Trang chủ » Điểm nóng » Từ VNR500 và V1000 nghĩ về DN dân tộc lớn mạnh

Từ VNR500 và V1000 nghĩ về DN dân tộc lớn mạnh

Tác giả:

Cuối năm 2009, lần đầu tiên cụm từ “doanh nghiệp dân tộc” đã được nhắc đến trong báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội. Cũng tại thời điểm đó, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành nghiên cứu về mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân theo đề nghị của Hiệp hội DN Trẻ Việt Nam. Mặc dù, khái niêm tập đoàn kinh tế tư nhân vẫn còn tranh cãi nhưng điều này đã cho thấy sau thời gian tích lũy và lớn mạnh đáng kể. Các DN tư nhân mong muốn một sự công nhận nhưng qua đó, họ cũng thể hiện khát vọng vươn lên để gánh vác những việc lớn của đất nước.

Chưa có một định nghĩa hay một tiêu chí nào cụ thể cho tập đoàn kinh tế tư nhân hay DN dân tộc nhưng điều chắc chắn đó phải là những DN lớn, có đóng góp nhiều cho đất nước và thể hiện được tinh thần vươn lên của đất nước và dân tộc… và những tiêu chí đó đã được thể hiện cơ bản qua xếp hạng 500 DN lớn nhất Việt Nam (VNR500) cũng như 1.000 DN nộp thuế nhiều nhất (V1000)

Nhỏ mà không nhỏ

Cuối năm 2010, Tập đoàn Đại Dương họp báo cuối năm, trong báo cáo về thành quả và kế hoạch cho năm tới, phần về những giải thưởng đạt được, Đại Dương ghi ngắn gọn: là một trong nhóm VNR500 và V1000. Ngân hàng Habubank, trong bản báo cáo của mình bên cạnh những thành tựu về doanh thu và lợi nhuận của năm thì việc lọt vào top 500 DN lớn nhất Việt Nam luôn được nhắc đến với một niềm tự hào về thành quả sau nhiều năm nỗ lực và tích lũy để khẳng định mình.

Trong khi đó, trong quá trình làm sự kiện V1000, chúng tôi đã từng gặp những băn khoan của lãnh đạo một trong những DN đầu bảng khi cho rằng, ông cảm thấy chưa hài lòng vì một tập đoàn lớn, một tên tuối lớn mà chưa chiếm được vị trí dẫn đầu. Điều đó khiến ông và tập thể phải xem lại hiệu quả và sự đóng góp của tập đoàn mình một lần nữa.

Cũng tương tự, lọt vào VNR 500 và V1000 là đã được nhiều DN đánh dấu “son” trong bản báo cáo cuối năm để khẳng định thành quả và vị trí của mình trong cộng đồng DN. Giám đốc một DN VNR 500 chia sẻ, đã có rất nhiều giải thưởng và bảng xếp hạng nhưng VNR 500 và V1000 đã thể hiện được những tiêu chí cơ bản nhất thể hiện sự thành công của một DN. Vì thế, dù chỉ là một hai dòng nhỏ trong bản báo cáo nhưng đó thể hiện cả quá trình và thành tựu đó là một chuyện không nhỏ đối với DN.

Nói về điều này, rất nhiều chuyên gia và các DN lớn cũng cho rằng, bản thân danh hiệu DN lớn nhất, DN có đóng góp nhiều nhất mà mở rộng là khái niệm doanh nghiệp dân tộc đã là một động lực. Nếu chúng ta tạo dựng được một lực lượng các doanh nghiệp lớn mạnh, kết nối trên tinh thần dân tộc thì sẽ tạo ra một động lực mạnh mẽ để đưa đất nước và dân tộc đi lên. Tuy nhiên, để có được niềm tự hào về một lực lượng DN Việt Nam lớn mạnh thì điều cần thiết phải tạo ra một môi trường để kết nối và phát triển những nhân tố đang có hiện nay.

Ông Dương Trung Quốc người đã rất tâm huyết trong sưu tầm và nghiên cứu về thành công của các tư sản dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX, có công trong việc tư vấn và vận động chọn ngày 13/10 làm Ngày Doanh nhân Việt Nam cho rằng: “Doanh nghiệp dân tộc hẳn là những DN lớn về quy mô, mạnh về nguồn lực để có thể cạnh tranh với thế giới trong hội nhập những cũng phải là các DN làm lợi cho mình đồng thời làm lợi cho quốc gia – dân tộc. DN phải vì lợi ích của  người dân Việt Nam. Xây dựng lực lượng doanh nghiệp dân tộc thì nhà nước và DN cùng phải có trách nhiệm.

Nếu như trước đây, đất nước đang chiến tranh, tất cả sức mạnh tập trung cho nhiệm vụ chống giặc ngoại xâm và độc lập dân tộc. Nhưng khi hòa bình và đổi mới, mục tiêu lớn nhất là kinh tế để phát triển đất nước. Đặc biệt, chúng ta đang ở trong một thời đại mà tính cạnh tranh và hội nhập rất cao. Vì vậy, vấn đề lúc này là xây dựng và nuôi dường đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh sẽ có  rất nhiều việc phải làm như: lực lượng DN dân tộc là những ai, có lực lượng nòng cốt hay không, có còn sự phân biệt hay không, chính sách phát triển thế nào…  Và nhà nước phải làm gì để phát triển DN và nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh. Đó là chuyện lớn của quốc gia hiện nay.

Nuôi dưỡng nguồn lực

Cách đây hơn 5 năm, Ngày doanh nhân Việt Nam ra đời như một sự ghi nhận đóng góp của DN và cao hơn nó cho thấy sự xuất hiện chính thức của một lực lượng xã hội. Trước đó, trong cương lĩnh của đàng cũng đã đặt DN như là một lực lượng xã hội. Doanh nghiệp dân tộc được nhắc đến cũng là kết quả tất yếu của quá trình nhận thức. Đương nhiên, để đi đến kết quả ngày hôm nay chúng ta có những trả giá nhưng đây là biểu hiện tích cực trong chuyển biến về nhận thức nhưng điều quan trọng nhất hiện nay là phải tiếp tục và phát huy tinh thần đó trên một tầm cao và đòi hỏi mới.

Trở lại với lịch sử, khi mới lập nước, trong Thư Bác Hồ gửi giới công thương Việt Nam ngày 13/10/1945 đã thể hiện rõ nguyên lý của mối quan hệ giữa quốc gia và đội ngũ các nhà công thương; đó là một mối quan hệ rất biện chứng: nếu như đất nước thịnh là doanh nhân cũng phát triển và ngược lại. Nói một cách khác dễ hiểu đó là mục tiêu dân là giàu nước mạnh mà chúng ta đang phấn đấu.

Và vì thế, với vai trò của mình, đội ngũ doanh nghiệp dân tộc phải là một đội ngũ lớn mạnh. Đội ngũ đó cần được định hướng xây dựng và phát triển trong cả một quá trình. Mà ở đó vài trò của nhà nước không gì hơn đưa ra đường lối đúng, chính sách đúng để kích thích phát triển, cạnh tranh lành mạnh. Tất nhiên, những chính sách đó luôn phải được đặt trong dư địa hội nhập quốc tế.

Việt Nam luôn tự xác định tự mình vươn lên là chính, ngoại lực là quan trong nhưng chỉ là yếu tố thuận lợi chứ không thể là quyết định. Vì thế, không chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp mà chúng ta cần nghĩa về những DN lớn mạnh dẫn đầu cho lực lượng kinh tế của đất nước ngày càng rộng lớn và mạnh mẽ. Với tình thần đó, nhìn vào bảng VNR 500 và V 1000 đã cho ta những hy vọng về tiền đồ của các DN của kinh tế đất nước.

Tinh thần dân tộc lúc nào cũng có trong các nhà kinh doanh. Từ xưa, các nhà tư sản dân tộc lúc nào cũng yêu nước và sẵn sàng hy sinh vì quốc gia. Đã có rất nhiều tấm gương như: Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà… Đa số các doanh nghiệp hiện nay cũng như thế, khi họ làm gì thì tự trong thâm tâm họ cũng có đất nước, chứ không hẳn ai cũng mù quáng vì lợi nhuận. Và khi người ta tự hào về sự vinh danh: DN lớn, DN có đóng góp lớn cho đất nước thì trong cho mỗi việc làm, mỗi bước đi của họ luôn gắn liền với trách nhiệm và niềm tự hào dân tộc. Điều đó có một ý nghĩa rất lớn.

Tuy nhiên, để có những DN lớn, những DN của dân tộc thì phải tạo lập được cơ sở phát triển hết sức bình đẳng, lành mạnh và minh bạch để DN phát huy năng lực của mình để nó vừa kết hợp với nhau vừa cạnh tranh với nhau. Cạnh tranh để thúc đẩy phát triển, thải loại những người không đủ năng lực và sửa chữa sai lầm. Đó chính là bộ lọc để những nhân tố ưu tú có thể phát triển, chiếm lĩnh và trở thành đầu tàu phát triển.