Trang chủ » Doanh nhân » Tri thức, tính sáng tạo nảy mầm từ văn hoá

Tri thức, tính sáng tạo nảy mầm từ văn hoá

Tác giả:

LTS: Diễn đàn  Kinh tế sáng tạo – giải pháp cho Việt Nam bật lên? xin giới thiệu bài viết của TS. Đinh Thế Phong, Viện Chiến lược, Chính sách Khoa học & Công nghệ ([email protected]) phân tích các chỉ số sáng tạo, mối liên hệ giữa sự Thịnh Vượng và Đổi Mới – Sáng Tạo, cùng những cách thức nuôi dưỡng tính Sáng Tạo từ bài học thành công của nước Mỹ.

Các chỉ số Sáng Tạo của “Cộng đồng Cắm Điện Là Chạy”

Khi nghiên cứu các yếu tố cho việc phát triển công nghệ cao, GS. Richard Florida, đại học Carnegie Mellon (Mỹ) đã đưa ra khái niệm về “Giai tầng Sáng tạo” (Creative Class). Đó là giới khoa học, kỹ sư, doanh nhân, văn nghệ sỹ, nhà nghiên cứu, các nhà tư tưởng,… Họ là những người làm những việc mang tính sáng tạo.

Cái mà người ta muốn họ làm không nằm trong danh mục công việc của họ mà là suy nghĩ theo cách riêng của họ và đưa các giải pháp độc đáo hay sự khác biệt. Cộng đồng sáng tạo đến từ nhiều nghề, nhưng đều có cái chung, đó là: Tính Sáng Tạo, Tính Cá Nhân, Sự Khác Biệt và Sự Kiệt Xuất.

Khi xếp hạng khả năng Đổi mới (Innovation), phát triển công nghệ cao của các vùng ở Mỹ, GS. Florida đã phát hiện những điều lý thú về các yếu tố thuận cho tính sáng tạo và đưa ra Chỉ Số về tính sáng tạo (Creativity Index). Ông thấy tính sáng tạo có mối tương quan thuận với các hoạt động vui chơi giải trí – văn hóa đường phố (nhất là về đêm), với các điểm biểu diễn ca nhạc, các triển lãm nghệ thuật, các nhà hát kịch, các quán café, quán ăn nhỏ, các nghệ sỹ biểu diễn trên đường phố nơi không mấy phân biệt giữa người biểu diễn và khán giả…

Tính sáng tạo cũng tương đồng với Chỉ số “Nghệ Sỹ”.

Ông thấy rằng: cộng đồng sáng tạo thường cư ngụ những nơi ít “rào cản” về kinh tế – xã hội, dễ dàng ổn định cuộc sống, ít quan liêu, định kiến. GS. Florida gọi đây là những cộng đồng “cắm điện là chạy” (Plug-And-Play Communities).

Không chỉ dừng ở các yêu cầu vật chất bình thường, cộng đồng sáng tạo có những cách sống với những nét riêng biệt. GS. Florida cũng phát hiện ra rằng nơi thuận lợi cho tính sáng tạo cũng là những nơi người đồng tính thường định cư (chính vì điều này mà giới chuyên môn gọi đây là Chỉ số Đồng tính – Gay Index).

Cộng đồng sáng tạo thường cư ngụ những nơi ít “rào cản” về kinh tế – xã hội, dễ dàng ổn định cuộc sống, ít quan liêu, định kiến. Đây được gọi là là những “Cộng đồng Cắm Điện Là Chạy”.
GS. Richard Florida,
ĐH Carnegie Mellon, Hoa Kỳ

Tương tự, tính sáng tạo cũng tương đồng với Chỉ số “Nghệ Sỹ” (Bohemian Index), đặc trưng cho lối sống của nghệ sỹ, nhà văn, họa sỹ,… Người có tính sáng tạo, không phân biệt dân tộc và giới tính, thường thích những nơi không thành kiến, khoan dung với sự khác biệt.

Người có tính sáng tạo và năng khiếu thường tự coi mình là những người “ngoài lề’ (Outsider) của cuộc sống bình thường. Người có tính sáng tạo thường hay muốn có Sự Đa Dạng (Diversity) và Florida coi đây là sự đặc trưng cơ bản nhất của họ. Họ thích những luồng tác động khác nhau, thích nghe nhiều loại nhạc khác nhau, thích dùng ẩm thực của những nền văn hóa khác nhau. Họ thích giao tiếp với những người khác họ để trao đổi quan điểm, tranh luận…

Cộng đồng sáng tạo thích những hoạt động vui chơi giải trí – văn hóa đường phố (nhất là về đêm). Họ thích các hoạt động thể thao ngoài trời hơn là giải trí thụ động trong nhà. Họ đáng giá cao tính Chân Thực (Authenticity) và tính Duy Nhất (Uniqueness) như các công trình lịch sử, các làng mạc nguyên sơ. Họ thích sự hòa trộn giữa các khu phố cổ với những mốt hiện đại. Điều này làm tính sáng tạo rất phù hợp với môi trường Đa Văn Hóa, những công đồng đa sắc tộc mà Mỹ là một ví dụ điển hình.

Chỉ số Đồng Tính, Chỉ số Nghệ Sỹ và Tính Đa Dạng Văn Hóa đều có điểm chung

GS. Florida cũng cho rằng không phải ngẫu nhiên mà Thung Lũng Silicon lại ở California, nơi có tính đa dạng cao và tập trung nhiều cộng đồng văn hóa khác nhau. Chỉ số Đồng Tính, Chỉ số Nghệ Sỹ và Tính Đa Dạng Văn Hóa đều có cái chung: đó là Lòng Khoan Dung đối với sự dị biệt, những quan điểm, tư tưởng, lối sống khác mình. Những điều đó khuyến khích khả năng sáng tạo độc lập trong mỗi con người và mang lại sự thịnh vượng trí tuệ và kinh tế cho quốc gia, khu vực.

Suy thoái đến từ Xơ Cứng, không chịu Sáng Tạo – Đổi Mới

Nghiên cứu về sự Đổi mới của vùng, quốc gia, khu vực, GS. Mancur Olson thấy rằng: sự suy thoái của các quốc gia, khu vực, là kết quả của sự sơ cứng về tổ chức, văn hóa của các thiết chế xã hội sở tại (gọi là “Sự Sơ Cứng Thể Chế”).

Ông cho rằng: những vùng đã phát triển và thịnh vượng ở một lĩnh vực nào đó nhiều khi không thể du nhập những mô hình thể chế và văn hóa mới cho dù biết rằng nó sẽ đem lại lợi ích.

Hậu quả là: Tính Đổi Mới, Sự Phát Triển sẽ chuyển đến những nơi mới thích hợp hơn. Đây cũng là lý do vì sao kinh tế Anh rơi vào chậm phát triển trong khi Mỹ trở thành cường quốc kinh tế. Olson cũng coi đó là lý do của sự dịch chuyển các trung tâm công nghiệp của Mỹ từ vùng Đông Bắc sang vùng Tây Nam.

Theo Olson, ở các thành phố công nghiệp cũ, các chuẩn mực văn hóa, cách ứng xử đã bắt sâu rễ và không chấp nhận các chuẩn mực mới của sự Canh Tân. Điều này ngăn cản các động lực sáng tạo, dẫn đến cộng đồng sáng tạo chuyển đến những nơi mới đón chào sự sáng tạo.

(Còn nữa)