Trang chủ » Điểm nóng » Chịu “đau” để chữa khiếm khuyết của nền kinh tế

Chịu “đau” để chữa khiếm khuyết của nền kinh tế

Tác giả:

Giá cả gia tăng mạnh trong 5 tháng qua đã khiến cho Chính phủ tại cuộc họp thường kỳ mới đây buộc phải tiếp tục “nới rộng” chỉ tiêu lạm phát, lên 15%. Mức này đã gấp đôi so với chỉ tiêu mà Quốc hội thông qua ban đầu là 7%. Tuy nhiên, GDP vẫn ước cho cả năm là 6-6,5% và bội chi ngân sách vẫn đặt mốc là dưới 5% GDP. Chính sách giảm đầu tư công theo kế hoạch đề ra ban đầu là cắt 85.000 tỷ đồng thì nay, đã được quyết sẽ cắt gần 97.000 tỷ đồng trong năm 2011. Các chính sách về tiền tệ, lãi suất liên tục được điều chỉnh theo hướng thắt chặt.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam dù tăng trưởng 6% hay 6,5% hay từng là 8% thì vẫn bị cho là tăng trưởng trong thế mất cân đối vĩ mô ngày càng gia tăng như thâm hụt ngân sách, nhập siêu, lạm phát…, tăng trưởng mà hiệu quả thấp với chi phí cao và kém bền vững. Trong bối cảnh này, tái cấu trúc nền kinh tế phải là yêu cầu số 1 và cấp bách, phải được thực hiện ngay.

Thậm chí, không đơn giản là những giải pháp cụ thể về chuyển dịch cơ cấu kinh tế hay mô hình tăng trưởng kinh tế mà việc tái cấu trúc phải bắt đầu từ chính tư duy phát triển kinh tế của Việt Nam.

Cứng rắn với các khoản đầu tư công

Có một điểm khác biệt rất lớn trong chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát năm nay, đó là thay vì kiềm giá thì Chính phủ đã yêu cầu thắt chắt tài khóa tiền tệ và giảm đầu tư công.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế cho rằng: “Những biện pháp về tiền tệ như Nghị quyết 11 nêu vốn đã từng thực hiện quí II, III của năm 2008, là những giải pháp không mới. Chúng ta đã từng làm và chưa thành công.

Hôm nay, chúng ta đang thực hiện những thứ đã đề ra từ 2008. Vì lẽ đó, những vấn đề  thắt chặt tài khóa, giảm bội chi ngân sách, giảm đầu tư công  là ưu tiên hàng đầu số 1, nhưng Chính phủ phải giảm ở một quy mô đủ lớn để tạo niềm tin của thị trường và dân chúng và từ đây trở đi sẽ có thay đổi căn bản so với trước”.

“Ví dụ như bội chi, không phải là 6,5% xuống 5%, từ 5,5 xuống 5% hiện nay mà phải là xuống 3% GDP. Tuy nhiên, trong báo cáo Chính trị, dự kiến đến 2015, bội chi của ta vẫn là 4,5% GDP, tôi cho rằng là cao. Trong bối cảnh này, cần phải thắt mạnh mẽ đủ mức”, ông Cung nói.

Bộ KH&ĐT khi trình Thủ tướng về đề án chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế cũng nêu giải pháp: cần xem xét để tính đúng, tính đủ các khoản chi đầu tư và ngân sách Nhà nước theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, nhất là các khoản đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ, bằng vốn vay và nguồn khác của các cấp chính quyền.

Đã đến lúc nền kinh tế Việt Nam và từng DN phải chịu “đau” để tái cấu trúc lại theo hướng phát triển chiều sâu và hiệu quả hơn.

Bộ này cũng nhấn mạnh rằng, giảm mức bội chi 3%-3,5% GDP cần thực hiện ngay trong năm tới. Thậm chí, phải kiên quyết hơn như thực hiện chi ngân sách theo đúng dự toán đã được Quốc hội thông qua, tất cả các khoản vượt thu ngân sách so với dự toán phải đưa vào Quỹ dự phòng, không phân bổ, tăng các khoản chi cao hơn dự toán đã được phê duyệt. Việc sử dụng quĩ này phải do Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua. Đồng thời, chính các địa phương cũng buộc chỉ thực hiện đầu tư phát triển trong phạm vi số vốn được duyệt.

Đáng chú ý, bộ này còn đề xuất, ngay cả việc cấp vốn cho dự án cũng cần có tiêu chí lấy hiệu quả kinh tế là thước đo số 1. Ví dụ như chỉ dự án đạt mức hiệu qủa kinh tế ROI tối thiểu 10% thì dự án đó mới được chọn. Trong số các dự án đầu tư cùng loại, với số vốn đầu tư đã được xác định, chỉ những dự án có hiệu quả kinh tế cao hơn thì sẽ được ưu tiện lựa chọn. Các yếu tố khác như hiệu quả chính trị chỉ là tiêu chí bổ sung.

Sớm nhường thêm sân cho tư nhân

Tái cơ cấu nền kinh tế hay nói cách khác, thay đổi lại cách thức phân bổ nguồn lực trong xã hội để nền kinh tế có sức cạnh tranh tốt hơn và phát triển bền vững hơn.

Tiến sĩ Cung cho rằng, một môi trường cạnh tranh bình đẳng phải sớm được thiết lạp giữa các thành phần kinh tế. Còn như hiện nay, ba nhóm DN là FDI, DN Nhà nước và DN tư nhân đang tách biệt nhau, không bổ sung cho nhau mà lại chèn lấn nhau. Kinh tế tư nhân bị FDI chèn lấn trong khu vực sử dụng lao động, DN Nhà nước chen chân trong ngành có chiến lược phát triển ngành, mặc nhiên chiến lược của DN Nhà nước trở thành chiến lược phát triển ngành đó.

Kết quả là tuy DN tư nhân có quyền tự do kinh doanh mọi ngành nhưng dư địa cho DN tư nhân phát triển là tương đối hạn chế. Điều đó bắt nguồn từ sự bất hợp lý của hệ thống hỗ trợ dành cho các thành phần kinh tế.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách kinh tế (VEPR), Đại học kinh tế Hà Nội, điều đầu tiên là phải thay đổi bản chất tư duy về mô hình tăng trưởng kinh tế hiên nay.

Trung tâm này phân tích, tư duy cũ về hình tượng Tập đoàn kinh tế Nhà nước sẽ liên tục mâu thuẫn với sự phát triển của kinh tế thị trường và hội nhập toàn cầu, vì các Tập đoàn này không tự tạo cho mình động lực thực sự để thường xuyên cải cách, đổi mới nhằm phù hợp với môi trường kinh tế đa dạng.

Tuy vậy, do hiện nay các Tập đoàn vẫn còn chi phối đáng kể một số lĩnh vực sản xuất quan trọng thì Chính phủ phải làm sao hình thành tư duy cải cách để chính những “anh cả” này sẽ là đầu tầu nâng đỡ khu vực tư nhân, tạo dựng thị trường cho khu vực tư nhân trong lĩnh vực đó.

Nhà nước cần phải thu gọn hoạt động kinh tế, tập trung vào những hoạt động cung cấp phúc lợi nhiều hơn là kinh doanh. Theo phân tích của báo cáo kinh tế Việt Nam của VEPR, qua quá trình cổ phần hóa, bán tài sản trong các doanh nghiệp Nhà nước sẽ giúp giảm sức ép chi ngân sách trong tương lai, hoặc những biến cố rủi ro tài chính như chuyện DN Nhà nước bị phá sản và đòi hỏi sự “giải cứu” của Chính phủ. Các chuyên gia báo cáo này cho rằng, khi khu vực DN Nhà nước thu hẹp lại, chất lượng đầu tư xã hội tăng lên thì sẽ cải thiện được sự mất cân đối vĩ mô hiện nay.

Nói cách khác, tái cơ cấu để có một nền kinh tế vững mạnh ổn định phải bắt đầu tư việc tái cơ cấu lại cách phân bổ nguồn lực và tư duy về mô hình tăng trưởng.