Trang chủ » Kinh doanh » Nhà giá rẻ không rẻ

Nhà giá rẻ không rẻ

Tác giả:

Giá bán nhà thu nhập thấp tại Dự án Khu đô thị Đặng Xá Gia Lâm (Hà Nội) do Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera làm chủ đầu tư là 11,6 triệu đồng/m2 (đã bao gồm thuế VAT).

Ông Lê Ngọc Ước, Phó giám đốc Công ty cho biết, đây là mức giá hợp lý do doanh nghiệp tiết giảm được chi phí đầu vào như: chi phí tư vấn thiết kế, vật liệu xây dựng mua thẳng từ nhà máy của Tổng công ty Thuỷ tinh và Gốm xây dựng (Viglacera) và được vay vốn ưu đãi.

Trong các dự án nhà ở dành cho người có thu nhập thấp đang nhận hồ sơ bán nhà ở Hà Nội, chỉ có dự án nêu trên đã công bố giá bán. Còn các dự án khác như: Dự án Khu tái định cư Kiến Hưng do Liên danh Công ty cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai và Công ty cổ phần Xây dựng số 21 Vinaconex làm chủ đầu tư, Dự án tại lô NO10A và NO12 – 3 Khu đô thị Sài Đồng, Long Biên do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 3 làm chủ đầu tư hiện chưa công bố giá bán. Nhiều thông tin cho rằng, giá bán tại các dự án này đang được điều chỉnh tăng lên khoảng 14 triệu đồng/m2.

Giá bán tại các dự án nhà giá rẻ đang được điều chỉnh tăng lên khoảng 14 triệu đồng/m2.

Dù giá nhà dành cho người có thu nhập thấp là hơn 11 triệu đồng hay 14 triệu đồng/m2 thì đây đều làø mức giá khá cao, cao hơn gấp 2 lần nhà dành cho người có thu nhập thấp tại một số địa phương khác như TP.HCM (từ 5,8 đến 8 triệu đồng/m2), Đà Nẵng (5,5 triệu đồng/m2). Trong khi đó, các dự án nhà ở thương mại tại TP.HCM đang được chào bán với mức giá chỉ từ 12 đến 14 triệu đồng/m2.

Rõ ràng là, mức chênh lệch quá cao giữa Hà Nội và các địa phương khác đang là một câu hỏi khó trả lời cho các doanh nghiệp tham gia dự án xây nhà giá rẻ.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, giá bán nhà cho người có thu nhập thấp bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố đầu vào như việc tăng giá vật liệu xây dựng, nhân công, xăng dầu, điện…, nên doanh nghiệp có đề xuất tăng thêm giá nhà là điều dễ hiểu. Ngoài các yếu tố trên, giá thành căn hộ dành cho người có thu nhập thấp cũng phải chịu các chi phí khác, như đầu tư xây dựng hạ tầng, giải phóng mặt bằng, các công trình phúc lợi công cộng…

Tuy nhiên, nếu tăng quá cao lên đến 14 triệu đồng/m2 thì phải xem lại liệu có tình trạng doanh nghiệp “tát nước theo mưa” hay không?

Vấn đề đặt ra là, những dự án nhà ở dành cho người có thu nhập thấp được hưởng nhiều ưu đãi, như được miễn tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, được tăng tỷ lệ và mật độ xây dựng và được vay vốn ưu đãi của Chính phủ. Đó là chưa kể, một số chủ đầu tư còn có ưu thế sử dụng vật liệu “cây nhà lá vườn” như Công ty cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai và Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera.

Trước thông tin về giá nhà dành cho người có thu nhập thấp khoảng 14 triệu đồng/m2, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, trong khi giá vật liệu xây dựng, nhất là xi măng vẫn ổn định, mức giá nhà thu nhập thấp hiện khoảng 10 triệu đồng/m2 là phù hợp. Nếu thông tin về mức giá 14 triệu đồng/m2 đối với nhà giá thấp là có thực, Bộ Xây dựng sẽ cho tiến hành kiểm tra, xem xét và có ý kiến.

Còn ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, mức giá bán nhà dành cho người có thu nhập thấp mà doanh nghiệp đưa ra đều phải căn cứ vào các quy định cụ thể, giá bán phải tính đúng, tính đủ để doanh nghiệp không bị lỗ. Sở Xây dựng Hà Nội có nhiệm vụ thẩm định đơn giá của các đơn vị, đơn vị nào làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.