Trang chủ » Thế giới » Từ Mạng DN trí thức VN: Nhà thơ Việt Phương và bản tuyên ngôn làm người

Từ Mạng DN trí thức VN: Nhà thơ Việt Phương và bản tuyên ngôn làm người

Tác giả:

Nhà thơ Việt Phương đã đi đến tập thơ thứ tư trong sự nghiệp sáng tác của mình. Tôi đã được đọc cả bốn tập thơ của ông và nhận thấy cảm hứng sáng tạo thơ ca của ông là một con đường lớn không thay đổi. Từ tập thơ nổi tiếng đầu tiên Cửa mở đến nay, tư tưởng của ông mỗi lúc một mở rộng nhưng những vẻ đẹp của đời sống trong thơ ông thì mỗi lúc một tinh kết giống quá trình làm mật trong những trái cây.

Trước kia, tôi thấy một Việt Phương phong trần đi giữa một đám đông hay đứng giữa một quảng trường và cất tiếng trực diện về thế giới người và những vấn đề liên quan đến thế giới người ấy. Nhưng bây giờ, vẫn giọng nói ấy nhưng nó vang lên mơ hồ, bảng lảng và tĩnh lặng giống như hương thơm lan tỏa khẽ khàng đâu đó trong vườn, nó vang lên trong những vòm cây, trên những đám mây giữa màu thiên thanh, giữa những đài hoa, trong những ngôi nhà bình yên, trên những ngọn cỏ đầm sương, trong những tia nắng vàng thanh khiết, trên gương mặt một người đàn bà yêu dấu…Cho dù giọng nói ấy vang lên ở đâu và với nghịp điệu như thế nào thì vẫn là giọng nói của ông về thế giới người mà ngay từ lúc xuất hiện trên thi đàn ông đã chọn lựa để cất tiếng, hay nói chính xác hơn là để dày vò, để suy ngẫm, để đau đớn, để nổi giận, để yêu thương, để hy vọng và dâng hiến cho cái thế giới người ấy.

Trong cách nhìn sơ lược của mình, tôi thấy, những bài thơ trước kia của ông phong trần, mang nhiều tính xã hội và đậm tính chính luận. Còn những bài thơ trong tập Cát dưới chân người, cho dù không phải tất cả, đã thấm đẫm hơi thở hiền minh. Cả tập thơ không có tên từng bài cụ thể mà đánh số. Việc đánh số cho những bài thơ mang đến cho tôi cảm giác con người phải nhích từng bước trong những cơn bão gió của  thách thức để đi về phía trước Những bài thơ như những bước chân của tác giả đi dọc cuộc đời này. Lúc thì ông gặp những vầng mây thanh thản trôi trên bầu trời, khi thì ông đối mặt với bão giông, lúc ông như thất vọng bởi hành động của con người đối với con người và văn hóa một cách vô cảm, độc ác, khi ông như kêu lên đến ngạt thở trước vẻ đẹp của một con người vừa hiện ra, vừa lướt qua và vừa cất tiếng…Và những gì hiện ra trước mắt ông cho dù đen trắng, trong đục, đúng sai….thì ông vẫn tìm thấy hoặc mơ thấy cái đẹp và sự chia sẻ trong đó. Càng bước đi, ông càng tìm thấy sự hòa đồng , tính thống nhất, chân lý và lẽ huyền vi trong đời sống con người giữa cái vô hình và hiện hữu, giữa sự tuyệt vọng và hy vọng, giữa những thứ nhỏ bé, giản đơn và bầu trời rộng lớn, giữa một con người cụ thể và vũ trụ vô cùng. Qua những bài thơ trong Cát dưới chân người, cái nhìn của ông  có lúc mang tính đại cảnh, có lúc lại đặc tả tận cùng một thứ vô cùng nhỏ bé mà ta thường dễ bỏ qua. Cả hai cái nhìn này đã cho ông nhận ra đầy đủ vẻ đẹp và ý nghĩa rộng lớn của đời sống.

Không phải người ta cứ sống một cách vô tư hay vô trách nhiệm rồi đến một ngày nào đó khi tóc đã bạc, chân đã chậm và mắt đã mờ là người ta có thể nhận ra ngay ( như một sự đương nhiên mà chẳng phải làm gì )  những vẻ đẹp lạ kỳ ẩn chứa trong một đời sống quá nhiều bóng tối của tội ác mà người ta phải biết ước mơ và hành động cho ước mơ đó. Con đường sáng tạo thi ca của ông là con đường “tập làm người” như ông viết ” Sau tám mươi năm cần mẫn tập làm người”. Tôi dừng lại trước hai chữ ” cần mẫn” của câu thơ. Hai chữ ấy cho tôi thấy ý thức và ý chí sống liên tục, không một phút dừng lại của ông. Đó chính bản tuyên ngôn về đạo sống của ông. Ý thức và ý chí sống này là một nỗ lực phi thường và chữ Người là cái đích cuối cùng mà ông hay nói cho đầy đủ là loài người sinh ra trên thế gian này phải đi tới. Vì vậy, con đường mà mỗi đời người đi trên thế gian này không cho phép một ai dừng lại cho dù một lúc vì mệt mỏi, sợ hãi hay vì tự mãn, mù lòa.  Bởi chỉ cần dừng lại trong hành trình “tập làm người” ấy là người ta ngay lập tức biến thành hoang thú. Và chúng ta chỉ có thể kết thúc bài tập vĩ đại nhất và ý nghĩa nhất này khi chúng ta trút hơi thở cuối cùng. Và cũng chỉ trong thời điểm ấy, chúng ta mới có thể được cuộc sống này đóng dấu xác nhận chúng ta đã được làm người hay chưa. Những bông hoa của sự sống này chỉ có thể nở ra từ sự khắc nghiệt và lương tâm làm người mà thôi. Những bài thơ của nhà thơ Việt Phương là những bông hoa ấy.

Những bài thơ trong tập Cát dưới chân người sẽ lần lượt hiện ra trước bạn. Những bài thơ trong tập thơ này không mang một cấu trúc phức tạp, không khoác bằng những ngôn từ diêm dúa và dị biệt. Tất cả đơn giản như hơi thở của nhà thơ và của chính mỗi chúng ta mà chính chúng ta nhiều lúc không nhận thấy. Năm nay nhà thơ Việt Phương đã qua tuổi 80. Với một người đi từng ấy thời gian trên thế gian này và luôn luôn mang theo  một trái tim đầy trắc ẩn và một trí tuệ sâu sắc thì những gì ông viết ra nó luôn luôn vượt ra ngoài khuôn khổ của một bài thơ.

(Bài viết được chọn đăng từ Mạng xã hội Doanh nhân Trí thức Việt Nam)