Trang chủ » VNR500 & FAST500 » Báo cáo tích hợp toàn diện: Kim chỉ nam cho DN

Báo cáo tích hợp toàn diện: Kim chỉ nam cho DN

Tác giả:

Với tư cách là những cổ đông chính của bất kỳ công ty nào, các chuyên gia phân tích và các nhà đầu tư  đang gửi một thông điệp rõ ràng nhất tới các COO, CEO, CFO và Hội đồng Quản trị rằng các hoạt động phi tài chính của công ty cũng có tầm quan trọng sánh ngang với các hoạt động tài chính trong việc tạo ra và duy trì danh tiếng của công ty trên thị trường. Những gì họ đang tìm kiếm ngày nay là những báo cáo tích hợp toàn diện – báo cáo kết nối cung cấp những dữ liệu về thực hiện các chỉ số phi tài chính, bao gồm Quản lý, Môi trường và Xã hội (ESG) và những dữ liệu về hoạt động của công ty. Điều này không đơn thuần chỉ là việc đính một bản báo cáo hàng năm với một báo cáo trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) hay một bản báo cáo đánh giá bền vững với nhau; thay vào đó là những thực tiễn hoạt động ESG được tích hợp vào thực tiễn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Tối đa hoá giá trị tài sản cho cổ đông không có nghĩa là ban điều hành công ty lờ đi vấn đề trách nhiệm đối với xã hội, chẳng hạn như bảo vệ người tiêu dùng, trả lương công bằng cho nhân viên, chú ý đến bảo đảm an toàn lao động, đào tạo và nâng cao trình độ của người lao động… và đặc biệt là ý thức bảo vệ môi trường. Chính trách nhiệm xã hội đòi hỏi ban quản lý không chỉ có chú trọng đến lợi ích của cổ đông (shareholders) mà còn chú trọng đến lợi ích của những người có liên quan khác (stakeholders).

Trên thực tế, chúng ta sẽ biết một điều rằng, chỉ có thông tin tài chính đơn thuần chưa nói lên được gì nhiều về hoạt động thực sự của một doanh nghiệp, bởi một mặt, chính những thông tin và hoạt động phi tài chính của doanh nghiệp ngày càng có ảnh hưởng đáng kể đến uy tín và hoạt động của doanh nghiệp; mặt khác, sự tiến bộ của công nghệ tương tác dữ liệu, như các chuẩn XBRL (ngôn ngữ báo cáo kinh doanh mở rộng), có thể giúp chúng ta tiếp cận thông tin một cách dễ dàng và chính xác hơn.

Thị trường đang hướng sự quan tâm nhiều hơn tới các thông tin phi tài chính của các tổ chức, các công ty để hiểu rõ hơn về hiệu suất, giá trị và danh tiếng của họ. Những điều mà các nhà đầu tư và khách hàng cần biết về doanh nghiệp, không chỉ là lượng tài sản kếch xù nằm trong sự quản lý của doanh nghiệp và phải tuân theo Tiêu chuẩn về Đầu tư có trách nhiệm của LHQ (UNPRI), mà còn là lượng vốn cổ phần, vốn liên doanh liên kết hoặc các quỹ dự phòng dành cho việc phân bổ danh mục đầu tư quan trọng của công ty. Qua đó, có thể đo lường và nhận biết được các hoạt động của công ty và việc thực hiện các chỉ số ESG.

Tata Group là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện báo cáo tích hợp toàn diện

Những doanh nghiệp không tuân theo quy định tốt về ESG phải đối mặt với rủi ro danh tiếng và tài chính, điển hình là các thương hiệu toàn cầu như Coke & Nike, những thương hiệu có cổ phiếu bị loại khỏi danh mục quản lý tài sản đầu tư trong vài năm qua vì đã không thực hiện đúng cam kết về ESG.

Tuy nhiên chúng ta cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, ngày nay, những nỗ lực để đưa ra các báo cáo tích hợp cả các thực tiễn thực hiện ESG và hoạt động của công ty vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Vẫn còn thiếu một số ‘chất xúc tác’ quan trọng trên lộ trình hướng tới báo cáo tích hợp hoàn chỉnh. Những ‘chất xúc tác’ này cần phải được giải quyết triệt để đưa ra một báo cáo tích hợp toàn diện với khả năng giám sát của người sử dụng. Chúng ta sẽ cùng điểm qua những thách thức này :

1. Những thách thức

1.1. Thông tin phi tài chính và Giá trị kinh tế

Có thể nói, thách thức lớn nhất là việc thiếu một mối liên kết được xây dựng một cách rõ ràng giữa thực tiễn thực hiện ESG và giá trị kinh tế hay tài chính. Thường thì những khái niệm đưa ra trong báo cáo ESG là mơ hồ, khó định lượng và thậm chí khó xác minh.

Tuy nhiên, những thông tin ESG đáng tin cậy và chính xác lại hết sức cần thiết cho các nhà đầu tư, nhà quản lý, chính phủ, thị trường vốn và đông đảo công chúng ngày nay. Một số tin nóng trên báo chí gần đây đã cho thấy rõ điều này. Đó là trường hợp cổ phiếu của người khổng lồ dầu mỏ BP rớt giá thảm hại sau những nỗ lực nhằm ngăn chặn vụ rò rỉ dầu ở vịnh Mexico thất bại, làm thiệt hại hơn 23 tỷ đô-la giá trị thị trường chỉ trong một ngày.

Động thái bán phá giá cổ phiếu công ty này của các nhà đầu tư (cả các nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư tư nhân) khiến chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn vào mối liên kết giữa hoạt động ESG và hiệu suất tài chính. Song, các lực lượng trên thị trường chung quy vẫn chưa hoàn toàn nắm rõ mối liên kết này.

1.2. Độ tin cậy và tín nhiệm thị trường

Báo cáo tài chính có độ tin cậy và lịch sử tương đối lâu đời – thể hiện ở chỗ có khá nhiều chuẩn mực về tính toán và đo lường được xây dựng một cách đầy đủ và được giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng chuyên ngành. Do vậy, thị trường đặt niềm tin và sự tín nhiệm vào các thông tin tài chính và coi đó là những chỉ tiêu hoặc dự báo về hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp.

Ngược lại, thực hiện ESG là một lĩnh vực còn hết sức mới mẻ với doanh nghiệp, phạm vi của ESG thì cũng chưa thực sự được hiểu đầy đủ. Vẫn chưa có những khuôn mẫu hay chuẩn mực mang tính toàn cầu hay những báo cáo về ESG được chuẩn hóa gần đây – thực ra thì có khá nhiều chuẩn mực, tuy nhiên các chuẩn mực này thường không nhất quán với nhau, giống như một mớ bòng bong những quan điểm của từng kế toán viên trong việc lựa chọn khuôn mẫu nào là hợp lý nhất.

Nếu không có một khuôn mẫu và chuẩn mực rõ ràng, sẽ nảy sinh tình trạng không có sự so sánh đâu là điển hình thực hiện ESG tốt hay không tốt. Việc thiếu một ‘ngôn ngữ chung’ trong việc chuẩn hóa báo cáo ESG đã khiến cho tính hiệu quả của quản trị rủi ro gặp phải trở ngại nghiêm trọng. Do đó, ngày nay các thị trường, nhìn chung không mấy tin tưởng các thông tin ESG bằng các thông tin tài chính.

Việc cung cấp những báo cáo tích hợp là không hề dễ dàng nhưng đã đến lúc bắt đầu ‘thử nghiệm’ chúng vì chưa có báo cáo tích hợp được chuẩn hóa.

1.3. Nhân tố cấu thành báo cáo ESG

Cùng với mức độ tin cậy và tín nhiệm được tạo dựng trong các báo cáo tài chính, chúng ta nắm rõ được các thông tin cấu thành báo cáo tài chính hiệu quả. Thế nhưng thực tiễn thực hiện ESG khiến ta cảm thấy khó hiểu hơn bao giờ hết. Một công ty không thể đệ trình tất cả mọi thứ trong phạm vi ESG; đơn giản vì chúng quá rộng. Điều này có nghĩa là việc quyết định thành tố nào hoặc thông tin nào xuất hiện trong đánh giá hiệu suất thực hiện ESG là một điều hoàn toàn cần thiết trong quá trình xác lập chuẩn mực báo cáo tích hợp toàn diện toàn cầu.

1.4. Củ cà rốt và cây gậy – liệu chúng ta có thể tiến hành những chiến lược song song?

Công ty toàn cầu Novo Nordisk, đang bỏ xa các công ty khác trong việc xây dựng các báo cáo tích hợp hoàn chỉnh. Công ty này đã cung cấp các báo cáo tích hợp từ năm 2004 – là đơn vị tiên phong và là tấm gương sáng cho việc thực hiện báo cáo tích hợp.

Susan Stomer, Phó chủ tịch quản lý hệ thống chuỗi Global Triple Bottom của Novo Nordisk đã chỉ ra trong Hội nghị GRI năm 2010 rằng việc cung cấp những báo cáo tích hợp là không hề dễ dàng nhưng đã đến lúc bắt đầu ‘thử nghiệm’ chúng vì chưa có báo cáo tích hợp được chuẩn hóa. Đây là lý do khơi nguồn cho những đổi mới và sáng tạo. Cây gậy lớn nhất – chỉ thị chính phủ không phải là động lực duy nhất để dẫn dắt các doanh nghiệp tới con đường phát triển báo cáo tích hợp toàn diện, mà những thương hiệu tầm cỡ quốc tế cũng có tiềm lực thúc đẩy việc sử dụng loại báo cáo này. Lời kêu gọi từ những ‘ông lớn’ như tập đoàn Tata Group, Wal-Mart, P&G hay Puma sẽ giúp sức ‘truyền cảm hứng’ cho các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân khác để trở thành những bộ phận bền vững hơn trong chuỗi cung ứng lớn hơn.

2. Báo cáo tích hợp – công cụ hỗ trợ trong việc chuẩn hoá và minh bạch hoá thông tin phi tài chính

Quá trình xây dựng các báo cáo tích hợp (Intergrated Reporting) định hình lại phạm vi thông tin liên quan đến mục tiêu chiến lược của công ty và cung cấp một phương pháp toàn diện hơn giúp cho việc truy cập, phân tích, quản lý và trao đổi thông tin chiến lược cả bên trong lẫn bên ngoài. Đây có thể xem là bản trình bày tổng hợp và đầy đủ nhất về hiệu suất kinh doanh của công ty, bao gồm cả các báo cáo tài chính và phi tài chính.

Lợi ích chủ yếu của báo cáo tích hợp là mang đến một cái nhìn toàn diện về các thông tin liên quan đến công ty và các đề xuất cũng như chiến lược của họ. Phương pháp tiếp cận này mở ra một viễn cảnh rộng lớn hơn trong việc xác định những thông tin quan trọng thiết yếu liên quan đến mục tiêu chiến lược dài hạn của công ty. Nhờ đó, các lãnh đạo doanh nghiệp có cơ hội chuyển đổi quy trình quản lý và tạo ra các giá trị trong dài hạn.

Báo cáo tích hợp mang đến khả năng đánh giá tổng quát hơn về giá trị và hiệu suất của công ty với nhiều khía cạnh khác nhau như tài chính, xã hội, môi trường trong một giai đoạn lâu dài. Điều này giúp nhận biết các thông tin quan trọng đối với việc duy trì và phát triển bền vững các mục tiêu của công ty. Có thể nói, báo cáo tích hợp là một bức tranh toàn diện về hoạt động của doanh nghiệp.

Tiêu chuẩn hóa thông tin giúp các giám đốc tài chính và người tiêu dùng tiếp cận, xử lý và phân tích, báo cáo những thông tin mà họ cho là có liên quan một cách hiệu quả. Môi trường thông tin rõ ràng minh bạch này sẽ phục vụ đắc lực cho việc tạo ra các giá trị bền vững cho công ty.

Ngày nay, các các tập đoàn và công ty lớn trên thế giới đang sử dụng báo cáo tích hợp như một phương tiện để tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới, bảo vệ danh tiếng, tối đa hóa lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu các nguy cơ và rủi ro.

Các nhà quản lý trên toàn thế giới đang chuyển dần từ báo cáo văn bản thông thường đến sử dụng những tiến bộ Internet, đó là sự chuyển tiếp từ những định dạng phi cấu trúc như html, PDF và word, cho đến những định dạng có kết cấu rõ ràng được chuẩn hóa như ngôn ngữ báo cáo kinh doanh eXtensible, hay XBRL. Các định dạng này được thiết kế giúp khuyến khích cả quá trình sản xuất lẫn tiêu thụ. Sự chuyển đổi này thúc đẩy việc xây dựng báo cáo có hiệu quả của các giám đốc tài chính, tùy thuộc vào cách thức thực hiện của họ. Kết quả là, các quy trình tập hợp và xử lý thông tin được cải thiện giúp tiết kiệm từ 25 đến 50% thời gian và chi phí!

Ngày 06/09/2011, Hội nghị thường niên Vietnam CEO Summit năm 2011 do Vietnam Report và báo VietnamNet phối hợp tổ chức sẽ diễn ra tại KS Sheraton, TP.HCM với chủ đề “Cơ hội vượt lên trong năm 2012: Góc nhìn của các doanh nghiệp hàng đầu và doanh nghiệp tăng trưởng”. Hội nghị sẽ là nơi các CEO, COO của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, các chuyên gia kinh tế đến từ các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước tham gia thuyết trình và thảo luận những khó khăn và triển vọng phục hồi kinh tế cũng như những cơ hội, thách thức trong năm 2012.

Đặc biệt, Hội nghị có sự tham gia thuyết trình của 2 CEO là diễn giả độc quyền của BTC đến từ 2 tập đoàn hàng đầu thế giới là Bà Liv Watson – Giám đốc Điều hành (COO) XBRL InternationalÔng Roland Schatz – Tổng giám đốc (CEO) Media Tenor International, chuyên gia về nghiên cứu ảnh hưởng của truyền thông đối với các sự kiện.