Trang chủ » Điểm nóng » Nâng tầm bản lĩnh doanh nhân Việt

Nâng tầm bản lĩnh doanh nhân Việt

Tác giả:

Năm 2010 thực sự là năm thử thách. Cuộc suy thoái của nền kinh tế thế giới dội vào Việt Nam – đất nước vừa bước chân vào hội nhập mà xuất khẩu đã chiếm tới 75% GDP. Trong khi đó, ở trong nước, thiên tai dồn dập, lạm phát gia tăng, giá than, giá điện, giá xăng dầu tăng và còn rập rình tăng theo một lộ trình chóng mặt. Mức lãi suất ngân hàng bị đẩy lên 17-18%, còn gói kích cầu của Chính phủ thông qua hỗ trợ lãi suất đã kết thúc. Nhiều doanh nghiệp kêu trời vì không biết sản xuất kinh doanh cách nào để đủ trả lãi ngân hàng.

Thế nhưng, khép lại một năm đầy sóng gió, kết quả đạt được vẫn rất ấn tượng. Tăng trưởng GDP đạt 6,75%. Quy mô nền kinh tế lần đầu tiên vượt 100 tỷ USD. Mức thu nhập bình quân đầu người trên 1.000 USD giúp chúng ta vượt khỏi ngưỡng nước nghèo, gia nhập các quốc gia có thu nhập trung bình trên thế giới. Không phải ngẫu nhiên, các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao thành tích xóa đói giảm nghèo của Việt Nam.

“Cuộc chiến” xung quanh câu chuyện con cá tra Việt Nam bị đưa vào rồi lại được đưa ra khỏi “sách đỏ” cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm của một số quốc gia cho thấy bản lĩnh và sự ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam trước những biến động có tính toàn cầu đã nâng lên một bước.

Các doanh nhân trẻ Việt Nam trao đổi với GS Đại học Harvard John Quelch tại một hội thảo do Công ty VNR500 và Báo VietNamNet phối hợp tổ chức (ảnh VNR500)

Lạ kỳ thay bản lĩnh Việt Nam, trong giông bão lại càng thêm cứng cáp, lúc gian nguy càng tỏ mặt anh tài. Nhiều doanh nghiệp không chỉ làm ăn trong nước mà đã đủ sức, đủ tầm vươn ra thế giới tìm kiếm thương hiệu định vị toàn cầu, ví như Tập đoàn Dầu khí quốc gia đang thúc đẩy các dự án khai thác ở Nga, ở Venezuela, ở Trung Đông…

Nhiều doanh nhân đã thiết lập được mối quan hệ bạn bè, đối tác tin cậy với các doanh nghiệp bên ngoài để khi khủng hoảng, lúc thuận lợi vẫn sát cánh cùng nhau vượt lên phía trước. Như những ngư dân bám biển, bất chấp sóng to gió cả, vừa làm ra hiệu quả kinh tế, vừa khẳng định chủ quyền tổ quốc, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam đã góp phần đáng kể vào thành tựu kinh tế một năm đầy sóng gió. Điều ý nghĩa hơn, thử thách đã làm bật lên trong đội ngũ doanh nhân những thuyền trưởng năng động, những tay chèo vững chãi, biết mở hướng đi trong gió bão, chủ động khai thác mọi cơ hội để tiến về phía trước.

Đại hội Đảng lần thứ XI đã sôi nổi luận bàn để mở lối cho kinh tế đất nước phát triển nhanh và bền vững. Chủ trương kết nạp Đảng cho các chủ doanh nghiệp tư nhân cũng là vấn đề nóng bỏng trong và ngoài diễn đàn đại hội. Nhiều ý kiến đã mạnh mẽ ủng hộ quan điểm khuyến khích các doanh nhân, những “ông chủ” thực sự của doanh nghiệp vào Đảng.

Nhận thức là một quá trình, nhưng thực tiễn hiển nhiên đã cho thấy vai trò của doanh nhân trong nền kinh tế, cũng như sức ảnh hưởng của họ với những chuẩn mực xã hội, với cách nhìn đổi mới. Đã có thời ngự trị những suy nghĩ giản đơn về tầng lớp “con phe”, “gian thương” chuyên “bóc lột”, “ăn trên ngồi chốc”. Đã có thời con trai một vị lãnh đạo cấp cao của Đảng phải đứng trước sự lựa chọn: ra ngoài lập doanh nghiệp liệu có đồng nghĩa với việc từ chối danh hiệu đảng viên, từ chối con đường mà cha anh đi trước đã dày công vun xới…

Đường đi tới tương lai là đường về với những chân lý giản dị. Cái gì có ích cho nước, cho dân, cái gì giải phóng sức sản xuất đem lại ấm no hạnh phúc cho mình và cho xã hội chính là chuẩn mực cần đạt tới.

Cho nên, khi việc kết nạp doanh nghiệp tư nhân vào Đảng được chính thức đem ra bàn thảo tại cơ quan lãnh đạo cao nhất là đại hội Đảng, người ta có quyền tin tưởng một cách nhìn mới, một hơi thở cuộc sống mới đã ngập tràn trong đại hội. Những quyết sách đưa ra sẽ phản ánh được ý nguyện của nhân dân. Đổi mới là một hành trình không gì cưỡng lại, nhưng sự thận trọng, cân nhắc trong lộ trình thực hiện cũng là dễ hiểu.

Điều quan trọng là doanh nhân Việt cũng đã được thừa nhận như một lực lượng không thể thiếu trong hành trình đi lên của dân tộc. Hơn thế, họ còn là những “người lính của thời bình”, những người đi đầu trong nhiệm vụ làm giàu cho đất nước, tạo dấu ấn thương hiệu mới Việt Nam trên trường quốc tế. Sức làm việc phi thường của nhiều doanh nhân đã khẳng định sản phẩm lao động thực sự của họ, chắt lọc từ trí tuệ và bàn tay để làm ra của cải cho đất nước.

Doanh nhân Việt ngày càng chứng tỏ bản lĩnh và đẳng cấp, tư thế vươn ra thế giới (ảnh VNR500)

Sau 20 năm đổi mới, đã đạt được những thành công nhất định, giờ đây kinh tế Việt Nam cần vươn ra thế giới với tâm thế khác, đồng thời nâng tầm doanh nhân Việt.

Phía trước còn bao thách thức. Sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp, mục tiêu phát triển bền vững vẫn còn xa tầm tay. Trong cuộc họp cuối năm với lãnh đạo các bộ ngành và địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cảnh báo về những dòng sông ô nhiễm nặng nề, về tình trạng khai thác tràn lan, lãng phí nguyên liệu thô đang đẩy khó khăn về phía con cháu sau này. Than đang cạn kiệt và sẽ phải nhập khẩu trong tương lai gần. Dầu khí đang phải “gánh” tới 24% GDP của đất nước nhưng trữ lượng không nhiều, và liệu chúng ta có hụt hơi khi nguồn tài nguyên này giảm mạnh? Kinh tế sẽ tăng trưởng bền vững ra sao khi quanh năm thiếu điện và tình trạng thiếu hụt này ngày càng trầm trọng?

Liệu có thể phát triển bền vững khi rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư để tận dụng nguồn năng lượng, nhân công giá rẻ, rồi tìm cách chuyển lãi ra bên ngoài để tránh nộp thuế cho Nhà nước?

Có nhà máy thép chiếm tới hơn 50% sản lượng điện cung cấp cho một tỉnh mà cả năm không nộp một đồng ngân sách do vẫn báo cáo lỗ hoặc được “ưu đãi đầu tư”. Nhiều giám đốc doanh nghiệp đã mệt mỏi vì bị cắt điện sản xuất đình trệ, lại bức xúc gấp bội vì thái độ cửa quyền của “ông nhà đèn”, trong khi chính ngành điện kêu trời vì bị “đẩy đến chân tường” do giá điện thấp không đủ trang trải chi phí. Ngành than kêu ca vì bị các hộ sản tiêu thụ lớn như giấy, xi măng đang “làm giàu trên lưng” khi mức giá bán cho các ngành này chỉ đạt chưa đến 60% giá thành. Trong khi, giám đốc xi măng đã ngồi tỉ mẩn liệt kê khoản chi cho than và điện đã lên tới trên 70% giá thành, “một con số không thể chịu đựng nổi”.

Tìm tiếng nói chung giữa các doanh nghiệp, liên kết để vượt lên khó khăn là điều cần thiết. Bản lĩnh của doanh nhân lúc này là biết hài hòa lợi ích, không cậy thế độc quyền đùn đẩy khó khăn, làm khó cho nhau. Sự phát triển bền vững của đất nước, của mỗi doanh nghiệp là ưu tiên cao nhất. Ngân hàng cùng doanh nghiệp tìm cách hạ lãi suất để bảo tồn sản xuất, vì doanh nghiệp phá sản thì ngân hàng cũng lao đao.

Niềm tin của doanh nhân còn đặt vào sự thống nhất trong quyết tâm đổi mới của Đảng, sự điều hành hiệu quả, thiết thực của Chính phủ. Trong khó khăn của suy thoái kinh tế, thách thức của hội nhập, Chính phủ đã thể hiện năng lực và kinh nghiệm trong điều hành, sát cánh cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Điều quan trọng lúc này là chính sách tiền tệ bám sát nhu cầu nền kinh tế, chính sách đầu tư sát thực, hiệu quả. Cần khép lại những lỗ hổng về quản lý đất đai, những chính sách nửa vời tạo đất cho nạn nhũng nhiễu, hành dân, hành doanh nghiệp.

Có doanh nhân nhận xét: các cuộc gặp gỡ, đối thoại của chính quyền từ trung ương tới cơ sở với các doanh nghiệp đã ngày càng đi vào hiệu quả thiết thực. Trước đây, không ít cuộc tiếp xúc kiểu này tẻ nhạt và mang tính hình thức vì tâm lý ngại đụng chạm, mất lòng. Nhưng nay, nhiều doanh nhân đã dám nói thật, nói hết những vướng mắc mà không ngần ngại, sợ bị quy kết hay gây khó dễ.

Thái độ cởi mở, tiếp thu, gần gũi của chính quyền với doanh nhân càng tạo thêm khí thế mới cho tư duy mạnh mẽ phá bỏ rào cản cũ, hoạch định chiến lược làm ăn bài bản, lâu dài. Doanh nhân Việt Nam xuân này, đã thêm nguồn lực mới để vươn xa, có vận hội mới để vượt lên thách thức.