Trang chủ » Kinh tế 24h » Đường ăn “chảy” qua Trung Quốc

Đường ăn “chảy” qua Trung Quốc

Tác giả:

Từ việc không đồng ý nhập khẩu đường để giữ giá trong nước, mới đây Hiệp hội Mía đường VN có văn bản gửi các bộ và doanh nghiệp (DN) khuyến cáo về việc thị trường đường đang có sự biến động theo chiều tăng giá.

Lo ngại thiếu đường

Thưa ông, có thông tin Hiệp hội Mía đường kiến nghị cho nhập khẩu đường để bình ổn giá trong nước?

Ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường VN: Vừa qua, hiệp hội có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công Thương và các DN liên quan đến mặt hàng đường. Hiệp hội đề nghị DN vẫn tiếp tục bán đều đặn ra thị trường đã đăng ký. Văn bản khuyến cáo: Nếu thị trường biến động, có thể hiệp hội sẽ đề nghị nhập khẩu để ổn định thị trường. Tuy nhiên, đây mới là ý kiến của hiệp hội chứ chưa phải là đề nghị chính thức nhập khẩu đường.

Theo thống kê của hiệp hội vào ngày 15/5, lượng tồn kho trong DN khoảng gần 500.000 tấn đường. Hiện lượng đường tồn kho còn thấp hơn con số trên rất nhiều. Tồn kho đường thấp vì ngoài tiêu thụ trong nước gia tăng, gần đây một lượng đường khá lớn được xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch và xuất lậu.

Nếu Nhà nước điều hành linh hoạt, giá đường sẽ không biến động lớn.

Điều làm dư luận khó hiểu vì cách đây chưa lâu hiệp hội đề nghị không nên nhập và nay lại có thể kiến nghị nhập khẩu để bình ổn?

Đến nay, quyết định ngưng và hoãn nhập đường của Bộ Công Thương vẫn có giá trị. Quyết định này đã có tác động tích cực làm thị trường đường ấm lên vào thời điểm giữa tháng 5. Tuy nhiên, cái khó của thị trường đường là không kiểm soát được việc xuất hay nhập lậu ở biên giới Tây Nam, các tỉnh miền Trung và Trung Quốc.

Theo thông tin chưa chính thức, đến cuối tháng 5 đã có khoảng 70.000-80.000 tấn đường xuất qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch và cả lậu. Đến nay con số này có thể lên tới 100.000 tấn. Một thị trường nhỏ bé như Việt Nam, việc dư hay hụt khoảng 100.000 tấn trong thời điểm ngắn sẽ khiến thị trường xáo động rất lớn. Trong văn bản gửi hai bộ, hiệp hội cũng kiến nghị phải kiểm soát chặt việc này.

Khó kiểm soát

– Vậy kiến nghị xuất hay nhập của hiệp hội đều bắt nguồn từ diễn biến thị trường, thưa ông?

Tất cả kiến nghị đều dựa theo cung cầu của thị trường. Hiện nay Chính phủ đang chống lạm phát, cho nên quan điểm hiệp hội muốn giữ giá đường ở mức hợp lý. Theo đó, giá bán buôn khoảng 18.000 đồng/kg ở thời điểm tháng 5, tháng 6. Mức giá này đảm bảo DN và người trồng mía đều có lãi.

Mới đây, hiệp hội còn có ý kiến nếu kiểm soát thị trường tốt, Nhà nước nên điều hành linh hoạt theo hướng lúc cho xuất, lúc cho nhập khi thị trường biến động. Đây là biện pháp vừa cân đối cung cầu, vừa giữ giá cả hợp lý, góp phần bình ổn thị trường.

Giá đường từ nay đến vụ mới liệu còn biến động nữa không, thưa ông?

Điều này còn phụ thuộc vào việc cho phép nhập đường theo giấy phép của Bộ Công Thương và kiểm soát đường xuất nhập lậu, kể cả qua đường tiểu ngạch. Nếu chúng ta không kiểm soát tốt tình trạng xuất nhập lậu thì khả năng thiếu hoặc thừa đường đều có thể xảy ra.

Thưa ông, hiện tại DN bán đường với giá bao nhiêu?

Do thị trường biến động nên giá đường tăng trên 18.000 đồng/kg. Thậm chí ở Hà Nội và biên giới phía Bắc, giá đường đã lên mức 19.000-19.500 đồng/kg. Giá bán lẻ chắc phải cao hơn. Trước biến động đó, hiệp hội có văn bản đề nghị DN nên giữ ở mức 18.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, công văn của hiệp hội cũng dừng ở mức khuyến cáo chứ không thể cấm DN bán giá cao được. Hiệp hội chỉ lo một điều là thị trường biến động ngắn hạn do việc xuất sang Trung Quốc, dẫn tới Bộ Công Thương cho phép nhập khẩu, cộng với đường lậu từ biên giới Tây Nam tràn sang thì trong thời gian tới giá đường sẽ tụt dốc một lần nữa. Lúc đó cả DN và người trồng mía sẽ gặp khó khăn.

– Xin cảm ơn ông.

Không nắm được lượng tồn kho của DN phân phối

Ước tính của hiệp hội, hiện lượng đường tồn kho thấp hơn con số 500.000 tấn. Tuy nhiên, đây là con số tồn kho của các DN thuộc hiệp hội. Còn lượng tồn kho tại các DN thương mại và các cửa hàng phân phối lẻ thì hiệp hội không nắm được.

Ông NGUYỄN HẢI,Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường VN

Từng phản ứng quyết định nhập khẩu đường

Năm 2011, sau khi cân đối tình hình sản xuất và nhu cầu tiêu thụ, Bộ Công Thương quyết định cấp hạn ngạch nhập khẩu 250.000 tấn đường. Tuy nhiên, quyết định này đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ phía Hiệp hội Mía đường VN. Hiệp hội này cho hay quyết định nhập khẩu rơi vào thời điểm vụ ép mía chính khiến nguồn cung thêm dồi dào, gây khó khăn cục bộ cho ngành mía đường. Hiệp hội cũng cam kết từ đây đến cuối năm cả nước sẽ không thiếu đường nên không cần nhập khẩu thêm. Trước tình hình này, Bộ Công Thương phải tạm hoãn và giãn tiến độ nhập khẩu đường.

Xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm

Hiện giá đường trong nước tăng cao nên tình trạng xuất khẩu đường sang Trung Quốc không còn nhiều. Lượng tồn kho hiện nay đảm bảo cung cấp ổn định cho thị trường trong nước đến tháng 10-2011. Nhận định đường thừa hay thiếu cần phải có sự phân tích, tổng hợp từ nhiều phía. Các DN đường có khi chỉ vì quyền lợi của mình đã đưa ra nhận định không đúng khiến nhiều khi thị trường loạn cả lên.

Ông ĐOÀN XUÂN HÒA, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ NN&PTNT