Trang chủ » Điểm nóng » Khi nhà ngoại giao Việt Nam xuất ngoại lobby

Khi nhà ngoại giao Việt Nam xuất ngoại lobby

Tác giả:

LTS: Ở bài viết trước, các học giả, doanh nhân trong và ngoài nước đã thảo luận về sự cấp thiết phải thể chế hóa hoạt động lobby ở Việt Nam tại Lễ công bố 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2010 (VNR500). Trong phần này, bà Tôn Nữ Thị Ninh và TS. Trần Sĩ Chương sẽ chia sẻ những câu chuyện thực tế xung quanh việc các nhà ngoại giao kiêm vận động hành lang trên chính trường quốc tế và GS. Stephen Walt của ĐH Harvard cũng chia sẻ kinh nghiệm từ nước Mỹ, nơi hoạt động lobby rầm rộ và chuyên nghiệp nhất.

Ai cũng nói “vì nước, vì dân”

Lẽ đương nhiên, tất cả các nhóm lobby luôn cố gắng thuyết phục các nhà lập pháp, giới truyền thông và người dân tin rằng những gì họ làm là vì lợi ích quốc gia. Chẳng ai tự nhận rằng những gì chúng tôi làm chỉ là lợi ích nhóm, mặc dù trong nhiều trường hợp, sự thật mười mươi là như vậy.

“Vấn đề là không có một định nghĩa chính xác nào cũng như không thể có sự đồng thuận hoàn toàn về thế nào là lợi ích quốc gia. Vì thế, các nhóm lobby hoàn toàn có thể tranh luận rằng những gì họ làm là vì quốc gia,” GS Stephen Walt, Trường Hành chính Kennedy, ĐH Harvard phân tích.

Giáo sư dẫn một ví dụ vào những năm 60s và 70s, có xung đột giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ nên người Mỹ gốc Hy Lạp đã gây sức ép rất lớn để Chính phủ không bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ. Họ cũng lập luận rằng điều đó là vì lợi ích quốc gia của Mỹ.

Các doanh nhân, học giả thảo luận sôi nổi về chủ đề lobby tại Lễ công bố 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2010 (VNR500). Ảnh: Linh Phạm

Trong một thể chế dân chủ thì các hoạt động lobby thường được mang ra thảo luận xem có thực sự vì lợi ích quốc gia hay không. Tuy nhiên, ngay cả ở Mỹ, trong nhiều trường hợp, có những nhóm lobby quá quyền lực, tới mức những gì họ làm không thể bị mang ra thảo luận và không có chính trị gia nào dám ra mặt phản đối họ, chẳng ai dám chọc giận họ.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại Quốc hội và đại sứ Việt Nam tại nhiều nước châu Âu, cho rằng trong môi trường toàn cầu, dù các nước đều phụ thuộc và gắn kết chặt chẽ đến nhau, nhưng suy cho cùng, lợi ích quốc gia vẫn phải được đặt lên trên hết.

“Ngày nay một nhà ngoại giao đi làm lobby cho đất nước phải hết sức hiểu nền kinh tế, xã hội và phải gần gũi với các chủ thể kinh tế xã hội. Lúc đó mới đem nghiệp vụ của họ đánh giá, phân tích cùng nhau chọn vũ khí gì,” bà Ninh nhấn mạnh.

Theo bà Ninh thì nhà ngoại giao kiêm vận động hành lang chỉ là người truyền thông, là nhà thương thuyết. Vũ khí chính phải do các doanh nghiệp và chủ thể trong nước tạo nên.

“Lực là ở trong nước. Thế là của các nhà ngoại giao. Cả hai kết hợp với nhau tôi nghĩ may ra có thể thành công,” bà Ninh chia sẻ.

Hiểu thể chế để không bị “ăn hiếp”

Chính trường Mỹ khá minh bạch, nhưng hệ thống luật pháp Mỹ lại khá phức tạp nên ngay cả các quốc gia có truyền thông thương mại quốc tế lâu đời ở châu Âu và có nền văn hóa, chính trị tương đối gần gũi với Mỹ cũng phải tích cực lobby khi nhảy vào thị trường này. Đương nhiên, Việt Nam không thể bỏ qua hoạt động này.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho biết khi cá da trơn Việt Nam lần đầu bị áp thuế chống bán phá giá ở Mỹ, bà đang ở Brussels và nhận lệnh tìm hiểu xung quanh vấn đề này. Khi gặp trưởng bộ phận chống bán phá giá của Ủy ban châu Âu, họ nói VN chuẩn bị tinh thần chiến tranh hao mòn, phải xài nhà luật sư và lobby Mỹ thôi.

“Ngay châu Âu thừa luật sư rất chuyên nghiệp nhưng khi có tranh chấp với Mỹ, họ phải thuê luật sư Mỹ. Không ai hiểu nổi ma trận luật kinh doanh ở Mỹ,” bà Ninh kể lại.

Đồng tình với ý kiến này, TS. Trần Sĩ Chương cho rằng khi làm việc với Mỹ hay bất kỳ ai, Việt Nam phải hiểu thể chế, vận hành của hệ thống chính trị chứ không nên cho rằng họ “ăn hiếp” mình. Đôi khi việc Mỹ áp dụng “trừng phạt” hoặc cắt giảm viện trợ cho nước ngoài vì những lý do rất… trời ơi. Nếu không tìm hiểu kỹ và có tác động với giới chính trị nước này thì chúng ta sẽ bị thiệt.

Singapore là một ví dụ điển hình của một nước châu Á rất chủ động trong việc lobby chính sách tại Mỹ mà Việt Nam nên học tập. Họ có một đội ngũ nhân viên ngoại giao được đào tạo chuyên sâu về Mỹ, nhưng vẫn có cả một đội lobby chuyên nghiệp hỗ trợ.

Ông Chương kể lại câu chuyện Singapore bị Quốc hội Mỹ “dọa” cắt viện trợ về môi trường lên tới cả chục triệu đô la một năm. Đích thân ông đại sứ Singapore tại Mỹ đã đến Quốc hội để hỏi lý do thì mới phát hiện ra là do một quý bà đại gia ở Wisconsin nhìn thấy một con cá vàng ở Singapore bị… đối xử sao đó ở Singapore nên quy ra đất nước này vi phạm bảo vệ môi trường. Bà mời ông nghị sỹ về nhà ăn cơm và đề nghị phải trừng phạt Singapore. Đại sứ Singapore sau khi biết lý do đã bay thẳng tới Wisconsin để giải trình với quý bà này. Sau đó mọi việc được giải quyết êm đẹp.

Chính vì vậy, bà Tôn Nữ Thị Ninh đề xuất cần có đội ngũ lobby chuyên nghiệp hỗ trợ các nhà ngoại giao để đi vận động chính sách ở nước ngoài nhằm đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp và nhân dân Việt Nam.