Trang chủ » Tranh luận » Trả lại quyền định giá cho thị trường

Trả lại quyền định giá cho thị trường

Tác giả:

Đó là trao đổi của ba vị khách mời tại buổi bàn tròn trực tuyến chủ đề “Cải thiện chính sách, tăng sinh lực nền kinh tế” của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, báo VietNamNet tổ chức chiều 13/10.

Đề án đổi mới lớn nhất trên thế giới

Năm 2007, Đề án Đơn giản hoá Thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (gọi tắt là Đề án 30) đã “nổ phát súng” giòn giã vào một trong những nỗi lo hàng đầu của doanh nghiệp và người dân: Thủ tục hành chính rườm rà, tốn kém.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đã tập hợp, xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính áp dụng tại bốn cấp chính quyền với hơn 5.400 thủ tục hành chính, trên 9.000 văn bản quy định; đồng thời chuẩn hóa thu gọn từ 10.000 bộ thủ tục cấp xã, 700 bộ thủ tục hành chính cấp huyện xuống còn 63 bộ thủ tục hành chính cấp xã và 63 bộ thủ tục hành chính cấp huyện để thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

“Đề án 30, với một trong các ưu tiên là xem xét các quy định liên quan đến kinh doanh, có thể coi đề án cải cách lớn nhất trong 10 năm qua ở mức độ toàn thế giới,” ông Scott H. Jacobs, chuyên gia tư vấn của Chương trình Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID/VNCI) đánh giá.

Theo ông Jacobs, nếu việc tiến hành dự án này được thực hiện một cách đầy đủ sẽ tiết kiệm cho người dân và doanh nghiệp gần 1,5 tỷ USD.

“Khoản tiền này sẽ giúp ích cho việc tăng lương hay tăng thu nhập, đem lại lợi ích thật sự cho người dân và doanh nghiệp,” ông Jacobs nhận định.

Ông Scott Jacobs: Nếu Đề án 30 được tiến hành đầy đủ, sẽ tiết kiệm được 1,5 tỷ USD. Ảnh: LAD

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, lại cho rằng tuy con số 1,5 tỷ được nhắc đến như kết quả khả quan của Đề án 30, nhưng theo điều tra Chỉ số Năng lực cạnh tranh năm 2010 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với VNCI, trên thực tế, chi phí thủ tục hành chính mà doanh nghiệp phải trả không thấp hơn những năm trước đó, mà thậm chí có xu hướng tăng lên, đặc biệt có những chi phí phi chính thức.

“Điều này có nghĩa những cải cách của chúng ta làm lâu nay trên thực tế chưa truyền tải được đầy đủ kết quả đến người dân và doanh nghiệp,” ông Cung nhấn mạnh.

Từ kiểm soát sang kiến tạo chính sách

Cải cách thủ tục hành chính như Đề án 30 là rất cần thiết, nhưng chưa phải là liều thuốc đủ mạnh để tăng sinh lực cho cả nền kinh tế. Theo ông Cung, muốn đạt được một bước đột phá thì phải có một tư duy mới, chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo chính sách.

“Nếu vẫn cứ loay hoay trong việc kiểm soát thì chúng ta chỉ bổ sung sửa đổi, cắt gọt chỗ này chỗ kia mà không thoát hẳn, tạo ra một  hệ thống chính sách mới, một thể thống quy định mới”, ông Cung phân tích.

Theo thông lệ, một chính sách ban hành phải có mục tiêu cụ thể rõ ràng như nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo ra bao nhiêu công ăn việc làm, giảm được bao nhiêu chi phí. Còn ở Việt Nam, người làm chính sách không đặt ra mục tiêu cuối cùng mà lại theo đuổi những mục tiêu trung gian, mục tiêu mang tính giải pháp.

Theo góp ý của các chuyên gia từ OECD, cần áp dụng phương pháp đánh giá tác động điều chỉnh chính sách (RIA) ngay từ trước, trong và sau khi xây dựng và ban hành chính sách.

Ở Anh và một số nước Châu Âu, đánh giá tác động điều chỉnh ( RIA ) là một yêu cầu bắt buộc khi đem dự thảo luật ra xem xét thông qua hoặc không thông qua. Các vị Bộ trưởng hoặc thủ trưởng các cơ quan chịu trách nhiệm chính đối với dự luật phải ký vào bản RIA và luôn đi kèm cùng với bản dự thảo pháp luật.

“Ở Việt Nam, RIA đã được “du nhập” từ năm 2009 nhưng vẫn chưa thực sự được triển khai, đặc biệt là khâu lấy ý kiến đóng góp của công chúng,” ông Scott Jacobs chia sẻ.

Ngoài nguyên tắc đầu tiên là có mục tiêu cụ thể trước khi xây dựng chính sách như TS. Nguyễn Đình Cung phân tích, ông Scott Jacobs bổ sung nguyên tắc thứ hai là Chính phủ không thể ngồi trong “tháp ngà” mà ban hành chính sách được.

“Chúng ta đang sống trong một xã hội năng động. Chính phủ phải giải quyết những vấn đề của xã hội rất phức tạp mà đến từ rất nhiều người, nhiều đối tượng trong xã hội. Vì thế, cần có sự tham vấn với các đối tượng có liên quan trong xã hội như người dân, doanh nghiệp và giới truyền thông,” ông Jacobs nói.

Đồng thời, Chính phủ cần phải cân nhắc hậu quả của quy định, hành động trước khi quyết định đưa ra chính sách.

Ông Nguyễn Đình Cung và ông Nick Malyshev tại buổi trực tuyến. Ảnh: LAD

Chia sẻ kinh nghiệm từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), ông Nick Malyshev – Trưởng Bộ phận Chính sách Thể chế (OECD) nhấn mạnh cần có một cơ quan trong Chính phủ có vai trò kiểm soát chất lượng của những dự thảo, quy định, hoặc tự tiến hành đánh giá, kiểm tra những dự thảo đó có đạt tiêu chuẩn về mặt pháp lý cũng như những tiêu chí về mặt kinh tế. Ngoài giữ vai trò kiểm soát chất lượng của các chính sách của các đơn vị pháp luật, mà họ còn đóng vai trò đầu tầu để thúc đẩy những sáng kiến cải cách.

Kỳ vọng Đổi mới lần hai

Nhìn lại công cuộc đổi mới khởi xướng từ những năm 80 của thế kỷ trước, ông Scott Jacobs đánh giá Việt Nam đã có một chặng đường thành công. Nhưng “nhiệt” của công cuộc cải cách đó đang nguội dần và cần có một cuộc Đổi mới lần hai ngay lúc này, khi nền kinh tế đang đối diện với muôn vàn khó khăn.

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng thành tựu của quá khứ không đảm bảo cho thành công Bản chất của đổi mới đó là trao lại quyền cho người dân và doanh nghiệp, trả lại quyền định giá cho thị trường. Nghĩa là, làm cho thị trường hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn, trong phân bố nguồn lực và thúc đẩy sự sáng tạo của người dân trong việc tổ chức sản xuất. Đồng thời với đó thì chúng ta kết nối thị trường chúng ta với thị trường bên ngoài, hội nhập sâu hơn vào thị trường thế giới.

“Cải cách nhiều thị trường hơn không có nghĩa là nhà nước bé đi và nhà nước yếu mà đồng thời với đó nhà nước cũng mạnh. Nhà nước mạnh ở chỗ kiểm soát được các nhóm lợi ích, làm cho thị trường hoạt động có hiệu quả và thúc đẩy tạo ra cơ hội cho các bên có liên quan để thúc đấy sản xuất. Như vậy đấy là thị trường mạnh,thị trường nhiều, cùng với đó nhà nước cũng mạnh nhưng với một chức năng và vai trò khác,” ông Cung phân tích.

Mời độc giả theo dõi toàn văn trực tuyến vào những ngày tiếp theo.