận ngay lập tức IBGStar để nhờ chiếc điện thoại này làm thư ký ghi nhận chỉ số đường huyết hàng ngày, chính xác, chuyên cần để cung cấp thật thuận tiện cho bác sĩ.

Để bán hàng cho khắp thế giới, Sơn đã tính toán tổ chức toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình gắn bó với chuỗi giá trị toàn cầu. Lập công ty ở Mỹ, vốn là nghiên cứu sinh MIT, anh tận dụng nguồn lực các nhà nghiên cứu trẻ Hoa Kỳ để thành lập khâu R&D. Mở nhà máy sản xuất phần cứng ở Trung Quốc, Hàn Quốc. Chào hàng bán sản phẩm ở châu Âu… Tôi nhận ra, qua tiếp xúc nhiều doanh nhân trẻ các nước phát triển, công thức đơn giản khởi nghiệp của họ là khởi đầu bằng ý tưởng kinh doanh đặc sắc, đi chào kế hoạch kinh doanh tìm nhà tài trợ hay đầu tư, tính toán từng khâu với đối tác khắp thế giới sao cho chi phí thấp mà hiệu quả cao nhất và khi nào đạt doanh thu, lợi nhuận tốt nhất thì… bán công ty để bắt tay vào dự án mới. Khi khen họ là sao “vận dụng tốt quá chuỗi giá trị toàn cầu” thì họ tròn xoe mắt, ủa,làm ăn thì đó là chuyện hiển nhiên mà.

Chuyện hiển nhiên ấy, hỡi ơi, lại là chuyện trầy trật ở trong đời sống kinh doanh ở Việt Nam. Bốn năm gia nhập WTO, cuối năm 2010 này, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, nhìn lại tình hình xuất nhập khẩu và thị trường thế giới vẫn đau xót than rằng ta vẫn còn từ vị trí thấp nhất, mon men tìm cách đi vào chuỗi giá trị toàn cầu vì cơ cấu xuất khẩu vẫn không thay đổi bao nhiêu, nặng nguyên liệu thô và mồ hôi lao động, chưa tạo ra giá trị gia tăng và chưa tham gia được tốt hơn chuỗi giá trị toàn cầu. Vì sao?

2. Khi tôi viết bài này thì các trang mạng xã hội và trang tin điện tử vẫn còn nhiều thông tin về Uyên Linh và Vietnam Idol. Tôi chú ý một chi tiết lẩn khuất, đơn vị tổ chức cuộc chơi tưng bừng cả nước đó là BHD và VTV6. BHD là một nhà tổ chức công nghệ giải trí có tầm cỡ ở nhiều loại hình truyền thông, giải trí thu hút nhiều công chúng. Mới đây, Philip Noyce nhận xét kiểu làm phim của Cánh đồng bất tận là rất giống kiểu của Hollywood: chọn một tác phẩm văn học được chú ý, chọn những diễn viên ngôi sao để thu hút nhà đầu tư, công tác tiếp thị chuyên nghiệp và cốt truyện của phim gây xúc động. Nghĩ lại, đó cũng chính là phong cách của BHD. Hai vợ chồng Bích Hạnh – Quang Bình (hai chữ B và H trong ba tên ghép BHD, và chữ D là tên Thảo Đan, con gái họ) là hai người bạn trẻ tôi biết đã gần 20 năm.

Năm 1991, Bích Hạnh còn là một cô sinh viên ốm yếu mà rất linh hoạt và đầy năng lượng đóng vai trò chủ chốt trong trung tâm tìm việc làm cho sinh viên. Gần đây, giới làm ăn bắt đầu chú ý kênh truyền hình FNBC mà BHD chiếm 50% cổ phần. Sau Cánh đồng bất tận, FNBC, Vietnam Idol, tôi hỏi Bích Hạnh và Bình đang tiếp tục gì nữa. Bích Hạnh nhẹ nhàng, về FNBC là của rất nhiều đối tác nên Hạnh không thể nói gì, Cánh đồng bất tận là anh Bình làm cùng với đối tác, còn việc mà BHD muốn làm nhất, việc của công ty Vietmedia, hợp tác giữa BHD và MegaMedia đối tác Singapore, là bán phim Việt Bam qua thị trường Mỹ thì lại chưa có thành quả như mong muốn. Và Bích Hạnh nói về những điều bất cập với lòng mong muốn thiết tha ngày càng có nhiều phim Việt Nam ra thế giới.

Theo quan sát của tôi, trong nhiều năm, BHD đã khôn ngoan đi nhiều bước linh hoạt để khởi động nhiều loại hoạt động mà về thủ tục không đơn giản: hợp tác sản xuất chương trình và phim với đài Truyền hình Việt Nam, đài Truyền hình TP.HCM (hai đài có số người xem đông nhất hiện nay); tổ chức nhiều gameshow lớn trên VTV, HTV; làm phim, xây dựng phim trường chuyên nghiệp tại TP.HCM và mở công ty kinh doanh phim Việt Nam tại Mỹ… Có thể nói cách thu hút những đối tác chuyên nghiệp, những chuyên gia giỏi trong thế giới giải trí, điện ảnh, truyền hình, thu hút vốn, thu hút nhiều công ty đa quốc gia tài trợ cho các chương trình gameshow dài, mở kênh truyền hình chuyên ngành… tức đã đi vào các khâu thiết kế, sản xuất, tiếp thị, phân phối với nguồn lực bốn phương, chứng tỏ BHD đã tiếp cận, vận dụng hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành giải trí và truyền thông.

Với cách nói thận trọng nhưng không thiếu tự tin, Bích Hạnh giải thích tại sao BHD sớm tiếp cận được các nguồn lực và tài nguyên quốc tế; đó là nhờ vào thông tin. Tất cả là nhờ BHD tiếp cận được khá đầy đủ nhiều nguồn thông tin, sống với nhịp biến chuyển từng ngày của thông tin và cảm nhận được các xu hướng mới, các cơ hội và nhu cầu mới, các đòi hỏi đầu tư. Chỉ có nắm được thông tin, sống với dòng chảy cuồn cuộn thông tin, tiếp cận được công nghệ mới thì mới có được cách nhìn mới, cách nhìn khác và lối nghĩ khác. Và cũng từ đó học được cách các nhà chuyên nghiệp tiến hành công việc của  họ. Bích Hạnh vui miệng nêu một ví dụ từ cô con gái Thảo Đan. Cháu mới hơn mười tuổi, một hôm thông báo với mẹ là cháu thích làm đạo diễn phim hoạt hình. Bích Hạnh ngạc nhiên, lý giải, làm phim hoạt hình khó lắm, phải cần hàng trăm họa sĩ cho một phim và nếu mới vào nghề, không dễ huy động lực lượng đó. Thảo Đan nói gọn hơ, không sao đâu mẹ, con lên mạng, con vào Facebook rao cần họa sĩ hoạt hình thì sẽ có hàng ngàn bạn họa sĩ khắp thế giới đăng ký và chúng con sẽ làm việc qua mạng, nhanh lắm mẹ. Bích Hạnh hỏi thêm, vốn đâu con làm – À, thì mình “fund raising” như bố mẹ đang làm vậy đó. Cô bé này đã có những cách nghĩ và dự định làm ăn hoàn toàn bất ngờ, chính là nhờ kết nối hàng ngày với mạng xã hội rộng lớn và với biển thông tin internet bất tận. Cô bé có tất cả hành trang mà thời “tiền internet” và “tiền di động” của tôi hoàn toàn không có. May mà tôi còn biết sớm mon men vào mạng toàn cầu như một lính mới (ngán ngẩm kỹ thuật) dù rất ham mê thông tin.

3. Cuối năm, một bạn trẻ sinh viên sắp tốt nghiệp MBA đại học Quốc gia Australia, quê ở Trà Vinh nói với tôi qua điện thoại, nghe nói cô đang làm dự án với Trà Vinh, quê mẹ của cháu, cháu định nhờ cô một việc. Cháu định tổ chức một công ty du lịch chuyên làm tour du lịch biển Trà Vinh. Cô có thể cho cháu thông tin tổng quan về du lịch Trà Vinh và chỉ cho cháu chỗ tìm thông tin để cháu tính chuyện làm ăn?

Đột nhiên lòng tôi buồn rười rượi. Tôi có những thông tin, tuy chưa chắc hoàn toàn chính xác nhưng rất đang quan tâm mà không có đường link để nói với em. Một anh bạn làm ở bộ Tài nguyên và môi trường mới kể chuyện: Trà Vinh có ba dự án làm nhà máy điện. Nhà máy điện đầu tiên do một tổng công ty chuyên ngành trúng thầu, đã bán lại ngay cho nhà thầu Trung Quốc. Nhà máy thứ hai thì giao cho Malaysia sẽ dùng thiết bị châu Âu. Nay tới nhà máy thứ ba, lại cũng giao cho tổng công ty kia, chắc chắn họ sẽ bán lại cho Trung Quốc nữa. Bờ biển Trà Vinh dài 65km, rồi hầu hết sẽ do nhà thầu Trung Quốc quản lý, mình khó biết họ sẽ xử lý môi trường có gì khá hơn từ trước tới nay. Nói thận trọng vậy cũng đủ cho ta hiểu tương lai môi trường biển Trà Vinh? Và tôi có thể nói gì, khuyên gì để em thu thập đủ thông tin dự báo tương lai gần biển Trà Vinh quê em và tính sao để dự án không bị đột biến?

Thông tin là quyết định cho kinh doanh, càng quan trọng thời hội nhập vì giúp hiểu biết, hình thành cách nghĩ mới, cách làm mới. Nhưng thông tin nào? Người kinh doanh Việt Nam dự báo thay đổi chính sách từ nguồn nào? Tìm thông tin quan trọng về thể chế và kết cấu hạ tầng, hai nút thắt quan trọng nhất của phát triển kinh tế ở đâu? 90% công trình thượng nguồn về điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hóa chất… của Việt Nam đang do nhà thầu Trung Quốc nắm (mà Trung Quốc chỉ chiếm 1,5% tổng số FDI vào Việt Nam). Những mỏ bôxit ở nhiều nơi trên nóc nhà Tây Nguyên đang treo lơ lửng nỗi lo nào về môi trường kinh tế xã hội và bao nỗi lo khác? Bao nhiêu triệu tấn hàng Trung Quốc nhập vào Myanmar, Lào, Campuchia, Việt Nam và mối tương quan nào giữa chính sách của họ và thị trường lân cận để nhìn lại chính sách xuất nhập của mình? Bao nhiêu nhà sản xuất Việt Nam bị khó khăn “thập diện mai phục” đã đóng máy, đem hàng gia công và dán nhãn “made in Vietnam”? Ta có thể đọc thông tin tràn ngập báo chí về mấy chục phút vỡ tim khi đội tuyển Việt Nam đá bù giờ với Singapore để tranh một suất vào bán kết giải bóng đá VFF Suzuki vừa rồi. Ta có thể chứng kiến báo chí ồn ào sôi sục với tham gia của hàng triệu người, cả trên nhiều trang mạng khi chuẩn bị chọn người chiến thắng cuối cùng giữa Uyên Linh hay Mai Hương. Nhưng thông tin quan trọng nhất trong thời gian này, liên quan đến vận mệnh chính trị kinh tế đất nước có phải đâu là Vietnam Idol và VFF Suzuki? Ai tự hỏi, thông tin về những vấn đề thiết yếu nhất của đời sống xã hội, của nền kinh tế thì có thể tìm thấy ở đâu? Thời internet, thực ra không khó để vào Google tổng hợp tất cả thông tin quan trọng nhất ảnh hưởng tới vận mệnh đất nước và môi trường kinh doanh hôm nay, ngày mai, nhưng báo chí nghĩ gì về nhu cầu thông tin này?

Trong cố gắng mon men vào chuỗi giá trị toàn cầu từ bốn khâu: nghiên cứu – thiết kế tới tìm chọn công nghệ – nguyên phụ liệu rồi đi vào sản xuất và tiếp thị, phân phối, các chuyên gia cho rằng cần một chính sách phát triển đồng bộ không chỉ nhằm vào tăng trưởng GDP và hệ thống số liệu đẹp ảo. Khởi đầu là một điều kiện nền tảng cho mọi nhận thức và tiến bộ: thông tin. Làm sao sống cùng nhịp, sống chủ động, tự tin trong thời đại mà thế giới đã xem sử dụng Internet là “quyền cơ bản của mọi người” với gần 1 tỉ người đã sử dụng mạng thông tin toàn cầu và 1/12 nhân loại đã tự động kết nối với nhau qua mạng xã hội Facebook vốn đang không dễ truy cập ở Việt Nam, lúc này?

Đối xử với thông tin như thế nào, làm chủ thông tin đến đâu là điều kiện quan trọng nhất để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu.

(Theo SGTT Xuân)