Trang chủ » Tranh luận » Tín dụng đen trong thị trường chưa… trắng

Tín dụng đen trong thị trường chưa… trắng

Tác giả:

Bạn tôi, một đại gia có cỡ bảo: ông có cửa nào vay nóng giúp tôi dăm trăm triệu! Tôi bảo: doanh nhân như ông, nhà cửa đề huề, xe cộ hoành tráng, lại còn nhà xưởng trị giá hàng trăm triệu, sao không đến ngân hàng, thế chấp một trong mấy thứ đó, vay cho đàng hoàng, lại phải vay nóng, vừa bất tiện vừa phải chịu giá cắt cổ.

Hắn nói luôn: tưởng ông là thằng đi nhiều, biết nhiều, mới nhờ ông vay nóng, còn chuyện đến ngân hàng thì “xưa như diễm”. Có nhanh cũng phải tháng sau mới giải ngân được. Đến lúc đó thì cục diện đã khác, thời cơ đã tuột mất và chưa biết điều gì sẽ xẩy ra. Nói rồi, hắn liền rút máy điện thoại, sau dăm ba cuộc rồi hắn cũng tìm được mối…

Cứ theo như các cơ sở tín dụng phi chính thức thì, nếu anh cần từ dăm ba chục triệu, chỉ cần dăm phút, nếu số lượng cần đến vài ba tỷ thì mất độ hơn tiếng là có thể thu xếp được. Đời sống doanh nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyện một khoản tiền về chậm, một hợp đồng bị ngưng do một lý do vu vơ nào đó đều kiến kế hoạch tài chính bị vỡ là chuyện không hiếm. Đặc biệt là với các tiểu thương thì chuyện kẹt vốn đột xuất để xử lý các vụ việc là chuyện thường xuyên xẩy ra. Để xử lý những khoản đột xuất này, không có cách nào khác là phải vay nóng.

Với các ngân hàng thương mại, tưởng như là kho tiền không bao giờ cạn. Tuy nhiên, để làm các thủ tục vay mượn, các cán bộ tín dụng thường viện dẫn ra hàng trăm điều, từ luật, nghị định, đến quy định. Để đáp ứng các điều khoản đó là các thủ tục, giấy tờ kèm theo. Nhanh thì đến chục ngày, chậm có khi cả tháng mới có thể giải ngân. Với thương trường thì sự chậm trễ đồng nghĩa với mất cơ hội. Chậm trễ đồng nghĩa với việc mất niềm tin, mất đối tác và cuối cùng là mất tiền.

Trước những nhu cầu chính đáng này, khi các tổ chức tín dụng hoạt động theo luật “bó tay” thì đây cũng chính là mảnh đất sống của các tổ chức tín dụng phi nhà nước mà dân gian quen gọi là “tín dụng đen”. Các loại hình tổ chức này đã và đang tồn tại, phát triển trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đời sống xã hội, đặc biệt là từ khi nhà nước mở cửa và thừa nhận nền kinh tế thị trường.

Tín dụng đen được thể hiện dưới rất nhiều hình thức như hụi, họ, cho vay, cầm đồ, vận chuyển tiền gửi… nét đặc trưng cơ bản của tín dụng đen là cho vay với lãi suất cao. Với nguyên lý, “lãi suất tỷ lệ thuận với rủi ro”, lãi suất tín dụng đen thường cao hơn so với lãi suất ngân hàng từ 3-4 lần, cá biệt có những trường hợp cao gấp 7-8 lần. Thêm vào đó, cách thức thu hồi nợ xấu, nợ quá hạn cũng diễn ra theo cách… xã hội đen.

Về hình thức, tín dụng đen thường diễn ra dưới các dạng: vay nóng và vay nguội. Vay nóng thường với kỳ hạn được tính bằng ngày, vay nguội kỳ hạn vay tính bằng tháng. Hụi gồm có hụi ngày, hụi tháng, hụi quý, hụi năm… Mức lãi hiện hành, thường rất linh hoạt, thông qua thoả thuận miệng, bất thành văn. Ở thời điểm này, vay nguội từ 2- 3%%/tháng với những khoản vay vài trăm triệu đồng. Với những khoản vay lớn hơn, từ 1 tỷ đồng trở lên, lãi suất thường trên 4%/tháng. Còn vay nóng thì lãi vay từ 7-10%/tháng.

Lý giải về sự tồn tại của tín dụng đen, TS Nguyễn Văn Nam, nguyên thành viên ban Nghiên cứu Thủ tướng chính phủ cho rằng, khi hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động theo luật để lại quá nhiều khoảng trống, đó là mảnh đất để tín dụng đen hoạt động.

Trở lại trường hợp của ông bạn tôi như đã nêu ở phần đầu, anh cho rằng, tín dụng đen là bạn đồng hành của tiểu thương. Với lãi suất cao, nhưng bù lại là khả năng đáp ứng nhu cầu một cách nhanh gọn, không cần phải hô hào cải cách hành chính, không cần phải thanh toán chi phí dưới gầm bàn. Bản thân anh, khi đã tạo dựng được một sự nghiệp hoành tráng nhưng không ít trường hợp vẫn phải sử dụng đến dịch vụ của các những nhà buôn tiền vỉa hè.

Tín dụng đen cũng là cách thức gây dựng sự nghiệp của một số người có máu kinh doanh tiền tệ. Khi thực hiện bài viết này, tôi đã kịp liên lạc với một anh bạn cũ, người đã từng có thâm niên chục năm trong sự nghiệp cờ bạc rồi trở thành kẻ trắng tay phiêu bạt đâu đó. Từ khi mẹ mất, anh ta bỗng tu tỉnh và quyết tâm làm lại cuộc đời. Bằng kinh nghiệm trong thời gian phiêu bạt giang hồ, anh ta lựa cách cho vay nặng lãi.

Khởi nghiệp ban đầu bằng số vốn ít ỏi do người mẹ quá cố để lại, anh đã liên tục làm cho nó lớn lên với cấp số nhân. Khi đã trở thành một ông chủ có tiếng, chuyện huy động vốn cũng không quá khó. Bằng cách đó, sự nghiệp huy động, sự nghiệp cho vay của anh liên tục phát triển. Giờ đây, nhìn cơ sở khang trang của anh ở đoạn đường với chi phí xây dựng đắt nhất thế giới: đường Xã Đàn- Hà Nội không ai không thể trầm trồ thán phục. Nhưng đó chỉ là phần nổi. Ngoài ra anh còn sở hữu nhiều bất động sản ở các quận ngoại thành.

Cũng có lẽ nhìn thấy sự thành đạt của một số ông chủ tín dụng đen, nên không ít người cũng âm mưu lập nghiệp bằng con đường ấy. Để có vốn cho vay, họ cũng giành giật thị trường bằng cách huy động vốn với lãi suất cao. Tuy nhiên, cũng như bất cứ cái gì đen, tín dụng đen tiềm ẩn những rủi ro mà không phải ai cũng tính hết. Khi vốn huy động mà không cho vay được là một thảm hoạ. Đó là chưa nói đến chuyện việc cho vay theo kiểu… tín dụng đen mà không có sự hỗ trợ pháp lý của nhà nước là điều đầy hiểm nguy.

Ở đời, không phải toan tính nào cũng đều diễn ra theo như ý muốn. Một sự đổ nào đó đều có thể dẫn đến mất vốn mà không có cách nào gỡ gạc được. Cũng chính vì những lý do ngoài ý muốn này mà vừa qua ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đã diễn ra hàng loạt vụ đổ bể tín dụng mà hậu quả là hàng trăm người dân lành nhẹ dạ cả tin trở nên trắng tay. Hàng chục vụ thanh toán lẫn nhau dẫn đến mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của các tổ chức tín dụng nhà nước.

Những tổ chức tín dụng đen đứng trước những khoản nợ khó đòi không có cách nào khác là phải xử lý nợ theo cách của xã hội đen, sử dụng đám côn đồ hung hãn và khốc liệt khiến cho dân chúng bất bình mà không phải lúc nào các cơ quan công an cũng can thiệp được.

Trao đổi với một chuyên gia ngành ngân hàng, anh này cho biết: Đã có nhiều cuộc hội thảo về tín dụng đen nhưng hiện vẫn chưa có một cơ sở pháp lý và biện pháp hành chính hình sự để hạn chế, trấn áp và giải quyết các vấn đề liên quan và phát sinh từ tín dụng đen. Nhiều trường hợp chỉ cần có biện pháp hành chính ở giai đoạn đầu cũng đã có thể hạn chế hoặc ngăn chặn những phát sịnh hình sự về sau.

Một trong những nguyên nhân để tín dụng đen có đất sống là các quy định và hoạt động của hệ thống ngân hàng còn cứng nhắc và xa rời đời sống kinh doanh của xã hội. Điều này làm cản trở khách hàng đến với ngân hàng. Đứng ở mức độ vĩ mô về quản lý tài chính, nhà nước đã không thực hiện được những mục tiêu và nhiệm về quản lý tài chính, điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn tài chính trong nước, về nguồn vốn, về cán cân thanh toán.

TS Nguyễn Văn Nam cho rằng, khi nền kinh tế vẫn còn chưa trắng thì vẫn còn tín dụng đen. Con đường để kiểm soát tín dụng đen và đưa nó vào khuôn khổ luật phát không có cách nào khác là phải hoàn chỉnh môi trường pháp lý và minh bạch hoá nền kinh tế.