Trang chủ » Thế giới » 10 chủ lao động lớn nhất thế giới

10 chủ lao động lớn nhất thế giới

Tác giả:

Kinh tế thế giới lại một lần nữa rơi vào tình trạng “chênh vênh”  khi chính phủ ở các nước phát triển cắt giảm chi tiêu vào thời điểm khu vực kinh tế tư nhân đang suy thoái. Tỷ lệ thất nghiệp của nhiều nước phát triển đang ở mức hai con số, tạo ra một cuộc khủng hoảng việc làm.

Trong bối cảnh này, một vài công ty lớn nhất thế giới ở phương Tây và các thị trường mới nổi không những không cắt giảm việc làm mà còn đang tuyển dụng thêm.

Chúng tôi đưa ra danh sách 10 hãng sử dụng lao động nhiều nhất thế giới dựa trên số liệu thống kê của Reuters, chỉ số chứng khoán toàn cầu, các website của công ty, báo cáo hàng năm và các nguồn tin công khai khác.

Các hãng này bao gồm nhiều ngành như bán lẻ, viễn thông, năng lượng và ngân hàng. Chúng tôi đã xem xét hiệu quả của các công ty sử dụng nhiều lao động này bằng cách tính toán tỷ lệ doanh thu, lợi nhuận so với lượng nhân viên của công ty vào năm 2010. Kết quả có thể khiến nhiều người ngạc nhiên.

10.IBM


Số lượng nhân viên: 426.750 người

Doanh thu/nhân viên: 234.000 USD

Lợi nhuận/nhân viên: 34.750 USD

IBM là của công ty công nghệ lớn thứ ba thế giới, sau Apple và Microsoft, tính theo giá trị vốn hóa thị trường. IBM cũng là một trong hai gã công nghệ khổng lồ xuất hiện trong danh sách những công ty sử dụng nhiều lao động nhất thế giới này.

IBM được thành lập vào năm 1911 với tên Computing Tabulating Recording Company. Vào năm 1924 công ty đã đổi tên là International Business. Các hoạt động kinh doanh của công ty chủ yếu là về phần cứng, phần mềm, cơ sở hạ tầng và dịch vụ tư vấn máy tính. IBM có mốc lịch sử quan trọng trong năm là kỷ niệm 100 năm thành lập. Hiện công ty đã có chi nhánh ở hơn 200 quốc gia trên thế giới.

Năm 2009, IBM công bố đã cắt giảm khoảng 10.000 việc làm ở Mỹ. Công ty này bị cáo buộc là cố tình giảm lao động ở Mỹ để di chuyển đến châu Á và Nam Mỹ. Năm 2003, IBM đã sử dụng 9.000 lao động Ấn Độ, nhưng năm 2010 con số này tăng lên đến 75.000. Cũng trong giai đoạn đó lực lượng lao động của hãng tại Mỹ lại giảm từ 135.000 xuống còn 105.000.

Từ năm 2005 đến 2010, lực lượng lao động mà IBM sử dụng tăng thêm 97.000 trên toàn cầu. Doanh thu/nhân viên của công ty giảm 42.000 USD so với năm 2005, nhưng lợi nhuận/nhân viên lại tăng hơn 10.000 USD trong cùng thời điểm đó.

9. Tập đoàn Compass


Số lượng nhân viên: 428.000 người

Doanh thu/nhân viên: 53.000 USD

Lợi nhuận/nhân viên: 2.500 USD

Tập đoàn Compass là công ty dịch vụ thực phẩm lớn nhất thế giới hoạt động tại hơn 50 quốc gia. Compass phục vụ 4 tỷ bữa ăn một năm.

Công ty được Jack Bateman thành lập vào năm 1941 tại Anh, khởi nguyên là một căng tin trong nhà máy, sau đó tiếp tục phát triển thông qua sáp nhập và trở thành Tập đoàn Compass vào năm 1987. Compass kỳ vọng rằng công ty sẽ tăng trưởng 9% trong năm tài chính 2011 mặc dù giá lương thực vẫn tăng cao và nhu cầu giảm ở thị trường châu Âu.

Lực lượng lao động của tập đoàn này tăng thêm gần 18.000 nhân viên trong giai đoạn 2005-2010. Người Anh và Ireland chỉ chiếm 20% trong lực lượng lao động công ty còn Bắc Mỹ chiếm hơn 40%. Trong những năm gần đây, năng suất lao động của công ty được nâng cao. Doanh thu/nhân viên tăng lên gần 14.500 USD từ năm 2005 và lợi nhuận/nhân viên gấp 5 lần 5 năm trước đây.

Sự tăng trưởng của Compass là do sự thúc đẩy hoạt động tại các thị trường mới nổi và Bắc Mỹ, cùng với thành công của các thương vụ mua lại. Trong tháng 4, công ty đã mua lại hai công ty của Ấn Độ là Vipul Facility Management và Ultimate Hospitality Services để mở rộng phạm vi hoạt động ở 44 thành phố của Ấn Độ. Đầu tháng này, Compass cũng đã tiếp quản Obasan – nhà cung cấp dịch vụ thực phẩm hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ.

8. Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc


Số lượng nhân viên: 444.440 người

Doanh thu/nhân viên: 85.470 USD

Lợi nhuận/nhân viên: 33.500 USD

Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc với tên giao dịch AgBank, là ngân hàng lớn nhất thế giới về số lượng khách hàng, chi nhánh và nhân viên.

AgBank được thành lập vào năm 1979 để cung cấp các dịch vụ tín dụng cho nông dân và là một trong bốn ngân hàng thương mại lớn của Trung Quốc. Vào năm 2010, ngân hàng này đã huy động được 22,1 tỷ USD từ Hồng Kông và Thượng Hải bằng việc phát hành cổ phiếu và lập kỷ lục với đợt phát hành IPO lớn nhất trong lịch sử thế giới. Việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp của Trung Quốc trong thập kỷ qua đã tạo nhiều điều kiện cho ngân hàng phát triển.

Tuy nhiên Agbank cũng đã trải qua những khó khăn nhất định và cần sự trợ giúp của chính phủ cho các khoản nợ xấu. Trong năm 2008, ngân hàng được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ 19 tỷ USD. Số lượng lao động khổng lồ của ngân hàng không giảm nhiều trong những năm gần đây, ngay cả trong quá trình ngân hàng chuyển đổi từ ngân hàng nhà nước sang ngân hàng cổ phần thương mại. Tỷ lệ lợi nhuận/nhân viên của ngân hàng thấp hơn các ngân hàng Trung Quốc khác như ICBC. ICBC có doanh thu/nhân viên là 150.000 USD và lợi nhuận/nhân viên là 65.000 USD.

7. Deutsche Post DHL


Số lượng nhân viên: 467.000 người

Doanh thu/nhân viên: 148.000 USD

Lợi nhuận/nhân viên: 8.350 USD

Deutsche Post DHL là hãng chuyển phát nhanh lớn nhất châu Âu và là một trong những công ty hậu cần lớn nhất thế giới.

Deutsche Post là công ty của Đức, hoạt động ở hơn 220 quốc gia, được tư nhân hóa vào năm 1995 trong đó ngân hàng nhà nước KfW sở hữu 30% cổ phần. Số lượng lao động của Deutche Post tăng lên nhiều trong những năm gần đây do công ty này mua lại hai công ty Exel của Anh và Dart Blue của Ấn Độ. Tuy nhiên, trong thời gian này công ty giảm khoảng 7,5% nhân viên trong biên chế so với tổng số 455.000 lao động năm 2005.

Việc kinh doanh của Deutsche Post bị ảnh hưởng nhiều bởi xu thể sử dụng email thay cho thư tay ngày càng tăng. Gần đây công ty thỏa thuận được với công đoàn Verdi Đức về việc giảm 4%  mức lương trung bình đối với các nhân viên mới với điều kiện công ty phải đảm bảo công việc cho 130.000 công nhân đến năm 2015. Công ty cho biết động thái này là một trong những nỗ lực nhằm ổn định hoạt động kinh doanh, đảm bảo doanh thu ở mức 1,36 tỷ USD cũng như đối phó với tình trạng thị trường bị thu hẹp trong tương lai.

Tuy nhiên, lợi nhuận từ dịch vụ vận chuyển hàng hóa của công ty lại đang tăng trưởng mạnh mẽ. Tháng 8 vừa qua, Deutsche Post cho biết lợi nhuận dự kiến năm 2011 của công ty vào khoảng 3,5 tỷ USD, cao hơn so với ước tính của các nhà phân tích là 2,36 tỷ USD.

6. Carrefour


Số lượng nhân viên: 471.750 người

Doanh thu/nhân viên:  256.000 USD

Lợi nhuận/nhân viên: 3.920 USD

Carrefour của Pháp là nhà bán lẻ lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới sau Wal-Mart. Carrefour được thành lập vào năm 1958 bởi gia đình Fournier và Defforey ở vùng đông nam nước Pháp, công ty này hiện có nhiều siêu thị ở 32 quốc gia với trên 57% doanh thu thu được từ hoạt động kinh doanh quốc tế.

Lượng lao động của công ty đã tăng từ 436.000 năm 2005 lên khoảng 471.000 vào cuối năm 2010. Trong những tháng gần đây, công ty đã đưa ra một loạt cảnh báo về việc sụt giảm của nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường châu Âu và tình hình cạnh tranh gay gắt tại Pháp. Tháng 9 vừa qua, Carrefour cho biết lợi nhuận của hãng giảm 15% và công ty đang thực hiện kế hoạch giảm giá để giành lại thị phần.

Gần đây, Carrefour phải đối mặt với tình trạng tranh chấp lao động. Tháng 4 vừa qua, khoảng 65.000 công nhân ở Pháp đã tổ chức một cuộc đình công phản đối việc công ty này trả lương thấp, cắt giảm việc làm và điều kiện làm việc không đảm bảo. Và tới tháng 8, công nhân của công ty ở Indonesia đe dọa tổ chức một cuộc biểu tình yêu cầu một hợp đồng lao động tốt hơn. Carrefour sử dụng khoảng 28.000 lao động Indonesia.

Doanh thu hàng năm/nhân viên của công ty cao hơn so với Wal-Mart 55.000 USD và 60.000 USD so với Tesco. Tuy nhiên, lợi nhuận/ nhân viên lại ít hơn 3000 USD so với Wal-Mart và 5.000 USD so với Tesco.

5. Tesco


Số lượng nhân viên: 492.700 người

Doanh thu/nhân viên: 194.000 USD

Lợi nhuận/nhân viên: 9.000 USD

Tesco là nhà bán lẻ lớn thứ ba thế giới sau Wal-Mart và Carrefour. “Gã tạp hóa” khổng lồ của Anh được thành lập năm 1929 bởi Jack Cohen từ một siêu thị. Bây giờ Tesco bán  tất cả các mặt hàng từ sách vở, quần áo, đến các thiết bị điện tử hay các dịch vụ tài chính.

Số lượng lao động của công ty tăng 19% trong 5 năm qua, tăng 80.000 nhân viên từ năm 2007 đến năm 2011. Điều kiện kinh doanh khó khăn ở Anh và sự suy giảm lợi nhuận trong nước đã được bù đắp bằng sự phát triển nhanh chóng ở thị trường châu Á. Lợi nhuận của công ty ở châu Á tính đến ngày 27/8 tăng 19% so với cùng kỳ năm 2011, trong khi đó con số này ở Anh chỉ là 4,5%.

Theo số liệu công bố tháng trước, doanh số bán hàng của Tesco tại Anh trong quý III đã giảm 0.7% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm này đánh dấu sự suy giảm doanh số bán hàng trong ba liên tiếp. Tesco cho biết sẽ đầu tư khoảng 784 triệu USD vào việc giảm giá của mặt hàng chủ lực như sữa và cà rốt để cải thiện tình hình. Tháng 8 năm ngoái, công ty đã cắt giảm 2.000 quản lý của các cửa hàng tại Anh như là một phần của kế hoạch tái cơ cấu.

Việc mở rộng kinh doanh ở thị trường quốc tế không phải luôn thành công. Mới đây, Tesco công bố rút khỏi thị trường Nhật Bản sau 8 năm hoạt động với 129 siêu thị để tập trung hoạt động ở các nước châu Á khác.

4. PetroChina


Số lượng nhân viên: 592.700 người

Doanh thu/lao động: 390.000 USD

Lợi nhuận/nhân viên: 37.250 USD

PetroChina là công ty dầu khí lớn nhất Trung Quốc với giá trị vốn hóa thị trường là 274,3 tỷ USD, xếp thứ 2 thế giới sau Exxon Mobil.

Thành lập vào năm 1999, PetroChina được liệt vào danh sách các công ty nhà nước của Trung Quốc. Các hoạt động của PetroChina là khoan, thăm dò, chế biến và bán lẻ nhiên liệu dầu mỏ. PetroChina cũng sở hữu gần như tất cả 18.000 trạm dịch vụ xăng dầu ở nước này.

Lượng lao động của “Người khổng lồ dầu khí” này đã tăng hơn 25% trong giai đoạn 2005-2010, tương đương 113.000 nhân viên. Hơn 60% nhân viên, tương đương 337.000 công nhân của PetroChina đang làm việc trong lĩnh vực sản xuất năng lượng. Công ty cũng có 66.000 nhân viên hành chính và 66.000 người khác làm việc trong lĩnh vực công nghệ.

Doanh thu/nhân viên của PetroChina ít hơn đối thủ cạnh tranh Sinopec 71.000 USD nhưng lợi nhuận/nhân viên, cao hơn Sinopec 20.000 USD.

3. Hồng Hi Precision Industry, Foxconn


Số lượng nhân viên: 836.000 người

Doanh thu/nhân viên: 117.700 USD

Lợi nhuận/nhân viên:  3.000 USD

Hồng Hải Precision là công ty mẹ của Foxconn Technology, nhà sản xuất điện tử có doanh thu lớn nhất thế giới. Foxconn cũng là nhà xuất khẩu công nghệ lớn nhất trong khu vực Trung Hoa đại lục.

Giám đốc điều hành Terry Gou thành lập Hồng Hải Precision vào năm 1974 chỉ với 7500 USD. Gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc lắp ráp tất cả các thiết bị từ máy tính đến điện thoại thông minh và các chi tiết cho các hãng như Apple, Cisco, Dell, Nokia và Sony.

Năm 2010, giới truyền thông đưa tin công ty có kế hoạch tăng 400.000 lao động tại Trung Quốc trong vài năm tới. Công ty đã phải đối mặt với một loạt các vụ tự tử, nhiều người đổ lỗi cho điều kiện làm việc khắc nghiệt. Đáp lại, Foxconn đã tăng lương gần gấp đôi cho công nhân vào năm 2010, từ mức 180 USD lên 300 USD mỗi tháng. Chi phí lao động tăng cao dẫn đến lợi nhuận ròng của công ty giảm 23% từ tháng 4 đến tháng 6.

Khoảng một nửa nhân viên của công ty đang làm việc tại Thâm Quyến. Công ty có kế hoạch giảm 170.000 lao động ở khu vực này trong 5 năm tới đồng thời xây dựng các nhà máy tại khu vực đất liền, nơi có nhân công rẻ hơn. Foxconn cũng có kế hoạch sử dụng robot và triển khai 1 triệu robot trong vòng ba năm – số robot hiện tại được sử dụng là 10.000.

2. McDonald


Số lượng nhân viên: 1,7 triệu người

Doanh thu/nhân viên:  14.200 USD

Lợi nhuận/nhân viên:  2.930 USD

McDonald là một trong những thương hiệu thức ăn nhanh lớn nhất thế giới và là một trong ba công ty của Mỹ có tên trong danh sách này.

Được thành lập vào năm 1955 bởi nhà kinh doanh người Mỹ, Ray Kroc, McDonald là chuỗi cửa hàng ăn nhanh lớn nhất thế giới. McDonald đã mở rộng kinh doanh ở 118 quốc gia với hơn 33.000 nhà hàng, nhưng hơn 80% trong số đó là dưới hình thức nhượng quyền thương hiệu.

Vào 4/2011, McDonald đã gây chú ý với “ngày tuyển dụng quốc gia”, trong một ngày công ty này đã tuyển dụng một số lượng khổng lồ nhân viên Mỹ: 62 nghìn người,vượt kế hoạch tuyển dụng 50.000 nhân viên trước đó và làm tăng 7% số lượng lao động của McDonald.

Thị trường lớn nhất của McDonald trong năm 2010 là Châu Âu với 41% tổng doanh thu, Mỹ chiếm 34% doanh thu, những khu vực còn lại đóng góp khoảng 21% tổng doanh thu.

Công ty đang tiếp tục mở rộng kinh doanh. Năm 2011, McDonald cókế hoạch đầu tư 2,5 tỷ USD để mở thêm khoảng 1.100 cửa hàng mới trên toàn thế giới.

1.Walmart


Số lượng nhân viên: 2,1 triệu người

Doanh thu/nhân viên: 199.500 USD

Lợi nhuận/nhân viên:  7.100 USD

Walmart là nhà bán lẻ lớn nhất thế giới với hơn 9.600 cửa hàng tại 28 quốc gia. Walmart được Sam Walton thành lập vào năm 1962. Gia đình Walton vẫn là một trong những gia đình giàu có nhất trên thế giới với 48% cổ phần trong công ty.

Nguồn nhân lực của Walmart tăng gần 17% , từ 1,8 triệu lao động vào năm 2005 lên 2,1 triệu vào năm 2010. Trong thời gian đó, công ty vẫn có tỷ lệ doanh thu và lợi nhuận trên mỗi nhân viên khá cao. Doanh thu hàng năm/nhân viên của Walmart năm 2010 tăng gần 27.000  USD so với năm 2005, trong khi lợi nhuận/nhân viên cũng tăng 900 USD.
Trong số 2,1 triệu nhân viên trên toàn thế giới, có khoảng 1,4 triệu lao động làm việc tại Mỹ.

Walmart cũng là công tư nhân sử dụng nhiều lao động nhất ở Mexico và Canada. Doanh thu nước ngoài của công ty lên đến 109 tỷ USD. Là công ty sử dụng nhiều lao động nhất thế giới, Walmart cũng đã phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ của các tổ chức công đoàn. Walmart cũng từng bị chỉ trích vì chính sách phản đối công đoàn. Công ty cho biết mức lương trung bình của Walmart là 10- 12 USD/giờ. Tuy nhiên, một số nhà chức trách địa phương và các tổ chức cộng đồng đã phản đối việc Walmart mở các cửa hàng mới với lập luận rằng điều này đó có thể làm tổn thương tới các doanh nghiệp khác.