Trang chủ » Tranh luận » Chứng khoán: Trường phái kiên nhẫn mai phục đã thành công

Chứng khoán: Trường phái kiên nhẫn mai phục đã thành công

Tác giả:

Tâm lý nhà đầu tư đã gần như đổi thay đổi 180 độ. Nếu cách đây không lâu họ lâm vào tình trạng tuyệt vọng và kêu gào bằng đủ các tán thán từ gây ấn tượng, thì nay đã có những người dám bạo gan khẳng định thị trường đã lập đáy dài hạn. Hai tâm trạng như thế chỉ cách nhau có ít ngày!

Những nhà đầu tư thuộc trường phái kiên nhẫn mai phục đã thành công. Không biết họ chủ trương bắt đáy từ lúc nào và có bao nhiêu phần trăm trong số họ bắt sát đáy 69 điểm của HNX, nhưng phần lớn chỉ quan tâm đến việc mặt bằng giá cổ phiếu đã quá rẻ và đây là “cơ hội mười năm có một”, do đó phương án bền vững nhất vẫn là mua dần và mua trung bình giá. Nổi lên trên tất cả, những người này đang có tiếng nói lấn át trên các diễn đàn chứng khoán, cho dù rất có thể vài tháng tới đây họ sẽ nằm trong số người bi quan.

“Có ai giúp tôi bỏ chứng khoán với?” – một nhà đầu tư đã kêu than trước sự cám dỗ trong những phiên tăng xanh thẳm của thị trường. Chính nhà đầu tư này đã thề sẽ không mua vào nữa cho dù thị trường tăng vì nỗi lo sợ bẫy tăng giá, nhưng chứng khoán đúng là chứng khoán, chỉ cần có lực đẩy lên của tổ chức là y như rằng, lần nào cũng như lần nào, vẫn có những nhà đầu tư lao theo mua đuổi, bất chấp những dấu hiệu hoàn toàn chưa rõ ràng về khả năng phục hồi của thị trường.

Còn những nhà đầu tư đã phải cắn răng cắt lỗ và đã quá sợ hãi nhóm MM thì luôn lên tiếng cảnh báo, một sự cảnh báo đầy ý thức trách nhiệm về nguy hiểm của thị trường và những mất mát còn lớn hơn nữa có thể diễn ra về tài chính và cả những hậu quả xã hội. Có nhà đầu tư còn tâm nguyện rằng thà anh ta chịu mất hết nhưng cứ để cho thị trường chứng khoán (TTCK) đóng cửa luôn cũng vui lòng, chứ không cam tâm nhìn bà con đồng nghiệp lâm, vào cảnh tan nát nhà cửa.

Rốt cuộc, khi nhìn vào đồ thị thị trường với đỉnh sau cứ tiếp tục cao hơn đỉnh trước, chẳng mấy ai kềm lòng được. Mặc cho các công ty chứng khoán luôn bày tỏ thái độ thận trọng và hết lời khuyên nhủ, tiền đầu tư nhỏ lẻ vẫn chảy vào thị trường như suối như sông. Những nhà đầu tư thận trọng nhất cũng đã bắt đầu muốn thử. Thì cứ thử một chút xem nào, ai mà biết được.

Vào những ngày cuối tháng 2/2009, thị trường cũng đâu có khá bây giờ là mấy, cũng đỏ lửa, cũng đầy tiếng than oán, kêu cứu… Rồi bỗng chốc thị trường khựng lại, không lao dốc nữa. Khi đó người ta vẫn chưa thể biết được là nó còn tiếp tục đổ dốc hay không. Chỉ biết rằng nó cũng làm thành một đường đi ngang với đáy sau cao hơn đáy trước. Vài tuần sau, người ta bất ngờ khi thấy thị trường bật lên mạnh mẽ. Đến lúc đó thì không ai bảo ai, tất cả đều hô hào cho con sóng tăng trưởng của thị trường, hô hào lấy lại những gì đã mất.

Giờ đây cũng vậy, những gì đã mất sẽ có cơ hội để lấy lại phần nào. Mà biết đâu đấy, nếu là đáy dài hạn rồi thì có khi còn lấy lại hết, có khi còn lời lãi nữa là đằng khác.

Chỉ tội nghiệp bộ phận phân tích kỹ thuật của các công ty chứng khoán. Thời buổi này mà còn đi phân tích cái chỉ số méo mó VNI để làm gì? Nhà đầu tư nào còn quan tâm đến điều đó, mà thay vào đó, họ nhìn thấy tương lai tươi sáng hơn của tháng Sáu này, một miền đất hứa đang được hứa hẹn sẽ giảm đà tăng phi mã của lạm phát, sẽ giảm dần lãi suất huy động và lãi suất tiết kiệm, sẽ được Chính phủ quan tâm bằng những biện pháp “cứu chứng khoán” mà các ngành tài chính, ngân hàng đang soạn thảo.

Vì thế, thời buổi của nhận định lạc quan về thị trường dường như đang trở lại. Nếu muốn thu hút khách hàng và diễn đàn nhà đầu tư thì công ty chứng khoán liệu mà nói tốt cho thị trường. Tốt nhất là cứ tạm khẳng định thị trường đang ở vùng đáy. Cách nói này có ưu điểm ở chỗ vừa không làm nhụt chí, không làm mất lòng nhà đầu tư, khách hàng, cũng vừa không lệch pha nhiều so với quan điểm “giảm dài hạn” của họ cách đây không lâu.

Vùng đáy là một từ ngữ có tính rất chi là trừu tượng. Nói là vùng đáy nhưng có nhiều loại khác nhau. Thị trường chỉ giảm thêm, một chút nữa thôi cũng được coi là đã đến vùng đáy. Thị trường đi ngang càng đương nhiên được xem là vùng đáy. Còn thị trường răng cưa đi lên thì khỏi phải nói. Chỉ sợ nhất là thị trường lao dốc, vì khi đó vùng đáy hay đường đáy sẽ không còn ý nghĩa gì nữa, tất cả những nhận định phân tích kỹ thuật gì gì đó sẽ bị nhà đầu tư quay lưng lại hết.

Lại nhớ về năm 2007 sôi trào cảm xúc. Bill Boner – phóng viên của tờ The Dayly Reckoning Australia, trong một lần đến Hà Nội đã viết: “Những nhà đầu tư non nớt của Việt Nam có thể chẳng có chút kiến thức nào. Các nhà đầu tư của Việt Nam không hề có khái niệm đối với hai từ “bong bóng’ (bubble) và “đổ vỡ” (crash). Nhưng tôi cá rằng, khi ngày càng có nhiều người Việt giàu lên vì chứng khoán thì tiếng Việt cũng sẽ được “làm giàu” với hai từ này“.

Hình như Bill có chỗ sai trong nhận xét của mình: hiển nhiên là kiến thức nhà đầu tư Việt bây giờ hơn hẳn năm 2007 chứ. Những nhà đầu tư đã tự an ủi nhau là họ không còn ngốc nghếch đến độ để cho lũ cá mập ăn thịt. Thế nhưng rõ ràng là Bill Boner lại đã đúng: từ năm 2010 các nhà đầu tư và giới chuyên gia phân tích chứng khoán của chúng ta đã nằm lòng từ “bong bóng”, còn sang năm 2011 thì từ “đổ vỡ” ngày càng được nhắc đến nhiều hơn.

Có người lại quan niệm cứ khi nào hai từ ngữ trên xuất hiện với tần suất dày đặc thì khi đó thị trường hẳn đã lập đáy. Cứ sau những phiên tăng điểm ấn tượng của thị trường trong thời gian gần đây, lại có công ty chứng khoán khuyên nhà đầu tư bắt đầu có thể đầu tư dài hạn. Nhưng cũng chính công ty này trước đó đã thật bi quan khi cho rằng thị trường vẫn còn đang nằm trong kênh giảm dài hạn. Vậy là thế nào? Nhà đầu tư phải làm gì đây? Chẳng lẽ cứ cắm cổ đầu tư dài hạn trong một thị trường giảm dài hạn ư?

Nhưng mà thôi, tạm gác lại cái chuyện nhức đầu ấy. Thị trường đang tăng tốt, vậy đáy nào thì cũng là đáy. Lướt sóng !