Trang chủ » Điểm nóng » 48.000 DN phá sản không phải con số ‘bi đát’

48.000 DN phá sản không phải con số ‘bi đát’

Tác giả:

Cuộc sàng lọc nghiệt ngã

– Ông đánh giá thế nào về sức sống của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?

Ông Vũ Tiến Lộc: Thời gian qua, môi trường kinh doanh của Việt Nam khá thuận lợi nên đã tạo thành một làn sóng thành lập doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân phát triển bùng nổ, toàn dân làm kinh tế.

Số lượng doanh nghiệp được thành lập tăng rất cao trong một thời gian ngắn, trung bình một năm chúng ta có thêm tới 80.000 doanh nghiệp ra đời và giờ, cả nước đã có trên 600.000 doanh nghiệp đăng ký, số doanh nghiệp có nộp thuế là 450.000.

Như vậy, có thể hiểu trên 70% doanh nghiệp của chúng ta vẫn tồn tại hoạt động sau khi thành lập trong 19 năm kể từ khi Luật Doanh nghiệp ra đời. Trong khi đó, tại các nước khác, mỗi năm ước có khoảng 25% doanh nghiệp đã biến mất ngay trong năm đầu tiên thành lập.

So sánh này cho thấy, tỷ lệ tồn tại của doanh nghiệp Việt Nam là cao, cao hơn cả ở các nước phát triển, thể hiện môi trường đầu tư kinh doanh của ta khá thuận lợi. Nói cách khác, đã có giai đoạn trước đây, việc thành lập sản sinh doanh nghiệp có phần dễ dàng, khả năng tồn tại cao.

Nhưng mặt khác, điều đó lại cho thấy sự cạnh tranh, sự sàng lọc, sự đào thải ở môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam tương đối thấp. Chính điều đó lý giải tại sao, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam vẫn thấp trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (ảnh: Phạm Huyền)

– Theo số liệu mới công bố gần đây, 9 tháng đầu năm 2011 đã có hơn 48.000 doanh nghiệp phá sản. Theo ông, xu hướng giải thể, phá sản doanh nghiệp năm nay đang diễn ra như thế nào?

Phải nói rằng, từ khi ra đời, doanh nghiệp Việt Nam trải qua nhiều biến động, thử thách của sự bất ổn kinh tế vĩ mô. Đặc biệt là từ năm 2008, biến động kinh tế vĩ mô rất cao, năm nay, lạm phát cao nhưng phần lớn các doanh nghiệp vẫn trụ vững được.

Tuy nhiên, đáng tiếc là số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, phải đắp chiếu… trong năm nay có xu hướng tăng lên. Đến tháng 9 năm nay, có gần 49.000 doanh nghiệp đã dừng hoạt động, dừng nộp thuế, hoặc đã giải thể, phá sản, đóng cửa, trong đó, phá sản, giải thể là 5.800 doanh nghiệp. So với năm ngoái, số doanh nghiệp khó khăn, phải đắp chiếu này đã tăng lên 11.000 doanh nghiệp.

Cũng trong số đó, có những doanh nghiệp thực tế đã hội tụ đủ điều kiện phải phá sản giải thể nhưng chưa làm thủ tục mà chúng ta chưa thể thống kê ngay được.

Bình quân trước đây, mỗi năm có khoảng 5000-7000 doanh nghiệp phá sản, giải thể. Năm nay, ước khả năng con số này sẽ gấp rưỡi đến gấp đôi so với năm ngoái. Mặc dù Nghị quyết 11 đã có nhiều giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp nhưng tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp vẫn xấu đi, số phá sản giải thể vẫn tăng.

Như vậy chứng tỏ, môi trường đầu tư kinh doanh hiện vẫn rất khó khăn đối với các doanh nghiệp.  Nguồn lực của các doanh nghiệp chưa vững. Có thể các doanh nghiệp hiện còn vốn liếng, còn dự trữ nguyên vật liệu từ trước nên có thể còn trụ được nhưng nay mai, đến kỳ đáo hạn, phải trả nợ vay, nguồn dự phòng hết rồi thì tình hình sẽ khác. Dự báo, thời gian tới, doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục đối mặt với nhiều thử thách khó khăn hơn.

Tuy nhiên, tôi cho rằng không nên nhìn nhận các con số phá sản trên là bi đát. Vì sự phá sản này mang nhiều ý nghĩa, không đơn thuần là doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường hoàn toàn.

Bản thân một doanh nhân có thể có vài ba doanh nghiệp, vài ba dự án, ông chủ này bán đi, chuyển nhượng đi một số doanh nghiệp để dồn nguồn lực, tập trung vào một nhánh chính thôi, chuyển sang lĩnh vực hiệu quả. Hoặc trường hợp, các doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ lạc hậu, giờ áp lực phải cạnh tranh với công nghệ hiện đại hơn thì các doanh nghiệp lạc hậu này buộc phải thay đổi, phải xóa bỏ công nghệ cũ, năng suất thấp…

Ổn định kinh tế vĩ mô là giải pháp cứu doanh nghiệp hoạt động, đảm bảo việc làm cho người lao động (ảnh: Phạm Huyền)

Sẽ còn khó khăn hơn

– Vậy thời gian tới, các doanh nghiệp có phải chịu áp lực như thế nào?

Phải thừa nhận rằng, một bộ phận doanh nghiệp có năng lực hạn chế, hiệu quả hoạt động thấp. Năm nay, các doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường bắt đầu gia tăng. Nếu đặt trong bối cảnh khó khăn chung, áp lực tái cơ cấu mạnh mẽ của nền kinh tế, ta có thể hiểu điều này chứng tỏ sự đào thải của kinh tế thị trường đã mạnh hơn.

Tôi dự báo rằng, số doanh nghiệp giải thể, phá sản những năm tới sẽ lớn hơn. Kể cả khi tình hình kinh tế vĩ mô đã ổn định, lạm phát thấp đi thì số doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường vẫn tăng. Lúc đó, nguyên nhân là bởi sức ép cạnh tranh lớn, môi trường cạnh tranh trở nên bình đẳng hơn.

Đặc biệt, năm 2015, chúng ta hội nhập đầy đủ trong AFTA, tới năm 2018, hội nhập toàn diện trong WTO, nhiều mặt hàng thuế nhập khẩu về 0%, rào cản bảo hộ không còn, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh bình đẳng hơn. Bây giờ, nhiều doanh nghiệp có lẽ chưa hình dùng hết khó khăn nay.

Ví dụ như ngành lắp ráp ô tô, giờ xe ô tô vào Việt Nam còn thuế cao, doanh nghiệp còn tồn tại được, nhưng tới năm 2015, thuế 30%, tới năm 2018, thuế nhập khẩu 0% rồi, lúc đó, các liên doanh ô tô ở Việt Nam không đạt nổi 60% nội địa hóa, không có công nghiệp phụ trợ thì có thể, liên doanh sẽ rút sang Thái Lan và các nước khác.

Có thể nói, tới đây, một cuộc sàng lọc nghiệt ngã sẽ diễn ra trên thương trường và người tồn tại chính là các doanh nghiệp mạnh, có năng lực cao. Lúc đó, tái cấu trúc kinh tế sẽ diễn ra mạnh hơn. Đó là một phần diễn ra của tái cấu trúc, nguồn lực trên thị trường sẽ dồn lại cho các doanh nghiệp có năng lực.

– Vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị những gì để tồn tại được trong thời gian tới?

Khi chịu áp lực cạnh tranh, phải đương đầu với các thử thách trên, các doanh nghiệp sẽ phải quay lại, củng cố các yếu tố nền tảng của mình, xác định lại chiến lược, nâng tầm quản trị doanh nghiệp của mình…

Trước mắt hiện này, doanh nghiệp phải thắt lưng buộc bụng để đối phó với khó khăn, trụ vững trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn bất ổn, nhưng nay mai, doanh nghiệp phải đối mặt khó khăn lớn kia khi hội nhập toàn diện, nên phải đồng thời triển khai ngay việc tự tái cơ cấu chính mình.

Do đó, tôi cho rằng, trong 8 năm tới, các doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Thậm chí, chưa vượt qua khó khăn ngắn hạn thì các doanh nghiệp đã phải đối mặt với khó khăn khác vì lộ trình hội nhập từng mặt hàng phải diễn ra.

Đó là sự trả giá trong hội nhập, là cuộc tái cấu trúc đau đớn mà các doanh nghiệp buộc phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh để vượt qua.