Trang chủ » Kinh tế 24h » Chiêu lừa của ‘trùm’ Như

Chiêu lừa của ‘trùm’ Như

Tác giả:

Sử dụng các hợp đồng ủy thác đầu tư vốn, thông qua các công ty “sân sau”, bà Huỳnh Thị Huyền Như (người vừa bị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố và bắt giữ do có hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”) và những người có liên quan đã đưa hàng loạt nạn nhân vào tròng, trong đó có không ít doanh nghiệp tên tuổi, những đại gia có máu mặt.

Theo thông tin chúng tôi có được, danh sách nạn nhân của bà Như khá dài, trong đó có hàng loạt doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực bất động sản, dệt may, sản xuất, kinh doanh thương mại và một số ngân hàng. Đặc biệt, hàng loạt người thân, bạn bè của bà Như cũng trở thành nạn nhân.

Thủ đoạn lừa đảo của bà Huyền Như

Bẫy nạn nhân bằng hợp đồng “ủy thác đầu tư”

Chị T., người được công ty K ủy nhiệm thực hiện giao dịch với ngân hàng X – nơi bà Như làm việc, vẫn chưa hết bàng hoàng nói: “Tôi đâu có ngờ, tưởng họ làm ăn đàng hoàng, ai dè bị lừa”. Theo lời chị T., trong một lần tình cờ bán một căn nhà cho bà Như vào năm 2008, chị T. được bà Như mời hợp tác kinh doanh gạo, do ngân hàng nơi bà Như làm việc có quan hệ với các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xuất khẩu gạo.

Nhiều nạn nhân đến cơ quan điều tra trình báo

Ngày 13-10, nguồn tin Tuổi Trẻ cho biết liên quan đến vụ lừa đảo hàng ngàn tỉ đồng do Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn (một cán bộ ngân hàng) thực hiện, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã triệu tập một số cán bộ ngân hàng, các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán có liên quan đến lấy lời khai. Đồng thời, trước và sau khi có thông tin hai “trùm” lừa đảo bị bắt, có hàng chục nạn nhân là các tổ chức tín dụng, cá nhân đến cơ quan điều tra trình báo, tố cáo hành vi lừa đảo của ông Tuấn và bà Như.

Bước đầu, cơ quan điều tra xác định bà Như và ông Tuấn lấy danh nghĩa là đại diện một ngân hàng làm giả con dấu, ký hợp đồng hợp tác đầu tư với các công ty chứng khoán, bảo hiểm, sau đó yêu cầu các công ty này chuyển tiền vào các tài khoản do bà Như chỉ định

HOÀNG KHƯƠNG

Sau một thời gian làm ăn và tạo được uy tín, bà Như đề nghị chị T. bàn bạc với công ty chuyển toàn bộ số dư tiền gửi trên tài khoản tại các ngân hàng khác vào tài khoản tại ngân hàng X.

Theo cam kết của bà Như, nếu gửi tiền tại ngân hàng X, ngoài mức lãi suất được trả cao hơn 2% so với mức lãi trần theo quy định, công ty K còn được hưởng nhiều ưu đãi khác như được rút tiền bất cứ lúc nào với mức lãi suất không thay đổi, được mua ngoại tệ với giá gốc…

Tuy nhiên, điều kiện của bà Như là thay vì mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng X, công ty K phải ký với ngân hàng X một hợp đồng “ủy thác đầu tư vốn nguyên tắc”, trong đó có điều khoản yêu cầu công ty K gửi tiền vào tài khoản của một doanh nghiệp do ngân hàng X chỉ định và nhận tiền lãi (hoặc gốc nếu cần) từ một ngân hàng thứ ba do ngân hàng X ủy nhiệm chi.

Giải thích về hợp đồng ủy thác đầu tư này, bà Như cho biết đây là hình thức “hợp thức hóa” việc trả lãi cao, tránh bị phát hiện và xử lý do trả lãi vượt trần.

“Thấy chúng tôi không an tâm, cô Như đã đưa ra một hợp đồng ủy thác đầu tư giữa ngân hàng X và một doanh nghiệp khá nổi tiếng trong ngành dệt may với giá trị lên tới hơn 200 tỉ đồng, nên chúng tôi mới tin và đặt bút ký” – chị T. rầu rĩ nói.

Theo lời chị T., ngoài số dư còn lại trên tài khoản trước đó, công ty K vừa chuyển gần 20 tỉ đồng vào tài khoản Công ty CP Ph.Đ do bà Như chỉ định mới đây, tổng cộng số tiền mà công ty K có thể bị mất lên tới gần 50 tỉ đồng.

Doanh nghiệp “sân sau” và chiêu “lòe thiên hạ”

Với cái mác có địa vị trong xã hội, lại quen nhiều biết rộng, bà Như đã sử dụng chiêu bài “ủy thác đầu tư” và dễ dàng đưa các nạn nhân này vào tròng.

Theo thông tin chưa được kiểm chứng, một nạn nhân là thành viên của một doanh nghiệp lớn vẫn đang bị “kẹt” hơn 200 tỉ đồng trong đường dây lừa đảo của bà Như, bản thân nạn nhân này từng “ủy thác đầu tư” cho nhóm bà Như với số dư lên tới hàng ngàn tỉ đồng.

Dù lấy danh nghĩa ngân hàng X nhưng toàn bộ số tiền của các nạn nhân đều được chuyển thẳng vào tài khoản các công ty “sân sau” của bà Như cũng như nhóm người liên quan. Có thông tin cho biết có ít nhất năm công ty “sân sau” trong đường dây lừa đảo của bà Như như Công ty CP Ph.Đ, Công ty TNHH xây dựng sản xuất và tư vấn C, Công ty CP xuất nhập khẩu TMDV Ph.Th… Trong số các công ty “sân sau”, có đơn vị mà lượng tiền được các đơn vị ủy thác đầu tư vốn chuyển vào (và rút ra) lên tới hơn 900 tỉ đồng. Nguồn tin cũng cho biết ngay cả các công ty “sân sau” cũng là nạn nhân của bà Như, chỉ được bà Như nhờ đứng tên và ủy quyền lại cho bà Như sử dụng các tài khoản rút và gửi tiền.

Một nạn nhân của bà Như khẳng định ngoài lòng tham lãi suất cao, một trong những lý do nạn nhân này chấp nhận chuyển tiền vào tài khoản các công ty được chỉ định thay vì ngân hàng là thấy có rất nhiều công ty lớn, những người có uy tín cũng tham gia. Vị này cho biết bị thuyết phục khi được bà Như đưa cho xem hợp đồng “ủy thác đầu tư” lên tới hơn 600 tỉ đồng với một doanh nghiệp có tiếng tại TP.HCM. Sau khi bà Như bị bắt giữ, nạn nhân này mới biết đây chỉ là hợp đồng giả bà Như tự làm ra để đi “lòe thiên hạ”.

Một mắt xích của bà Như bị tố cáo

Bà L.N. (Q.1, TP.HCM) vừa đứng đơn đại diện cho bảy nạn nhân làm đơn tố giác bà Hùng Mỹ Phương (còn có biệt danh là Phương “đen”) lên cơ quan chức năng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đơn tố giác, vào ngày 15-7 bà Hùng Mỹ Phương đã huy động của nhóm người này 4,6 tỉ đồng với lãi suất thỏa thuận 7,5%/tháng, sẽ hoàn trả cả vốn lẫn lãi vào ngày 1-10.

Tuy nhiên đến nay, bà Phương đã tuyên bố mất khả năng chi trả, vợ chồng bà Phương và con đi khỏi nơi đăng ký thường trú. Bà Hùng Mỹ Phương là một trong những mắt xích trong đường dây lừa đảo của bà Huỳnh Thị Huyền Như.

(Theo Tuổi Trẻ)