Trang chủ » Doanh nhân » Kỷ nguyên thông tin ép CEO Việt phải sáng tạo

Kỷ nguyên thông tin ép CEO Việt phải sáng tạo

Tác giả:

Từ Diễn đàn “Lãnh đạo sáng tạo”, do trường Doanh nhân PACE và IBM tổ chức vừa qua tại Hà Nội, đã nổi lên một thông điệp: Những thay đổi lớn trong xu hướng tiêu dùng đã là một sức ép cho các CEO sẽ phải thay đổi và sáng tạo hơn để có thể tồn tại.

Cứ minh bạch, sẽ lấy được lòng khách

Ông Suresh Shankar, Giám đốc phụ trách phân tích thị trường IBM GPS, chia sẻ, những quy luật chính thống trong kinh doanh đã bị thay đổi. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin ngày càng đa dạng và phức tạp, những CEO ưu tú nhất sẽ vận động ứng phó theo 3 phương thức:

Một là họ sẽ phải chấp nhận sự bất ổn và phức tạp trong một môi trường mới, chấp nhận cả những rủi ro để từ đó, vượt qua khỏi ranh giới của một cách quản lý dò dẫm. Phương thức thứ hai, sau sự chấp nhận là việc chủ động quản lý, nắm bắt sự phức tạp và quản lý nó một cách có hệ thống và họ sẽ đơn giản hóa bất cứ khi nào có thể. Lúc này, tư duy làm việc là phải nhanh chóng và linh hoạt.

“Và trong sự bùng nổ thông tin này, các CEO sẽ trân trọng khách hàng hơn bất kỳ điều gì khác”, ông Suresh nhấn mạnh.

Theo kinh nghiệm của ông Suresh, cộng đồng người tiêu dùng hiện nay là mong đợi được đáp ứng nhu cầu tức thời. Có 6 xu hướng mà các doanh nghiệp sẽ phải hướng tới khi muốn có nhiều khách hàng đến với mình hơn, đó là: miễn phí, minh bạch, kết nối, luôn sẵn sàng, chia sẻ thời gian, càng ít càng nhiều.

Ông Suresh Shankar, Giám đốc phụ trách phân tích thị trường IBM GPS trình bày tại Hội thảo (ảnh P.Huyền)

Nói riêng về “chiêu” bán hàng… miễn phí, vị chuyên gia này đã đưa ra khá nhiều ví dụ sinh động. Ông kể, nhà sản xuất dao cạo râu nổi tiếng Gillefte, nếu như năm 1903, bán 51 dao cạo và 168 lưỡi thì năm 2008, họ đã có doanh thu trên 40 tỷ USD. Họ thay vì bán cả dao cạo và lưỡi thì họ tặng hẳn dao cạo râu, nhưng lại bán lưỡi dao dùng một lần.

Hay như, giới ngân hàng thì cung cấp thẻ tín dụng miễn phí, nhưng khách phải trả lãi suất. Còn những nhà sản xuất game thì bán bộ điều khiển chơi game với giá rất rẻ, giảm từ 1.000 chỉ còn 300 USD, nhưng họ lại bán các đĩa chơi game khá đắt, tới 60 USD/trò chơi.

Rõ ràng, những chiêu thức này đã dụ được khách hàng, vì nó đánh trúng tâm lý, thích được miễn phí của mọi người tiêu dùng.

Lẽ thường, kinh doanh có những bí mật riêng của doanh nghiệp, nhưng theo ông Suresh, sự minh bạch trong thời đại này lại là một lợi thế để lấy lòng khách hàng hơn.

Ông khẳng định, những doanh nghiệp nào có thể minh bạch đến mức so sánh giúp cho người tiêu dùng thông tin sản phẩm cùng loại, sẽ luôn được khách hàng đánh giá tốt hơn.

Ví dụ như một doanh nghiệp giới thiệu căn hộ của mình, nhưng có sự so sánh rõ ràng với các căn hộ xung quanh, sẽ giúp cho khách hàng tiết kiệm thời gian, không phải tra cứu. Ngay cả một công ty bảo hiểm ở Mỹ, đã so sánh thẳng băng tỷ lệ phí báo hiểm của họ với công ty khác. Và dù công ty này phải trả phí cao hơn nửa điểm % nhưng khách hàng vẫn cứ chọn họ, vì chính họ đã giúp người ta tiết kiệm thời gian.

Trong lĩnh vực bán lẻ, một nhà cung cấp dịch vụ ở siêu thị Anh đã so sánh giá cả của mình với giá cả ở rất nhiều dây chuyền siêu thị khác.

Ông nói, các vị doanh nghiệp có muốn giấu thông tin cũng không được, cứ minh bạch đi vì sự minh bạch ấy cũng không làm cho giá rẻ đi nhưng làm cho khách hàng tiết kiệm được thời gian trong quy trình đánh giá, lựa chọn sản phẩm. Bởi ngày này, người tiêu dùng có tiền, nhưng đang thiếu thời gian! Chính sự minh bạch đó sẽ giúp cho doanh nghiệp xây dựng được mối quan hệ tốt hơn với khách hàng.

Sức mạnh của mạng xã hội

Đáng chú ý hơn, ông Suresh cho hay, giờ đây, người tiêu dùng đã ngày càng tin vào các mạng xã hội như Facebook… hơn là quảng cáo. Theo nghiên cứu của Nielson, 86% người tiêu dùng không còn tin vào quảng cáo rằng các công ty nói thật. 90% người tiêu dùng tin vào tư vấn của bạn bè hơn, và 92% người tiêu dùng sẽ “thiên vị” yêu quí một sản phẩm nào đó do tác động từ lời nói của bạn bè.

Tuy nhiên, cũng có 70% người tiêu dùng tin tưởng vào một thương hiệu bán hàng nào đó, như các trang web thương mại.

Việt Nam xếp thứ 17 trong tổng số các nước có cộng đồng online cao nhất. Và có lẽ, các công ty ở Việt Nam không nằm ngoài xu hướng sử dụng các mạng xã hội để cung cấp thông tin cho khách hàng. 60% người tiêu dùng đã mở mạng trên điện thoại di động khi còn trên giường. Công nghệ kỹ thuật số đã ăn sâu vào đời sống người dân.

Hầu hết những người tiêu dùng của kỷ nguyên này đều tìm tới những cách đơn giản nhất để đáp ứng nhu cầu của mình. Trong một xu hướng mới này, các công ty sẽ cần phải nhanh nhạy hơn, ông Suresh nói.

Và theo ông, đây là kỷ nguyên của bùng nổ thông tin, là thời khắc đứng trước sự lựa chọn “làm, hay thất bại”. Muốn trụ được, các CEO sẽ phải bắt tay hành động ngay.

Các CEO tham dự hội thảo (ảnh P.Huyền)

Ông Võ Tấn Long, Tổng giám đốc IBM Việt Nam, cho biết, năm 2010, Viện nghiên cứu toàn cầu về CEO của IBM đã có cuộc làm việc với 1.541 vị lãnh đạo trên toàn thế giới để tìm hiểu về những mong đợi, suy nghĩ, định hướng của họ.

Hơn 1.000 CEO trong số trên đều đánh giá công nghệ là một trong những vấn đề sẽ thay đổi cách thức và bộ mặt quản lý của họ trong vài năm tới.

Ông Long cho hay, công ty đã rút ra kết luận rằng, ba mối quan tâm lớn nhất của các CEO hiện nay là: lãnh đạo một cách sáng tạo, làm thế nào để tái tạo mối quan hệ mới với khách hàng và khả năng vận hành doanh nghiệp một cách uyển chuyển, mềm dẻo.

“Chúng tôi thấy các CEO ở Việt Nam cũng đều có mối quan tâm tương tự như vậy. Có thể nói, sáng tạo là vấn đề mấu chốt trong chiến lược của những doanh nghiệp thành công nhất”.

Ông Võ Tấn Long chia sẻ, ở Việt Nam, các CEO ở nhiều lĩnh vực như ngân hàng, viễn thông, hay sản xuất hàng tiêu dùng… đều trăn trở nhất một điều là, làm thế nào tìm ra được nhiều cách mới để mang lại doanh thu? Làm thế nào để có nhiều khách hàng hơn? Làm thế nào để kiểm soát nguồn thông tin, để chia sẻ một cách thông suốt giữa các bộ phận nhân viên, để có một tư vấn tốt hơn.

Sau hàng loạt những câu hỏi ấy là mối quan tâm làm thế nào để đẩy mạnh các chuỗi giá trị, đưa ra mô hình kinh doanh mới hiệu quả?

Còn ông Suresh nhắc lại câu nói của nhà kinh tế học, khi nói tới tương lai, có 3 kiểu người, người mặc kệ những việc xảy ra theo vốn dĩ của nó, người sẽ bắt tay ngay để tạo dựng tương lai và người chỉ băn khoăn về những điều xảy ra. Vậy, trong thời đại bùng nổ thông tin này, các CEO sẽ đứng ở kiểu người nào?

Sáu xu hướng mà Viện nghiên cứu của IBM tổng kết trên đã và đang làm thay đổi cách thức kinh doanh của các CEO trên toàn cầu. Việc vận dụng khả năng lãnh đạo sáng tạo trong quản lý tổ chức và lấy khách hàng làm trọng tâm khi sáng tạo sản phẩm và dịch vụ chính là hai điểm chung trong chiến lược của những doanh nghiệp thành công nhất.

Quan điểm này cũng rất tương đồng với những nhận định mà Trường Doanh nhân PACE đã đúc kết hơn một thập kỷ qua. Khi mà sự phức tạp và thay đổi trong môi trường kinh doanh đã bắt đầu diễn ra một cách rõ nét.

Đặc biệt, khi nền kinh tế hội nhập toàn diện vào sân chơi toàn cầu, việc tìm kiếm những giải pháp sáng tạo, những hướng đi mới thông minh và hiệu quả hơn sẽ giúp các CEO Việt Nam mang lại giá trị khác biệt cho khách hàng và qua đó góp phần khẳng định vị thế của mình trên thị trường.