Trang chủ » Kinh tế 24h » Dân Hà Nội vung tiền mua sắm Tết

Dân Hà Nội vung tiền mua sắm Tết

Tác giả:

Chỉ còn hơn một tuần nữa là Tết nhưng gia đình chị Vân Anh, nhà ở đường Kim Giang vẫn chưa mua sắm gì. Hôm cuối tuần chị định đi siêu thị sắm đồ nhưng sợ đông người phải chen chúc như mọi năm, chị đành dời qua tuần mới. Vì thời gian xông xênh, giữa buổi sáng thứ 2, chị Vân Anh xách giỏ đi BigC. Tới nơi, chị không ngờ rằng, đang giờ hành chính nhưng BigC vẫn tấp nập khách mua sắm, đông không kém gì những ngày cuối tuần trong năm.

Trước khi đi, chị Vân Anh đã lên danh sách một loạt những thứ cần mua cho gia đình dịp Tết.

Ngoài những thực phẩm cần thiết như dầu ăn, mắm muối, hạt nêm, đường sữa, chị còn phải mua rất nhiều đồ uống, bánh kẹo, hạt dưa, nho khô, mứt Tết và một số cốc chén, đồ dùng cần thiết. Lúc thanh toán, số tiền ghi ở hóa đơn ngấp nghé 4 triệu đồng. Thế nhưng chị Vân Anh cho hay, từng này vẫn chưa đủ, đến lúc giáp Tết còn phải mua thêm hoa quả, giò chả, bánh chưng, gà ta và một số thực phẩm tươi sống khác.

“Nói chung năm nay gia đình tôi ước tính tiền mua sắm Tết tăng gấp rưỡi so với năm ngoái, đấy là chỉ nói riêng khoản ăn uống, chưa nói đến việc trang trí nhà cửa hay đi chùa chiền, vui chơi”, chị Anh nói.

Các siêu thị và các điểm bán hàng Tết cũng cho hay, sức mua của người dân dịp Tết năm nay tăng khoảng 25 đến 30% so với cùng thời điểm năm ngoái. Hai ngày cuối tuần qua tại một số siêu thị lớn ở Hà Nội như Metro, BigC, Hapro, Fivimart…, người dân tấp nập đi mua sắm. Những siêu thị nhỏ trong ngõ ngách cũng đông người không kém.

Tại BigC, ngày chủ nhật dù trời lạnh nhưng mới 9h30, bãi đỗ xe cạnh và sau siêu thị gần như chật kín. Khách bủa vây các gian hàng bên trong, nhất là những gian hàng thực phẩm, bánh kẹo, thức uống. Các quầy thanh toán luôn trong tình trạng quá tải ngay từ buổi sáng.

Khách mua hàng đã mệt vì chen chúc, đến lúc thanh toán phải xếp hàng đợi cả tiếng đồng hồ. Sang thứ 2, buổi sáng khách mua hàng có bớt chen lấn hơn, nhưng vẫn khá tấp nập. Các siêu thị Fivimart trên đường Đại La hay Intimex trên phố Định Công dịp này cũng đắt khách không kém.

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Quan hệ công chúng và đối ngoại, Siêu thị BigC cho hay, BigC dự kiến mãi lực Tết năm nay tăng khoảng 25 đến 30% so với năm ngoái nên lượng hàng cung ra thị trường cũng tăng tương tự.

Chẳng hạn các loại mứt, kẹo truyền thống, Tết năm nay siêu thị nhập về khoảng 130 tấn, thịt nguội eBon 100 tấn, các loại rau củ quả chủ đạo 500 tấn… Siêu thị cũng tăng cường nhiều dịch vụ cho mùa mua sắm Tết, như tăng 30% lượng nhân viên túc trực tại các quầy hàng để phục vụ khách, lực lượng an ninh tăng cường thêm 20% cho mỗi ca trực…

Đại diện siêu thị StarBowl trên đường Phạm Ngọc Thạch cũng cho biết, sức mua của người dân năm nay không những cao hơn năm ngoái mà xu hướng mua sắm hàng Tết còn sớm hơn mọi năm, do tâm lý lo ngại giá cả giáp Tết tăng.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vĩnh Phú, đúng là năm nay, hầu bao chi sắm Tết của người dân thành thị tăng hơn, nhưng chủ yếu là do giá cả tăng mạnh, chứ lượng hàng các hộ gia đình mua trữ Tết không tăng so với mọi năm. Có chăng một số mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu ăn, nước mắm… họ mua nhiều hơn một chút để phòng qua Tết giá cả có thể “phi nước đại”.

Nhận định của ông Phú có lẽ khá đúng với nhiều hộ gia đình đang mua sắm Tết dịp này. Nhiều bà nội trợ sau khi hoàn tất việc chi sắm, tổng kết lại chỉ biết chép miệng: “Thời buổi trượt giá, cũng từng ấy đồ như năm ngoái mà giá tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi”.