Trang chủ » Tranh luận » Đau khi phải thỏa hiệp với cái xấu

Đau khi phải thỏa hiệp với cái xấu

Tác giả:

Cũng từng giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và hiện là Phó chủ tịch VASEP, ông Lực không chỉ hiểu những khó khăn của chính doanh nghiệp mình, mà hàng ngày, hàng tháng ông còn phải lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, thăng trầm của các doanh nghiệp thành viên hiệp hội đang hoạt động trong một lĩnh vực được xem là một trong những đầu tàu về xuất khẩu. Và ông đã nói thật những điều còn ray rứt:

Không hiểu sao, đến giờ vẫn còn nhiều người chưa nhìn nhận đúng vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp. Nói đâu xa, ngay trong lĩnh vực nông nghiệp cũng rất dễ thấy. Nếu doanh nghiệp làm ăn lãi nhiều, ai đó lại đổ oan rằng, chúng tôi lời là nhờ ép giá mua nguyên liệu của nông dân. Sao họ không bỏ công suy nghĩ, tìm hiểu rằng: lãi đó ở đâu ra?

Nên nhìn nhận đúng là phải chăng nhờ lãnh đạo giỏi, năng động, do tổ chức sản xuất tốt nên hiệu quả hoạt động tăng? Ngay năm 2010, nhà máy chế biến tôm lãi cao, nhưng người nuôi tôm cũng lãi đâu ít nhờ giá tôm đỉnh điểm. Vậy mà, chúng tôi vẫn bị mang tiếng lãi to nhờ… ép giá nông dân!

Điều mà tôi mong mỏi nhất là sự chuyển biến tích cực từ các cơ quan quản lý nhà nước. Một điều khó nói, nhưng vẫn phải nhìn nhận, là Việt Nam vẫn chưa có sự đồng bộ về cơ chế chính sách. Người có quyền thì lại thờ ơ! Trong lĩnh vực thủy sản, có nhiều chuyện tôi vẫn thắc mắc rằng, liệu Bộ NN&PTNT hoặc Chính phủ… có biết?

Như mới đây, hàng loạt nhà máy tôm không dám xuất hàng đi Nhật, chỉ vì nhiều lô hàng bị phát hiện nhiễm trifluralin. Bộ NN&PTNT chỉ biết ra quy định, nếu trong vòng sáu tháng, doanh nghiệp phạm cùng một lỗi ở cùng một thị trường thì phải ngưng hoạt động sáu tháng để khắc phục.

Nhưng lỗi đó ở đâu ra? Đó là do khâu nuôi trồng, và ai cũng biết rằng, chuyện này nằm ngoài tầm tay, ngoài sự kiểm soát của doanh nghiệp. Nhưng bộ chỉ biết cấm, biết xử doanh nghiệp! Chuyện vỡ lở, nhưng điều đáng ngạc nhiên là sau đó Bộ NN&PTNT cũng ra văn bản cấm một số sản phẩm nông dược… có chất trifluralin, nhưng cùng lúc lại có một văn bản khác cho lưu hành song song! Hệ quả là sau đó Thái Lan tuồn hàng sang dữ dội.

Tôm Việt Nam bị nhiễm trifluralin nhiều rồi. Nhật đã kiểm 100% các lô hàng tôm xuất xứ từ Việt Nam, EU thì đầu năm 2011 cũng kiểm tiếp theo là Mỹ. Từ những tháng cuối năm 2010, toàn bộ những nhà máy xuất hàng đi Nhật bị đình đốn. Đúng ra, Bộ NN&PTNT phải chỉ đạo mạnh tay ngăn chặn việc sản xuất, lưu thông các sản phẩm có trifluralin, nâng tần suất kiểm tra. Nhưng cái cần thì không làm, mà phải chờ doanh nghiệp đi xin, đi xỏ… mới có một số văn bản chỉ đạo.

Có thể nói, đó là sự thiếu trách nhiệm, gây hậu quả lớn, nhưng những người được giao trách nhiệm vẫn rất dửng dưng, thậm chí còn có người tự xem mình như người ban ơn cho doanh nghiệp trong vấn đề xử lý hậu quả.

Còn tham nhũng? Tôi phải nói rằng, đó là hiện tượng… thường trực! Tham nhũng càng lúc càng dày hơn, chứ không có dấu hiệu giảm, thậm chí công khai hơn. Như hồi năm 2008, khủng hoảng kinh tế, Chính phủ đưa ra gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp nhưng khi mua tôm, đâu phải đại lý chuyển tôm đến là có thể chuyển tiền trả ngay trong ngày. Phải phân loại, kiểm tra… đủ các thứ. Nhưng nếu chuyển tiền trễ ngày là kiểm toán loại và buộc thoái thu, không tính trong khoản vay ưu đãi! Nếu không muốn thoái thu? Dĩ nhiên là có cách. Và một điều đau đớn, nhưng cũng phải nói, là muốn ổn định làm ăn, doanh nghiệp phải thỏa hiệp với cái xấu. Phí bồi dưỡng “rẻ” hơn là làm đúng theo quy định.

Vì sao? Vì luật vẫn còn nhiều câu chữ không sát thực tế, nên cấp thừa hành mỗi nơi áp dụng một kiểu.

Theo TBKTSG xuân