Trang chủ » Kinh tế 24h » Khuyến khích sáp nhập để ngân hàng mạnh hơn

Khuyến khích sáp nhập để ngân hàng mạnh hơn

Tác giả:

Theo Ngân hàng Nhà nước, nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng giúp hình thành nên những định chế tài chính lớn hơn, mạnh hơn, có khả năng trụ vững trong một môi trường cạnh tranh ngày một trở nên khốc liệt, qua đó lành mạnh hóa hệ thống tài chính ngân hàng.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước chủ trương khuyến khích các tổ chức tín dụng tự nguyện tìm hiểu lẫn nhau để mua lại, sáp nhập, hợp nhất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Để thực hiện chủ trương này, trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước có thể có cơ chế hỗ trợ thích hợp nhằm đảm bảo việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng thành công, góp phần từng bước kiện toàn hệ thống các định chế tài chính Việt Nam hoạt động an toàn, ổn định, phát triển bền vững.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, hệ thống tín dụng Việt Nam có 52 ngân hàng thương mại, 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 31 tổ chức tín dụng phi ngân hàng phi ngân hàng, 1 Quỹ tín dụng nhân dân trung ương, 1083 quỹ tín dụng  cơ sở và 1 tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng hiện phải đối mặt với không ít khó khăn. Thị trường vốn trong nước có nhiều diễn biến không ổn định. Trong khi đó, nội tại hệ thống tổ chức tín dụng còn nhiều bất cập, phải củng cố, kiện toàn thường xuyên. Năng lực tài chính còn khiêm tốn, chất lượng quản trị, điều hành còn hạn chế. Sản phẩm, dịch vụ nghèo nàn. Lợi nhuận chủ yếu mới chỉ từ hoạt động tín dụng.

Với một số lượng các tổ chức tín dụng không nhỏ kể trên, cùng với mạng lưới hoạt động chủ yếu tập trung tại khu vực thành thị đã và đang tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các tổ chức tín dụng, gây áp lực đến lợi nhuận, qua đó tạo sức ép buộc các tổ chức tín dụng chấp nhận mức rủi ro cao, đe dọa đến an toàn hệ thống.

Với xu hướng sáp nhập, hợp nhất, mua lại không còn là các khái niệm mới mẻ đối với cơ quan quản lý cũng như các tổ chức tín dụng Việt Nam. Mua lại, sáp nhập, hợp nhất để hình thành những định chế hoặc những tổ hợp tài chính lớn hơn, mạnh hơn thông qua việc tăng cường hiệu quả kinh tế nhờ quy mô, đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh nhờ việc gia tăng thị phần hoạt động là một xu thế phổ biến và diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, và cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng tại nhiều quốc gia.

Các tổ chức tài chính có quy mô nhỏ thực hiện hoạt động mua lại, sáp nhập, hợp nhất để trở thành những định chế tài chính lớn hơn. Các tổ chức tài chính lớn cũng có thể tìm đến nhau nhằm khai thác lợi thế cạnh tranh của từng định chế riêng biệt.

Mục tiêu nhất quán trong điều hành của Chính phủ cho năm nay cũng như cả nhiệm kỳ 2011-2015  là  “ổn định vĩ mô, tăng trưởng hợp lý”, do đó, chính sách tiền tệ tiếp tục được thắt chặt. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các tổ chức tín dụng cần hoạch định cho mình chiến lược phát triển phù hợp, xây dựng và tiến hành các biện pháp tái cấu trúc để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững. Một trong những giải pháp hữu hiệu có thể lựa chọn là sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng.