Trang chủ » Kinh tế 24h » AirAsia ‘bỏ cuộc chơi’ với Vietjet Air

AirAsia ‘bỏ cuộc chơi’ với Vietjet Air

Tác giả:

Nguyên nhân được Air Asia đưa ra là do hãng không đạt được thỏa thuận trong việc sử dụng thương hiệu AirAsia khi liên doanh với Vietjet Air – một hãng hàng không tư nhân của Việt Nam. Đây được coi là điều kiện cơ bản để liên doanh thành công. Tuy nhiên, cơ quan quản lý hàng không của Việt Nam đã không chấp thuận việc này.

Tháng 2/2010, AirAsia tuyên bố mua 30% cổ phần của Vietjet để trở thành cổ đông nước ngoài duy nhất của hãng. Hai bên dự kiến sẽ vận hành các chuyến bay thương mại trong và ngoài nước mang thương hiệu chung Vietjet AirAsia.

Song, Vietjet AirAsia – thương hiệu mà liên doanh định xây dựng – theo Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) – là dễ gây nhầm lẫn đối với hành khách Việt Nam. Cơ quan quản lý muốn tránh rơi vào tình huống như hãng hàng không Jetstar Pacific Airines – khi cũng sử dụng biểu tượng và thương hiệu của hãng Jetstar Airways của Úc – đã buộc phải thay đổi, chi phí tốn kém.

Chính vì thế, ngay từ cuối tháng 3/2010, sau khi nhận được tin xấu trên, tập đoàn AirAsia đã bày tỏ ý định muốn rút vốn ra khỏi Vietjet Air, nhưng chưa ra quyết định chính thức. Sau hơn một năm rưỡi thương lượng, xem xét, cuối cùng, hãng đã chính thức rút vốn khỏi liên doanh này.

Vietjet Air cho hay việc AirAsia rút vốn khỏi hãng này là “không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch bay của hãng và mọi công việc chuẩn bị cho việc cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên vẫn diễn ra cuối năm 2011”. Theo một nguồn tin từ hãng, đến nay, máy bay và phi công đã thuê xong. Việc tuyển tiếp viên đã triển khai xong từ tháng 9, đang được đào tạo ở nước ngoài. VietjetAir cũng thuê một công ty nước ngoài lo việc xây dựng thương hiệu cho hãng.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến lo ngại liệu điều đó có trở thành hiện thực trong bối cảnh kinh tế khó khăn do lạm phát, giá dầu tăng cao – mà bản thân các hãng hàng không nội địa khác cũng đang thua lỗ.

Được cấp phép ngày 7/12/2007, Vietjet Air trở thành hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, gần 4 năm trôi qua, hãng vẫn chưa gia nhập được thị trường hàng không. Chi phí cao, đòi hỏi kinh nghiệm quản lý, điều hành… , đến khi tìm được nguồn vốn lại gặp rắc rối về thương hiệu khiến hãng này vẫn “dậm chân tại chỗ”.