Trang chủ » Tranh luận » Năm 2012: Tránh nôn nóng với tăng trưởng

Năm 2012: Tránh nôn nóng với tăng trưởng

Tác giả:

Hai kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2012 và giai đoạn 5 năm 2011-2015 đã được Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội song, vẫn chưa nhận được sự đánh giá cao của các chuyên gia kinh tế.

Có ba điểm mà nhà nghiên cứu rất sốt ruột cho công tác quản trị nền kinh tế của Chính phủ. Thứ nhất, chống lạm phát trở thành một cuộc chiến trường kỳ nhiều năm nhưng điều mà người ta nhìn thấy triền miên là khoảng cách thường rất xa giữa mục tiêu và thực tế đạt được. Thứ hai, tuy Chính phủ tuyên bố chắc nịch về sự ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô nhưng mục tiêu GDP vẫn theo lô-gic năm sau phải cao hơn năm trước. Thứ ba, tái cấu trúc nền kinh tế đã được nhắc tới rất cấp bách từ 3 năm trước, năm nay tiếp tục nhắc đến và thực tế là chưa thấy khởi động gì.

Vì lẽ đó, một cuộc cải cách toàn diện là vô cùng cần thiết cho năm 2012 nhằm tạo bước đột phá, khởi đầu cho việc thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế giai đoạn 5 năm.

Cần khiêm tốn hơn khi nghĩ tới tăng trưởng

Tạp chí Economist đã đánh giá, Việt Nam có nguy cơ là một trong 7 nền kinh tế tăng trưởng nóng cao nhất thế giới. Mối lo về căn bệnh chạy đua tăng trưởng không phải vô cớ.

Chuyên gia Phạm Chi Lan thẳng thắn cho rằng: “GDP năm tới không nhất thiết là 6 và trên 6% như vậy. GDP chỉ cần 5-5,5%. Điều đó còn tốt hơn là tăng trưởng mà lạm phát vẫn không kiềm chế được”.

Tình hình kinh tế năm nay không cho phép chúng ta chạy đua với mục tiêu tăng trưởng (ảnh P.Huyền)

“Từ năm 1991 đến nay, 2011 là năm kinh tế khó khăn nhất song Chính phủ vẫn đặt mục tiêu GDP năm sau vẫn cao hơn cả năm trước là khó khả thi. Lối tư duy này khác nào phát đi một tín hiệu cho các địa phương, các bộ ngành, các DNNN rằng cần tăng trưởng lớn. Hệ quả sẽ là các động thái đề xuất những dự án lớn hoặc các nơi vẫn chần chừ lờ đi việc cắt giảm vốn công”, bà Phạm Chi Lan phân tích.

Chính phủ nên hoạch định một mức GDP khiêm tốn thực sự để ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Quan điểm này có sự đồng thuận cao trong cộng đồng các chuyên gia kinh tế hiện nay.

TS. Lê Đăng Doanh cũng chia sẻ, tình hình kinh tế năm nay không cho phép chúng ta chạy đua với mục tiêu tăng trưởng. Các doanh nghiệp đều bị thấm mệt, ngấm đòn lạm phát. Nhiều doanh nghiệp đã giảm lao động, chỉ chạy dưới 50% công suất sản xuất.

Không thể hi vọng năm tới có tăng trưởng cao! Theo ông, kịch bản xấu hơn, GDP năm 2012 đạt 6% có lẽ sẽ là lựa chọn khả thi hơn.

Điều mà các nhà hoạch định chính sách cần kiên trì hướng tới là phải thiết lập lại các cân đối kinh tế vĩ mô như giảm bội chi ngân sách, giảm lạm phát, giảm thâm hụt thương mại và đặc biệt, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Trong đó, kiềm chế lạm phát là việc cần làm nhất.

Lạm phát còn một chữ số: Mục tiêu cách xa hiện thực

Thay vì đánh giá cao một quyết tâm chính trị mạnh mẽ như vậy, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lo ngại: “Cuối năm ngoái, Chính phủ đặt mục tiêu về lạm phát năm nay là 7% thì thực tế dự kiến lên tới 18%. Ngay từ tháng 2, Chính phủ đã đưa ra nhóm 6 giải pháp kiềm chế lạm phát, dấy lên một tinh thần điều hành quyết liệt nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi!”.

“Vì thế, tôi không nghĩ nên đặt mục tiêu lạm phát quá thấp để rồi lại điều chỉnh như năm nay”, bà Lan chia sẻ.

Về câu chuyện này, tại một cuộc hội thảo về kinh tế vĩ mô tuần trước do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, TS. Trần Đình Thiên không ngần ngại cho rằng: Cách thức chống lạm phát vừa qua giống như là việc đi chữa cháy. Chính phủ điều hành theo kiểu chạy theo mục tiêu lạm phát động, nặng hành chính.

Cần có những hành động thiết thực trong việc tái cấu trúc nền kinh tế (ảnh P.Huyền)

Một yếu tố đáng lưu tâm là chi phí đẩy của nền kinh tế năm 2012 rất lớn, như việc thị trường hóa các mặt hàng điện, xăng dầu sẽ khiến giá điện, xăng tăng lên, tiền lương tăng theo lộ trình (từ 830.000-1.050.000 đồng/người/tháng), giá lương thực cũng có xu hướng leo thang mà dư địa chính sách không còn nhiều.

Tái cấu trúc: Hành động khẩn cấp

Tám nhóm giải pháp năm 2010 và sáu nhóm giải pháp năm nay đều đề cập đến một ý lớn: tái cấu trúc nền kinh tế, cụ thể hơn là kiểm soát đầu tư công, chi tiêu công, phân bổ lại nguồn lực, cải cách doanh nghiệp Nhà nước… Nhưng trên thực tế, công cuộc tái cấu trúc này được cho là chưa hề chuyển động.

Điều này càng chứng tỏ, những việc ngắn hạn, tình thế thì dễ làm hơn như cải cách chính sách tiền tệ, kiềm chế cung tiền, hạn chế tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, nỗ lực đó không đủ để cho năm 2012 kiểm soát tốt lạm phát và duy trì tăng trưởng hợp lý, nếu như các giải pháp căn cơ không được hoạch định mạnh mẽ.

Theo các chuyên gia kinh tế, lĩnh vực cần đột phá cho năm 2012 là chính sách tài khóa. Cho tới năm nay, chính sách tài khóa và tiền tệ vẫn không đồng bộ với nhau. Các hiệu ứng của chính sách tiền tệ để hạ nhiệt lạm phát vì thế không toàn diện và lâu bền.

Không lạc quan chút nào, TS Trần Đình Thiên đã cho rằng, tình thế hiện nay là “khẩn cấp” rồi, và không thể tiếp diễn cách cũ. Căn bệnh của nền kinh tế – nghiện đầu tư, thèm dự án, đói tài nguyên – đã ăn sâu vào cơ cấu bên trong, trở thành căn bệnh cơ cấu. Sẽ không thể chống được lạm phát, tái lập ổn định vĩ mô, khôi phục và xác lập cơ sở tăng trưởng hiện đại nếu không thay đổi hệ thống phân bổ nguồn lực, cũng như hiện nay, không thể giảm nhập siêu chủ yếu bằng công cụ tỷ giá.

Trong ngắn hạn, ưu tiên gấp là giảm lạm phát nhưng phải tránh việc chạy theo mục tiêu “động”. Về dài hạn, tổng thế nền kinh tế là công cuộc tái cấu trúc với hệ mục tiêu ưu tiên của đầu tư công cần bảo đảm tính trọng điểm.

“Tuy nhiên, liệu năm 2012, việc tái cấu trúc có thực sự được bắt tay ngay làm ngay không thì tôi chưa biết, chưa thấy tín hiệu”, bà Phạm Chi Lan nói thêm. Bà cho rằng, khi mà việc có bắt tay tái cấu trúc ngay hay không hay việc này Chính phủ mới đang giao các bộ ngành chuẩn bị thì khó mà có mức GDP 6-6,5% và lạm phát dưới 10% như vậy.

Theo đó, nhóm 6 giải pháp ở Nghị quyết 11 cần tiếp tục thực hiện trong năm tới một cách cương quyết mạnh mẽ với tâm điểm mở đầu là chính sách tài khóa thắt chặt, đồng bộ với chính sách tiền tệ, nâng cao hiệu quả đầu tư công một cách thực chất hơn.

Bên cạnh đó, dù hai kịch bản kinh tế dựa trên nền tảng dự báo tình hình kinh tế thế giới song mọi phán đoán đều là chủ quan, khó lường được trước mọi vấn đề tác động tới Việt Nam. Vì thế, các nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu cụ thể, xem xét trực tiếp kỹ lưỡng tới các ngành kinh tế trong nước một cách thấu đáo hơn.

Kịch bản 1: Kinh tế thế giới hồi phục và tăng trưởng chậm lại, năm 2012, GDP 6,5%. Nhập siêu 13,1 tỷ USD, khoảng 13% xuất khẩu. Bội chi ngân sách bằng 4,8% GDP. CPI dưới 10%.

Giai đoạn 2011-2015, GDP bình quân 7%/năm, năm 2013-2015 cao hơn 2012 (6- 6,5%). Nhập siêu khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu. Nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP. Bội chi ngân sách 4,5% GDP. CPI dưới 7%.

Kịch bản 2: Kinh tế thế giới suy thoái và thậm chí khủng hoảng: năm 2012, GDP 6%. Nhập siêu 13,6 tỷ USD, bằng 13,5%/kim ngạch xuất khẩu. Bội chi ngân sách 4,8% GDP. CPI dưới 10%.

Giai đoạn 2011-2015, GDP bình quân là 6,5%/năm. Nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP. Nhập siêu dưới 13%/kim ngạch xuất khẩu. Bội chi 4,5% GDP và CPI dưới 7%.