Trang chủ » Tranh luận » Làm tốt những việc “cũ” cũng đủ tạo nên sức hút FDI

Làm tốt những việc “cũ” cũng đủ tạo nên sức hút FDI

Tác giả:

LTS: “Làm gì để Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của FDI thế hệ mới?” đã trở thành một chủ đề nóng của chương trình bàn tròn trực tuyến diễn ra ngày hôm qua, 25/4 tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam.

Các diễn giả tham gia là các chuyên gia kinh tế trong nước bao gồm TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Pháp chế, VCCI, đặc biệt có hai đại diện của cộng đồng  doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)- ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu (EuroCham) và ông Hank Tomlinson, Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ (AmCham).

Mời bạn đọc theo dõi lược thuật trực tuyến dưới đây. Mọi ý kiến xin gửi về email : [email protected].

Việt Nam đã từng ghi ấn tượng đặc biệt trong giới chuyên gia kinh tế nước ngoài về lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào cao kỷ lục lên tới hàng chục tỷ USD. Có năm, vốn FDI ồ ạt vào Việt Nam đã bằng hơn 60% của tổng sản phẩm trong nước GDP. Thế mà những nghiên cứu gần đây lại gióng lên một hồi chuông lo ngại về chất lượng hoạt động của khu vực này cũng như ghi nhận một sự thất vọng lớn về hiệu ứng lan tỏa cho nền sản xuất kinh tế nói chung.

Mở đầu bàn tròn, các diễn giả nước ngoài đều chia sẻ, ấn tượng nổi bật nhất về Việt Nam vẫn là tài nguyên dồi dào, dân số đông, nhân công rẻ… song điểm cần lưu ý là giờ đây, Việt Nam đang phải cạnh tranh với rất nhiều nước như Thái Lan, Malaysia để thu hút nguồn vốn bên ngoài.

Ông Hank Tomlinson ví von hài hước: “Một đồng nghiệp của tôi kể rằng, các doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam giống như là chuyện khi đi đường, họ thấy ở xa có một cô gái rất xinh đẹp nhưng khi tiến lại gần thì cô ấy… không còn xinh đẹp nữa. Các doanh nghiệp Mỹ tìm hiểu kỹ môi trường đầu tư tại Việt Nam rồi họ nhận thấy có nhiều thách thức như chất lượng lao động, cơ sở hạ tầng đường sá điện, tính minh bạch…”

Từ trái sang phải: TS Nguyễn Đình Cung, ông Hank Tomlinson, nhà báo Phạm Huyền
ông Tomaso Andreatta, ông Đậu Anh Tuấn

Thậm chí, ngay cả câu chuyện tới 20-40% các doanh nghiệp FDI phải trả phí bôi trơn, ông Hank Tomlinson cũng không lấy làm lạ. Ông nói: “Tình trạng này không gây ngạc nhiên cho chúng tôi và cũng không phải là một vấn đề khiến các doanh nghiệp quá lo lắng.”

“Tuy nhiên, Việt Nam sẽ rất dễ mất đi những nhà đầu tư lớn nếu không cải thiện được thực tế này. Các doanh nghiệp FDI Mỹ vẫn rất quan tâm và thấy thị trường Việt Nam hấp dẫn bởi vì họ tin rằng, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải thiện những vấn đề không minh bạch đó”, ông Hank nhấn mạnh.

Ông Tomaso chia sẻ: “Chính phủ Việt Nam đừng quá lo lắng. Việc cần làm hiện nay là khắc phục ngay những hạn chế như hạ tầng cơ sở, thủ tục hành chính, hay chất lượng nguồn lao động đã là một giải pháp tốt để tiếp tục hút vốn FDI rồi”.

Chính phủ Việt Nam không nên điều tiết vi mô quá nhiều. Điều Chính phủ nên làm là đầu tư vào việc nâng cao kiến thức, giảm bớt những quy định ở chính quyền địa phương vì đây là nơi tình trạng lam dụng quyền lực hay xảy ra. Việt Nam có thể học tập những nền kinh tế khác như Singapore hay Malaysia, họ thành công trong việc giải quyết những vấn đề nhỏ thay vì những vấn đề chung chung.

Theo ông Hank và ông Tomaso, ở giai đoạn mới này, Việt Nam phải tập trung thu hút được các ngành có giá trị gia tăng cao hơn. Không chỉ là những ngành công nghệ cao, ngay cả trong sản xuất nông nghiệp, FDI cũng có thể tham gia để tạo nên những sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng lớn hơn thay vì chế biến thô.

Khẳng định thêm về việc “không cần phải lo lắng quá”, ông Tomaso cho biết, công ty Piagio với xe máy Vespa của nước Ý đã vào Việt Nam từ năm 2009 với mục đích sản xuất xe máy tại Việt Nam thay thế cho việc nhập khẩu xe máy từ châu Âu. Điều Piagio đang làm lại ngược với xu thế có nhưng doanh nghiệp FDI ở Việt Nam lại muốn chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu nguyên chiếc, do việc Việt Nam phải giảm thuế trong các cam kết hội nhập.

Ông Tomaso gọi đây là một ví dụ rất thành công về tiếp thị chính trị của Việt Nam.

Còn ông Hank Tomlinson chia sẻ, công ty dầu nhờn Chevron của Mỹ đang dự kiến hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam một dự án trị giá 3 tỷ USD, trong đó Chevron chi 2 tỷ USD. Trong kế hoạch hợp tác này, Chevron sẽ xây dựng một nhà máy điện ở Việt Nam. Điều này cũng xuất phát từ việc, Việt Nam đang rất thiếu điện.

Những câu chuyện trên đều chứng tỏ rằng, sức hút của Việt Nam đối với FDI vẫn rất lớn. Đúng là, Việt Nam phải chủ động mời gọi FDI nhưng theo các diễn giả nước ngoài này, việc thiết thực nhất vẫn là làm tốt những giải pháp mà bấy lâu, Việt Nam đã vạch ra mà chưa làm được.

TS. Nguyễn Đình Cung bày tỏ, Chính phủ cần phải điều chỉnh lại chính sách khuyến khích thu hút FDI theo hướng tạo động lực hơn để thúc đẩy FDI bỏ vốn vào ngành có giá trị gia tăng cao. Theo ông, các chính sách ưu đãi đầu tư hiện nay đang khắc sâu thêm lợi thế về chi phí thấp và do đó, những gì ta có cũng chỉ là những ngành có giá trị gia tăng thấp. Thậm chí trong những ngành có giá trị cao, FDI vào Việt Nam lại chỉ chọn những khâu có giá trị thấp để sản xuất tại Việt Nam.

“Đừng đòi hỏi các nhà đầu tư. Điều đó khiến chúng ta phải xem lại chính sách của mình, nhìn nhận lại yêu cầu của họ để biết cái gì họ cần mà chủ động kêu gọi”, ông Cung nói.

Bên cạnh đó, theo TS Nguyễn Đình Cung, một việc đầu tiên mà Chính phủ phải kiên trì làm được là ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách nền kinh tế theo cơ chế thị trường nhanh chóng hơn. Đây có thể coi là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo và dựa vào đây, chúng ta có thể tăng cường niềm tin đối với các doanh nghiệp FDI thế hệ tương lai, chất lượng cao.

Mời bạn đọc theo dõi toàn văn trực tuyến sẽ được đăng tải vào ngày 27/4.