Trang chủ » Điểm nóng » Cần sửa luật để ‘cứu’ nhà thầu trong nước

Cần sửa luật để ‘cứu’ nhà thầu trong nước

Tác giả:

Làm sao để doanh nghiệp Việt không thua khi phải đấu thầu các dự án trong nước, phải chấp nhận thầu phụ cho nhà thầu nước ngoài?- câu hỏi này được các chuyên gia mổ xẻ tại buổi rà soát Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 29/9.

Thua nhà thầu ngoại vì thầu giá rẻ

Ngoài các dự án chỉ định thầu, hầu hết các doanh nghiệp Việt phải đi làm thầu phụ cho các nhà thầu nước ngoài ngay trên sân nhà, đây là một thực trạng kéo dài nhiều năm qua.

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng và ông Vũ Gia Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng, cho rằng, sở dĩ các nhà thầu Việt Nam thất bại bởi các chủ đầu tư tham thầu giá rẻ và Luật Đấu thầu quy định chọn giá rẻ.

Ông Phan Vũ Anh – nhà thầu Vinaconex bắt mạch: việc chọn thầu giá rẻ khiến nhiều doanh nghiệp đưa giá thấp để trúng, nhưng dự án thường kéo dài 3-5 năm khiến giá không còn phù hợp sẽ làm người ta tìm mọi cách thay đổi khối lượng, thiết kế, vật liệu, chủng loại.

“Khi hồ sơ dự thầu thì nói vật liệu xuất xứ ở châu Âu, nhưng nay nhà thầu nói nhà máy sản xuất ở châu Âu không sản xuất nữa mà đưa nhà máy sang một nước châu Á, như Trung Quốc hay Malaysia chẳng hạn. Vì nhiều yếu tố như sức ép tiến độ nên chủ đầu tư buộc phải chấp nhận vì bị đặt vào thế đã rồi”, ông Anh ví dụ.

Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Nguyễn Văn Thụ nhớ lại câu chuyện mấy năm trước: khi Việt Nam chưa sản xuất được máy biến ap 220KV thì máy này có giá 2,5 triệu USD, đến khi nhà máy điện Đông Anh sản xuất được, ta nghĩ chào giá 1,7-1,8 triệu USD là thắng rồi, nhưng bất ngờ Trung Quốc chào giá 1,5 triệu USD.

Cả ông Quỳnh và ông Liêm khẳng định: nếu chọn giá rẻ, thì không một nước nào có thể đấu với Trung Quốc và thực tế chúng ta đã phải trả giá rất đắt vì các công trình bỏ thầu giá rẻ có chất lượng kém, hiệu quả thấp.

Trưởng ban Đấu thầu (Tập đoàn Điện lực EVN) đồng thời là trưởng nhóm phản biện rà soát luật Đấu thầu, ông Ninh Viết Định thừa nhận, hầu hết các dự án của tập đoàn này đều rơi vào tay các tổng thầu nước ngoài. Song, ông Định nói rằng đây là điều EVN không hề mong muốn nhưng lại bị ràng buộc khi đi vay vốn.

“Thực tế dự án nào bố trí được vốn trong nước thì đều dành cho nhà thầu trong nước, nhưng dự án đi vay nước ngoài thì bị ràng buộc”, ông Định nói. Ông Định cũng chỉ rõ: “Luật Đấu thầu không nói ta phải chọn thầu giá rẻ, mà có thể, khi đi sâu kỹ năng đánh giá các số liệu hỗ trợ trong hồ sơ đấu thầu, ví dụ các hệ số thiết bị từ Đông Âu chỉ 0,9, còn Trung Quốc phải 1,3… nhưng do chưa có phương pháp luận một cách khoa học, thiếu cẩn thận nên dễ bị quy đồng là chọn thầu giá rẻ”.

Tiêu chuẩn quốc tế kiểu… phi thực tế

Thực tế, nhiều công trình cũng không đặt điều kiện phải là giá rẻ nhất, nhưng nhà thầu Việt Nam vẫn không thể chen chân vào được. Phó Tổng thư ký Hiệp hội nhà thầu Dương Văn Cận dẫn chứng, điều kiện mời thầu hệ thống cấp thoát nước của TP.HCM là nhà thầu phải có kinh nghiệm từng tham gia làm ít nhất 10km đường ống phi 200.

“Trong khi ở Việt Nam, hệ thống đường ống phi 150 còn chưa có nữa là phi 200, thế là chúng ta đã loại được toàn bộ… nhà thầu Việt Nam. Cho nên, điều kiện, ý tưởng… quan trọng nhất vẫn nằm ở chủ đầu tư”, ông Cận nhấn mạnh.

Theo nghị quyết về chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 của Quốc hội: Luật Đầu tư công, mua sắm công (tức Luật Đấu thầu sửa đổi) sẽ được đưa ra để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIII (dự kiến cuối năm 2012).

Minh họa cho câu chuyện này, ông Mai Đình Mạnh (Hiệp hội Công nghiệp kỹ thuật Điện) tiếp lời, đơn vị ông tham gia đấu thầu dự án làm cột điện cao thế 110KV. Dù năng lực có thừa, thế nhưng điều kiện chủ đầu tư là phải tham gia ba dự án tương tự khiến đơn vị ông… chào thua.

“Thay vì phải đặt ra những hàng rào kỹ thuật với các nhà thầu nước ngoài, thì chủ đầu tư lại áp với nhà thầu trong nước, trong khi chúng tôi đảm bảo có thể nâng thời hạn bảo hành lên tới ba năm”, ông Mạnh chua xót.

“Thất bại của nhà thầu Việt ngay trên sân nhà chính là chỗ ấy”, TS. Phạm Sỹ Liêm bức xúc: “Chúng ta đưa ra tiêu chuẩn quốc tế cho phù hợp thông lệ quốc tế nhưng phải bảo vệ nhà thầu chúng ta chứ đừng có đưa ra tiêu chí chỉ quốc tế mới đáp ứng được”. Ông Liêm cũng chỉ ra rằng, các chủ đầu tư thường viện lý do nhà thầu ta thiếu vốn, yếu năng lực nhưng không phải vậy.

“Nhà thầu Trung Quốc đi đấu thầu khắp nơi nhưng đó là các nhà thầu đi “mở mang”, tức tính chuyên môn hóa họ cao, đến khi trúng thầu, họ sẽ thuê lại các nhà thầu phụ từng công đoạn một chứ không “ôm” tất cả.

Ông Vũ Gia Quỳnh đồng quan điểm: Phải thay đổi hoàn toàn suy nghĩ theo hướng chuyên môn hóa. Ông ví dụ, nhiều nhà thầu nước ngoài không có máy móc hay thiết bị gì nhưng họ biết rõ ai cung cấp máy, công nghệ nào nên chỉ cần thuê là xong.

Giám đốc một doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu quốc tế nhiều hơn trong nước thì chia sẻ: nhà thầu Việt bị “hành” rất nhiều so với nhà thầu ngoại. Trong khi nhà thầu nước ngoài vào “tay không” thì nhà thầu Việt đòi hỏi phải kê khai có bao nhiêu máy móc, thiết bị khiến có khi tập hồ sơ đấu thầu của ông phải dày 10 ly cho việc… kê khống máy móc thiết bị.