Trang chủ » Kinh doanh » Thử “Gia Cát Dự” giá cả năm 2011

Thử “Gia Cát Dự” giá cả năm 2011

Tác giả:

Đường đi giá cả – lạm phát năm 2010 của Việt Nam “vừa quen lại vừa lạ”, có những động thái đầy kịch tính, nóng và lạnh khá đột ngột, vừa nằm trong dự liệu đã được cảnh báo, vừa gây sửng sốt cho khá nhiều người.

Điểm bất thường nổi bật của động thái CPI những tháng cuối năm 2010 là sự trồi sụt mạnh và đột ngột của chỉ số CPI tại mỗi bước ngoặt bản lề giảm hoặc tăng giữa các “pha trong chu kỳ” CPI.

2010 – những cú sốc đột ngột

Khi CPI đột ngột giảm trong đầu quý II/2010 từ mức 0,75 % tháng 3/2010 xuống mức 0,14% tháng 4/2010 (tức đột ngột giảm gần 5 lần so với mức tăng của tháng trước, và càng giảm mạnh hơn so với mức 1,96% của tháng 02/2010 và mức 1,36% của tháng 01/2010), đã gây ngơ ngẩn cho người tiêu dùng. Mặt khác, việc CPI đột ngột tăng trong tháng cuối quý 3/2010 cũng khiến mọi người ngơ ngác không kém vì không dễ giải thích.

Tháng 11/2010, CPI tăng 1,86% so với tháng trước, đây là mức tăng khá cao kể từ đầu năm, chỉ sau mức tăng 1,96% của tháng Hai là tháng Tết Nguyên đán Canh Dần. Chỉ số CPI với mức cả năm 2010 so với năm trước là 9,19%, còn nếu mức tháng 12/2010 so cùng kỳ năm trước là 11,75%; tức gần gấp đôi mức đặt ra đầu năm của Quốc hội và Chính phủ. CPI trong 2 tháng cuối năm với mức tăng khủng trên đã thực sự đóng đinh cú sốc tăng vọt CPI cả năm 2010 lên mức ngất ngưởng, gây nhiều thất vọng, tranh cãi và quy lỗi khá ồn ào trong các cơ quan quản lý có liên quan…

Hơn nữa, cần kể đến một số xu hướng “lội ngược dòng” với giá thế giới của giá cả một số mặt hàng có tính đặc thù cao trên thị trường, như giá sữa, giá xăng, dầu, giá ngoại hối…

Ảnh: Lê Anh Dũng

2011 – sức ép đa chiều

Đường đi của giá cả – lạm phát năm 2011 của Việt Nam nhìn chung phức tạp và khó lường, do chịu hợp lực của nhiều nhân tố tác động trực tiếp và gián tiếp, tức thời hay trễ muộn ít nhiều do sự gia tăng không chỉ một lần các chi phí “đầu vào”, như: tăng giá xăng, than, điện (theo lộ trình thực hiện giá cả thị trường), nước, chi phí vận tải, mức tiền lương, lãi suất ngân hàng và các chi phí vốn của DN; tiếp tục tái thu, thậm chí tăng thu thuế (như thuế tài nguyên) và một số nghĩa vụ tài chính của DN.

Ngoài ra, kinh tế thế giới 2011 còn tiềm ẩn nhiều bất ổn trên thị trường hàng hóa và tài chính – tiền tệ, trong đó có xu hướng tiếp tục hoặc gia tăng biến động tỷ giá hối đoái của các đồng tiền chủ chốt và khủng hoảng nợ do thâm hụt ngân sách của nhiều nước như là hệ quả các gói kích thích kinh tế kéo dài đến 2010; đồng thời, nhiều khả năng cho thấy sự phục hồi từng bước nền kinh tế và gia tăng các hoạt động tiêu thụ hàng hóa, nguyên liệu cả trên thị trường trong nước và thế giới (khi kinh tế thế giới phục hồi, giá dầu sẽ tăng cao, kéo theo giá xăng, phân bón, thuốc trừ sâu và các nguyên liệu sắt, thép, xi măng tăng…), sẽ còn làm tăng đồng thời các loại lạm phát chi phí đẩy và lạm phát ngoại nhập như mặt trái và hệ quả đi kèm tất yếu của tăng trưởng và toàn cầu hóa.

Chỉ số CPI năm 2010

Cũng cần nhấn mạnh rằng, mức độ gia tăng và tác động của lạm phát đến đời sống kinh tế – xã hội còn tùy thuộc khá nhạy cảm vào hệ quả và khả năng phối hợp đồng bộ, linh hoạt các chính sách và những yếu tố tâm lý xã hội khác của Việt Nam, trong đó có công tác dự báo, thông tin, yếu tố tin đồn và khả năng kiểm soát đầu cơ, lũng đoạn thị trường…

Như vậy, có thể thấy, năm 2011, Việt Nam tiếp tục chịu đựng sức ép đa chiều, cả cũ và mới, về kích cầu đầu tư và tiêu dùng trung và dài hạn, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi và cơ cấu lại nền kinh tế thích ứng với các yêu cầu tự do hóa và cạnh tranh bình đẳng thị trường, bảo đảm tính kịp thời và linh hoạt trong phản ứng chính sách trước các biến động mau lẹ, bất lường của bối cảnh trong nước và quốc tế, tăng yêu cầu hỗ trợ và giám sát vĩ mô nghiêm ngặt từ phía nhà nước, đảm bảo ổn định hóa môi trường đầu tư-kinh doanh và sự cân bằng giữa các lợi ích và mục tiêu chính sách…

Thực tế cho thấy, để kiềm chế tốt lạm phát ở mức dưới hai con số, ổn định và nâng cao chất lượng phát triển kinh tế trong năm 2010 và tiếp theo, một mặt, Việt Nam cần chú ý hơn đến đảm bảo yêu cầu cạnh tranh kinh tế thị trường đầy đủ có sự kiểm soát có hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước. Nhất là các lĩnh vực chưa tự do hóa và các DN nhà nước; thúc đẩy căn bản hơn và nhanh hơn quá trình cải thiện môi trường kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh; cần cân nhắc hợp lý hơn thời điểm và mức tăng giá các mặt hàng điện, than…; tăng cường hoạt động kiểm toán, giám sát, kiểm soát và xử lý độc quyền và các vi phạm về giá từ phía các DN và các bên có liên quan, cần quan tâm hơn đến sự đủ đầy của các kho dự trữ quốc gia phòng khi “trái nắng, trở giời”. Đặc biệt, cần chủ động, linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ và hoạt động quản lý nhà nước, giữa yêu cầu thắt chặt với nới lỏng tài chính – tiền tệ, đảm bảo an toàn và hiệu quả vốn đầu tư; kiểm soát chặt chẽ thâm hụt NSNN, nợ công, đầu tư nhà nước, lãi suất, tỷ giá…

Mặt khác, cần kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng công tác tham mưu về chính sách phát triển kinh tế, các hoạt động quản lý hành chính nhà nước, điều tiết thị trường và thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước, cũng như nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả đầu tư nhà nước. Bên cạnh đó cần tăng cường công tác thông tin (nhất là chất lượng công tác thống kê), dự báo và phản biện chính sách xã hội trước các biến động nhanh chóng của thị trường, nhất là mặt trái của những chính sách đang và sẽ triển khai. Phối hợp các hoạt động và cơ quan dự báo với giám sát, bao gồm cả giám sát chuyên ngành với giám sát hợp nhất, tổng thể toàn thị trường để cảnh báo sớm rủi ro và xử lý hiệu quả những vấn đề mới phát sinh, nhất là các rủi ro chéo, tránh các đổ vỡ dây chuyền và bất ngờ…

(Theo Diễn đàn Doanh nghiệp)