Trang chủ » Doanh nhân » Không cần thu nhập “khủng” vẫn sống khỏe

Không cần thu nhập “khủng” vẫn sống khỏe

Tác giả:

Na Uy: “Nước chảy chỗ trũng” – Tiền vào chỗ thiếu

Trên tạp chí Inc, Max Chafkin đã kể câu chuyện kì diệu về cách thiết lập một nền kinh tế khuyến khích giao thương buôn bán, đẩy mạnh việc làm và tạo cảm giác hài lòng, hạnh phúc cho tất cả mọi người trong nền kinh tế đó, mà lại giảm thiểu được đáng kể sự bất công trong xã hội. Tất cả những việc bạn phải làm, thật bất ngờ là lại rất đơn giản, đó là học theo đất nước Na-uy.

Chafkin bắt đầu câu chuyện với ví dụ về Wiggo Đalmo, một công nhân cơ khí với trình độ học vấn Trung học phổ thông, vì những bất hòa với người chủ, đã tự mình đứng ra thành lập cửa hàng, nay đã trở thành một công ty trị giá tới 44 triệu đô la và thuê tới 150 nhân viên. Những câu chuyện như vậy được cho là khá phổ biến tại Mỹ, nhưng thực tế lại ngược lại. Vấn đề ở đây là: ở Mỹ, khoản thuế mà một người chủ như vậy sẽ phải đóng là bao nhiêu? Dalmo năm vừa rồi phải đóng thuế thu nhập là 102,970 USD, một con số thấp hơn (chứ không phải cao hơn) so với những ông chủ của các công ty trị giá 44 triệu đô tương tự tại Mỹ.

Lý do ở đây là: sự chênh lệch về thu nhập ở Na Uy ít hơn rất nhiều so với ở Mỹ. Hệ thống an sinh xã hội giúp cho khả năng rủi ro khi thành lập công ty là rất nhỏ. Điều này kéo theo việc kinh doanh không phải là đặt cược hay xổ số, mà giống với một sự lựa chọn phong cách sống hơn. Nếu bạn thành công, bạn sẽ là ông chủ thành đạt của một tập đoàn lớn mạnh. Nhưng bạn có thể sẽ không kiếm được mức thu nhập khổng lồ.

Vì sao? Trước hết, bạn không cần thiết phải có mức thu nhập quá “khủng”, bởi những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như dịch vụ y tế hay giáo dục – kể cả học cao học hay du học – đều được nhà nước hỗ trợ. Một lý do nữa là thu nhập ở Na Uy là vấn đề công khai với tất cả mọi người. Mặt khác, cũng có một thực tế là những khoản tiền thay vì đi vào túi những người vốn đã giàu có trong xã hội, thì lại được sử dụng nhiều hơn cho những người ít khá giả hơn, và dĩ nhiên là sẽ thu được hiệu quả tốt hơn.

Ở đất nước có ít người thất nghiệp và chính sách trợ cấp thất nghiệp rộng rãi  như Na Uy, quyết định đi hay ở của người làm thuê có ảnh hưởng lớn hơn đối với giới chủ so với ở Mỹ, do đó nhân viên có “chỗ đứng” cao hơn. Và mặc dù chính sách sa thải nhân sự ở Na Uy đã cởi mở hơn, việc sa thải nhân viên thường mất hàng tháng trời, và các chủ thuê thường phải trả khoản trợ cấp thôi việc ít nhất 3 tháng lương. “Bạn phải coi trọng tính dân chủ trong công ty của mình”, đó là lời nhận xét của Bjørn Holte, giám đốc điều hành bMenu, công ty chuyên thiết kế các phiên bản dành cho di động của các website. Thu nhập của Holte là 125,000 đô một năm, trong khi đó nhân viên kiếm được ít nhất của ông ty ông đã có mức thu nhập hơn 60,000 đô. “Bạn không thể đối xử tệ với họ. Nếu bạn làm vậy, bạn sẽ không giữ được nhân viên” – Holte chia sẻ.

Không chỉ là thiên đường sống, Na Uy nay còn được mệnh danh là thiên đường cho giới doanh nhân, đặc biệt với những nhà kinh doanh trẻ bởi những hỗ trợ đáng kể từ chính phủ

Hiển nhiên, đây là vấn đề chế độ đãi ngộ. Nhưng không phải tất cả đãi ngộ đều đơn thuần nhắm tới túi tiền. Và có những vấn đề nghiêm trọng đối với hệ thống kinh tế Mỹ, nơi chế độ đãi ngộ có vẻ như bất di bất dịch, khiến cho hầu hết mọi người đều cố gắng cạnh tranh để được đứng trong hàng ngũ ít ỏi những ông lớn thành công – những nhà sáng lập công ty với hàng triệu đô, hay ngôi sao thể thao, hoặc hàng ngũ CEO nổi tiếng. Như thế, hầu hết chúng ta đều gặp vấn đề với ý tưởng “chơi” loại “xổ số” đó. Như Chafkin viết trong bài báo của mình:  “Tôi cũng bắt đầu bị thuyết phục khi quan sát và so sánh 2 hình mẫu doanh nhân thông minh nhất của mỗi quốc gia Mỹ và Na Uy: vấn đề ở đây không phải là tiền. Các doanh nhân không phải là nhà quản lý quỹ, và họ rất ít khi điều hành công ty như những cỗ máy kinh tế lạnh lùng”.

Khuyến khích thất bại

Chủ đề này tiếp tục được thảo luận trong những quyển sách như “Small Giants” (Những người khổng lồ bé nhỏ) của Bo Burlingham, về những ông chủ lựa chọn không tối đa hóa lợi nhuận mà thay vào đó tìm kiếm những cơ hội biến công ty của họ trở nên tuyệt vời. Có rất nhiều các câu chuyện như thế, và tạp chí Inc cũng đã đăng rất nhiều trong số đó, về những doanh nhân dám “bỏ qua” lợi nhuận để đạt được những thứ mà theo họ là có giá trị hơn.

Ở Mỹ, có rất nhiều buổi tọa đàm về cách mà những doanh nghiệp nhỏ tạo nên sự khác biệt trong sự tăng trưởng việc làm – thứ mà chúng ta thực sự cần có. Và có vẻ như Na Uy đã tìm ra câu trả lời – thể hiện trong cách vận hành nền kinh tế: sự chiếm lĩnh của các doanh nghiệp nhỏ; tỉ lệ thất nghiệp chỉ có 3.5%, và không hề có nghèo đói.

Việc tăng thuế đối với các doanh nghiệp nhỏ không hề có lợi cho các doanh nghiệp, nhưng cũng chẳng hề gây hại bao nhiêu. (Và hay ho là: các khoản thuế thu được từ doanh nhân ở New York cao hơn hẳn ở Na Uy). Cái “được” lớn nhất là hệ thống an sinh xã hội bền vững và hiệu quả hơn, vì thế bất cứ ai muốn mở công ty đều không phải lo tới viễn cảnh nghèo đói nếu làm ăn thua  lỗ. Việc khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ đồng nghĩa với việc khuyến khích sự thất bại –  nhưng cái giá phải trả cho việc thất bại ở Mỹ là rất cao – đó là điểm khác biệt. Thay vào đó, Mỹ đã và đang dành quá nhiều thời gian lo lắng cho tỉ lệ thuế áp dụng với những doanh nghiệp thành công.

Tuy vậy, có rất ít bằng cớ đủ chứng tỏ thuế thấp  tạo ra ảnh hưởng lớn đối với các doanh nhân hay toàn bộ nền kinh tế. theo giáo sư Joel Slemrod của đại học Michigan, người đã từng có thời gian làm tư vấn kinh tế, thì trên thực tế rất khó để nêu rõ ảnh hưởng của chính sách thuế đối với nền kinh tế. Giáo sư Slemrod cũng chỉ ra không có bất cứ số liệu nào chứng tỏ thuế thấp sẽ mang lại sự thịnh vượng cho nền kinh tế.

Một vài trong số những nước giàu nhất trên thế giới – Đan Mạch, Thụy Điển, Bỉ và cả Na Uy – cũng có một vài loại thuế thuộc loại cao nhất trên thế giới. Na Uy, đất nước có mức thu nhập bình quân đầu người năm 2009 cao nhất thế giới, đã tránh được tác động của cuộc khủng hoảng tài chính: từ năm 2006 tới 2009, nền kinh tế tăng trưởng gần 3%. Tỉ lệ tăng trưởng kinh tế Mỹ ít hơn 1 phần nghìn trong giai đoạn tương tự. Trong khi đó, những nước có mức thuế thấp nhất châu Âu, như Ireland, Iceland và Estonia, đã phải hứng chịu tác động nặng nề của khủng hoảng tài chính. Iceland và Ireland gần như vỡ nợ; Estonia thì đang phải đối mặt với tỉ lệ thất nghiệp cao chưa từng có – 16%, và kinh tế suy thoái 14% tính tới năm 2009.

Chúng ta tất nhiên không thể đổ hết cho việc mức thuế thấp gây ra mọi khó khăn của Estonia – hệ thống tiền tệ cũng gây tác động không nhỏ. Và Na Uy còn có lợi nhuận dầu mỏ nữa. Nhưng khi nhìn vào đất nước Estonia, người ta thấy một nền kinh tế mà mọi người đều cố gắng đề mau chóng giàu sang, trong khi ngược lại, Na Uy vẫn miệt mài cố gắng vươn tới hạnh phúc và thành công. Đó chính là thành công thực sự.