Trang chủ » Doanh nhân » “Tình cờ” thành nữ DN giàu bậc nhất Ấn Độ

“Tình cờ” thành nữ DN giàu bậc nhất Ấn Độ

Tác giả:

Kiran Mazumdar – Shaw là một trong số những người phụ nữ giàu có nhất tại Ấn Độ. Bà đã sáng lập ra Biocon – một công ty công nghệ sinh học và là nhà sản xuất insulin lớn nhất châu Á.

Tuy nhiên, vị chủ tịch kiêm giám đốc quản lý này cho rằng, thành công đến với bà là nhờ tinh thần tự lực cánh sinh chứ không hẳn là nhờ tinh thần doanh nhân. Trước khi trở về Ấn Độ để theo bước cha là một bậc thầy về ủ bia, bà Mazumdar-Shaw đã được đào tạo chuyên ngành sản xuất bia tại Úc. Lúc mới về nước, bà đã phải rất chật vật đi tìm việc do ngành này gần như chưa có đất cho nữ giới dấn thân vào. Bà nói: “Đàn ông hoàn toàn chiếm ưu thế trong ngành công nghiệp sản xuất bia. Đây chính là pháo đài vững chắc của họ”.

Từ một sự tình cờ…

Bà đã nỗ lực hết sức để không bị từ chối, bởi “bà thực sự muốn làm một điều gì đó ý nghĩa trong cuộc đời mình”. Chính cá tính mạnh mẽ này là động lực để bà thành lập công ty riêng, dù vẫn phải thú nhận rằng cơ hội đến một cách rất tình cờ.

Bà kể: “Đây là lý do tại sao tôi nói mình “tình cờ” trở thành một doanh nhân. Tôi có cơ hội gặp gỡ một doanh nhân muốn mở một cửa hàng ở Ấn Độ và đề nghị tôi cùng tham gia”. Cuộc gặp đó đã giúp bà có thêm tự tin để dấn thân vào lĩnh vực phát triển và sản xuất các loại enzim. Bà không hề nản nòng khi phải chuyển từ chuyên ngành sản xuất bia sang kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

“Sản xuất bia cũng là một dạng công nghệ sinh học. Tôi có thể nói rằng mình là một chuyên gia công nghệ thực thụ. Do vậy dù có sản xuất bia hay enzim thì công nghệ về cơ bản cũng như nhau”.

Trở thành nữ doanh nhân

Dần dần bà chuyển sang lĩnh vực sản xuất dược phẩm. Doanh thu từ sản phẩm enzim được bà đầu tư cho nghiên cứu và sản xuất dòng sản phẩm mới này. Bà cho rằng đây là một động thái kinh doanh khá khôn ngoan. Bà kể lại: “Do không có quỹ đầu tư ở Ấn Độ nên tôi buộc phải tạo ra mô hình kinh doanh dựa trên doanh thu và lợi nhuận của công ty. Điều này khiến chúng tôi trở thành một mô hình khác biệt so với mô hình công ty công nghệ sinh học điển hình, phần lớn phụ thuộc vào các quỹ đầu tư mạo hiểm”.Tuy nhiên, bà cũng gặp không ít khó khăn do định kiến giới tính vẫn còn rất mạnh mẽ ở Ấn Độ. Các ngân hàng sợ không dám cho bà vay vốn vì sợ gặp rủi ro cao.

Kiran Mazumdar-Shaw cho rằng, chính chuyên ngành đào tạo về sản xuất bia đã giúp bà tự tin sáng lập công ty công nghệ sinh học Biocon.

“Tôi trẻ – mới 25 tuổi đời, các ngân hàng thường sợ cho doanh nhân trẻ vay vốn vì họ nghĩ chúng tôi không có kinh nghiệm kinh doanh…và rồi tôi lại là một trong số những người tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh mới là công nghệ sinh học mà không ai có thể hiểu được”.

Kiran Mazumdar-Shaw cho biết, kinh nghiệm thất bại ban đầu đã cho bà sự kiên cường để theo đuổi mục tiêu. “Tôi quyết tâm thành công trong lĩnh vực này vì tôi đã không thể trở thành bậc thầy trong ngành sản xuất bia. Tôi kiên trì gõ cửa và đề nghị người ta giúp đỡ. Và cuối cùng tôi đã thành công khi thuyết phục một số người ủng hộ và cấp vốn cho tôi. Tôi đã bắt đầu công việc kinh doanh này như thế”.

Bangalore – nơi khởi nghiệp cho những doanh nhân dám nghĩ dám làm

Bà Mazumdar-Shaw thành lập Biocon năm 1978 khi Bangalore vẫn chưa trở thành trung tâm công nghệ sầm uất ở miền Nam Ấn Độ. Bà nhớ hồi đó Bangalore chỉ giống như một “thành phố già cỗi đang chìm trong giấc ngủ” nhưng cũng rất đáng để thử nghiệm.

“Chúng tôi là thế hệ doanh nhân đầu tiên muốn bắt đầu kinh doanh công nghệ cao như công nghệ thông tin, các dịch vụ hay công nghệ sinh học. Khoảng thời gian đó phát ra một nguồn năng lượng khổng lồ, bởi con người được hoàn toàn giải phóng”.

Bà cho biết quá trình chuyển đổi từ một Bangalore yên bình thành một “trung tâm sôi động và tăng trưởng cao” đã tạo ra những nghich cảnh của Ấn Độ. Theo bà, sự tương phản giữa những người cực giàu và cực nghèo – thường có thể thấy rõ nét ở những nơi chỉ cách nhau có vài ki-lô-met, chính là hệ quả của việc không tuân theo chương trình phát triển kinh tế toàn diện của đất nước.

Tinh thần doanh nhân xã hội

Cùng với việc quản lý Biocon, bà Kiran Mazumdar-Shaw cũng thực hiện một vài dự án doanh nghiệp vì cộng đồng. Lĩnh vực bà tham gia là sức khỏe quần chúng.

Từ một thành phố yên bình, Bangalore đã phát triển thành một trung tâm công nghệ sầm uất miền Nam Ấn Độ.

Bà trăn trở: “Tôi rất phiền lòng vì Ấn Độ ko có hệ thống y tế quốc gia, do đó tôi quyết tâm làm một điều gì đó, hy vọng chính phủ sẽ thực sự xây dựng một hệ thống y tế phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân”. Hiện tại bà đã tạo ra một mạng lưới gồm nhiều phòng khám nhỏ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản cho người dân vùng nông thôn. Đây là một phần trong “chương trình bảo hiểm y tế vi mô” do bà tài trợ phần lớn và chỉ nhận một khoản đóng góp rất nhỏ từ những người được hưởng dịch vụ.

Tự mình đứng lên sau thất bại

Theo Kiran Mazumdar-Shaw, tự tin là một nhân tố quan trọng trong tinh thần doanh nhân. Thái độ “tôi làm được” là vô cùng cần thiết, bởi trong thực tế, những khó khăn trở ngại là không thể tránh khỏi. Bà đã nhiều lần thất bại trong công nghệ…trong kinh doanh..và thậm chí là trong nghiên cứu. Nhưng với bà, điều quan trọng là phải biết đối mặt với thất bại, quản lý thất bại và phải thành công sau vấp ngã đó.

Quan trọng là phải phân biệt được thất bại hoàn toàn với vấp ngã tạm thời có thể vượt qua. “Trong trường hợp cụ thể của tôi, tôi đã nhận ra rằng đó không phải là những thất bại hoàn toàn. Khi đó, bạn có thể xây dựng và thay đổi những thất bại này để vươn tới thành công”.